# Cưỡng bức, cưỡng hiếp - Tạp chí Đẹp

# Cưỡng bức, cưỡng hiếp

Review


Trong thế giới công nghệ, hashtag là một từ (hoặc một chuỗi các kí tự liên tiếp nhau) được đặt sau dấu #. Người ta còn gọi hashtag là hash symbol và đây là một dạng metadata (dữ liệu dùng để mô tả cho một dữ liệu khác – data about data). Hiện chúng ta có thể thấy hashtag xuất hiện rất nhiều trên các mạng xã hội như Twitter, Instagram, Google+, Tumblr…

Café Hashtag trên Đẹp Online là nơi cùng bạn nhâm nhi ly café Đen hoặc Sữa, “hóng chuyện” và “chém gió” với những chủ đề bạn có thể sẽ…bấm like.



Hóng chuyện

Đang có quá nhiều chuyện nhảm, chuyện ở chốn riêng tư, thuộc quyền cá nhân bất khả xâm phạm của con người bị mang ra bới móc, hùa theo. Khi tức nước thì sẽ vỡ bờ, có phản ứng xảy ra và kiện tụng, tẩy chay là một cách…

 

“Trong một lần ghé TP.Hải Dương công tác, chúng tôi nghe được câu chuyện khá lạ lẫm từ cánh taxi. Họ truyền tai nhau về một địa chỉ mà bất kỳ lái xe nào gặp phải cũng kinh sợ và né tránh, vì cứ vào là bị một kiều nữ làm mê mẩn, sau đó bị cưỡng dục liên miên, vắt kiệt sức lực…” (Xem bài: Hoang mang kiều nữ có sở thích… cưỡng hiếp lái xe taxi)

“Luật sư Sang cho biết, ông sẽ đại diện cho bà Ngọc để gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan bảo vệ pháp luật để yêu cầu làm rõ về vụ việc, theo ông Sang, là có dấu hiệu của tội “làm nhục” và “vu khống người khác”. “Chúng tôi sẽ yêu cầu những người tự xưng là ‘nạn nhân’ bao gồm những tài xế taxi và một phóng viên của báo Người Đưa Tin chứng minh được họ đã bị chị Ngọc xâm hại…” (Xem bài: Người phụ nữ “cưỡng dâm hàng trăm tài xế taxi” kiện báo Người Đưa Tin)

Chém gió     

: Thế là to chuyện đây Sữa nhỉ. Cứ tưởng làm “kền kền” thì thỏa thuê quẫy đạp, tự tung tự tác thế nào cũng được à!  

:  Chỉ ngại con kiến kiện cụ khoai thôi ấy. Đã nhiều người, nhiều vụ tuyên bố kiện tụng báo chí vì đưa tin, viết bài sai sự thật. Kết quả là chỉ làm báo ấy thêm nổi lềnh phềnh, đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, sự việc rơi tõm vào im lặng. Ấy là còn chưa kể cái báo điện tử kia là “cơ quan của Hội Luật gia Việt Nam”. Chị Ngọc, người được cho là nhân vật “N.” trong bài gốc trên báo ấy có thể không cưỡng hiếp hàng loạt thì đã bị hàng loạt luật sư phản pháo…

: Nói thế chả lẽ lại sắp có tít mới “câu viu”: Người phao tin phản pháo! Kaka. Đùa vậy thôi, chứ là người uống cà phê lướt báo bình thường, Đen thấy cái loạt bài “kiều nữ Hải Dương cuồng dâm” ấy quá sức nhảm nhí. Sữa đừng có mà nhấp chuột, chia sẻ link lên trang cá nhân của mình làm gì, chỉ tội reo rắc mầm họa…

: Nhiều người share vì vớ phải bài đó như vớ phải truyện cười ấy mà… Chủ quan Sữa cho rằng trình độ độc giả không thấp đến mức như nhiều phóng viên, “lều báo” nghĩ, để mà quăng ra những bài như thế. Còn với người trong nghề, Đen vào  trang Facebook Diễn đàn nhà báo trẻ mà xem, sau hai ngày thăm dò cộng đồng, có 263 thành viên bầu chọn phương án “đóng cửa tờ báo”, chiếm tỷ lệ trên 55%. Nhiều ý kiến đọc còn hài hơn bài báo gốc kia: “Ở Việt Nam không có báo lá cải, chỉ có báo… lá ngón!”, rồi thì “Con sâu quấy rầy nồi canh, thôi anh em cố gắng nuôi cho nó hóa bướm!”.

: Tức cười, nghĩa là vừa tức vì bị coi thường, vừa buồn cười vì những “bài báo” mùi vị văn chương. Điều hài hước nữa là các ông anh taxi nhà ta có phải bé bỏng hay gái 16 tuổi đâu mà dễ “tổn thương” quá thể. Nếu có người bị “nhốt” hai ngày đêm ở nhà “chị N.” thì anh ta nên xem lại bản lĩnh, tư cách đàn ông của mình trước khi trách người và rao chuyện. Trước giờ Đen nghe chuyện về các cháu nhỏ bị xâm hại tình dục thấy căm phẫn bao nhiêu thì giờ nghe chuyện ngược đời ở đây thấy chán với các anh bấy nhiêu. Tự các anh nói về sự yếu thế của mình qua những gì phô bày ở bài báo đấy nhé.

: Thế giả sử có trường hợp các anh bị bùa ngải, hít nhầm ngáo đá thì sao? Lúc ấy thì “chị N.” kia đáng bị lật mặt quá ấy chứ. Cậu không nghe các sao xẹt sô bít nhà ta cứ thỉnh thoảng lại lên báo tố nhau vụ bị “chơi” bùa mê thuốc lú à?

: Sữa cả tin nhỉ, cẩn thận không bị “quăng bom” đấy! Vụ kiện kia của chị Ngọc không biết có nên cơm cháo gì không, nhưng cứ theo dữ liệu phong cách văn chương giả tưởng kia mà suy ra thì Đen thấy thế này: Bài báo nào cũng nhất nhất gọi “chị N.” là “kiều nữ” cho kêu, cho tít dễ gây tò mò, đánh nhanh vào tâm trí người đọc. Thử hỏi đã là người “sở hữu một nhan sắc mê hồn” thì chả cứ gì tài xế taxi si mê mà khối kẻ sẵn sàng chết. Nhìn dân mạng chế nhạo vụ này bằng cách đòi xin về Hải Dương làm nghề lái taxi kìa! Ở “phố vẫy”, các cô quá lứa lõ thì còn khua được khối khách, lại có đồng ra đồng vào. Mà “chị N.” kia theo mô tả còn ở mức “đại gia”, một từ cũng kêu như mõ khác. Vừa có tiền có sắc, nhà cao cửa rộng, lại không sống ở Việt Nam, thế thì “taxi xin mời đi!”, “phóng viên chớ quàng xiên!”

: Nghe Đen “ly luận” bùn cười quá. Khi đọc câu này ở đầu bài viết, Sữa đã rất… hoang mang: “Cứ 10 taxi của các hãng vào đón vị khách nữ Việt kiều này thì có đến 9 người bị ả dùng mọi thủ đoạn để cưỡng dục”. Hoang mang không phải là vì… lo cho mình mà vì chưa rõ người viết núp ở chỗ nào để có khảo sát kỹ càng thế. Giá mà nhiều vấn đề kinh tế – xã hội nhức nhối khác của đất nước mà được cánh báo chí để tâm, dụng công truy nguyên sát sao như thế thì chúng ta có phước quá.

: Mà này Sữa, nói gì thì nói, vụ kiện có thể trở thành hiện thực nay mai nếu chị Ngọc kia quyết đòi danh dự. Nhưng trong chuỗi bài ký bằng nhiều cái tên khác nhau kia chỉ viết tắt tên “kiều nữ” là “N.” thì liệu có kiện được không, chị Ngọc này có “vơ lấy tội”?

: Lúc bài viết mới lên có cả ảnh được chú thích là nhà “chị N.” nhé. Thêm nữa, nếu không có “chị Ngọc” thì nhất định phải có “chị N.” là nhân vật bị chĩa mũi dùi. Vậy xin mời xoè “chị N.” – người “hấp diêm” hàng chục tài xế ra đây. Người bị hại tới con số hàng chục cơ mà, trong đó có người, như chính tựa một vài viết là “Lết khỏi nhà kiều nữ, tài xế taxi lẩy bẩy nhập viện”. Tít rụng mít nhé! Nào, chúng ta cùng tới thăm bệnh viện nơi có anh từng lẩy bẩy lui tới…

: Xem ra sự việc rắc rối quá nhỉ… Lại còn vụ việc quá kinh khủng “con gái rủ cậu ruột vào bệnh viên cắt chân mẹ đẻ” mới đây, cũng do báo kia đầu têu nữa chứ. Chẳng biết hồi kết việc kiện tụng của chị Ngọc (hay “ả N”) sẽ thế nào, đúng – sai ra sao, hay lại “chìm trong muôn thuở”; nhưng Sữa cứ đặt ra hai cái “nếu” như vầy:

Nếu không xảy ra chuyện cưỡng dâm hàng loạt, không có “nhân chứng vật chứng” đầy đủ, nghĩa là có sự vu khống, bịa đặt?

Nếu báo chí đặt điều, dựng chuyện, với độ nhảm nhí ngày càng dâng cao, sai lệch quy tắc nghề nghiệp, không xứng với đồng tiền mà họ kiếm được và đóng góp cho xã hội thì hàng triệu độc giả cũng là nạn nhân; vậy thì họ có thể kiện?

THÍCH BẤM LIKE


logo
 

Thực hiện: depweb

07/01/2014, 10:06