Cuối năm, săm soi hạnh phúc - Tạp chí Đẹp

Cuối năm, săm soi hạnh phúc

Sống
Người ta thường ví cuộc đời như một chuyến đi, hay, giống như một con tàu… Trên chuyến tàu miệt mài phăm phăm về phía trước ấy, hẳn hành khách chúng ta chỉ háo hức dừng chân ở các ga lớn, rực rỡ, sôi động… Trên chuyến tàu chộn rộn miên man ấy, hẳn chúng ta không có thì giờ ghé thăm các ga xép. Để, đôi khi, bắt gặp ở đây chút bồi hồi, xao xuyến… Trên chuyến tàu của mình, nữ đạo diễn Việt Linh hẳn đã dừng chân ở nhiều ga xép như vậy. Và, đôi khi, chị muốn chia sẻ cùng chúng ta…

Thông thường cuối năm là lúc con người hay ngẫm ngợi, chia sẻ, nhắn gửi đến nhau những suy tư của cuộc đời. Đầu tuần, tôi nhận được file “Cẩm nang sống hạnh phúc” từ một bạn phương xa. File, hình như dịch từ tiếng Anh, có tới 36 điểm căn dặn liên quan tới sức khỏe, nhân phẩm, giao tiếp… ; nhưng tôi chỉ trích ra đây năm điểm tôi thấy lý thú: Đừng bao giờ so sánh đời mình với đời người khác vì bạn đâu có biết rõ cuộc đời của họ. Hãy nhìn cuộc đời như một học đường, trong đó mỗi vấn đề xảy ra là một phần của chương trình giáo dục. Mỗi ngày hãy làm cho ít nhất ba người cười vui. Hãy làm những điều bạn cho là đúng. Đời người quá ngắn ngủi, bạn không nên giữ lòng căm ghét ai. Riêng điều cuối này tôi thấy câu nói của nhà khoa học Konstantin Novoselov, giải Nobel Vật lý 2010 thuyết phục hơn: “Con người không bất tử, tôi luôn nghĩ đến điều đó với niềm hy vọng về những điều tốt đẹp hơn”.

Cũng trong tuần, tôi nhận được file có tên “Happy Thanksgiving”. So với “Cẩm nang sống hạnh phúc” thì “Tạ ơn hạnh phúc” mang đậm chất A.Q nhưng thực tiễn, dễ thương, kiểu: Tôi tạ ơn Chúa vì ông xã tôi cứ phàn nàn khi bữa cơm chưa dọn kịp, bởi lẽ chàng đang ở ngay cạnh tôi, chứ không phải bên ai khác. Tôi tạ ơn Chúa vì con tôi cứ càu nhàu khi phải phụ rửa chén với tôi, bởi lẽ nhóc đang ở nhà chứ không lêu lổng ngoài đường. Tôi tạ ơn Chúa vì số thuế thu nhập tôi phải trả quá cao, bởi lẽ như thế có nghĩa tôi đang có công việc tốt. Tôi tạ ơn Chúa vì nhận quá nhiều thư gửi về, bởi lẽ như thế tức là tôi vẫn còn có nhiều bạn bè nhớ đến mình… Đại khái vậy. Và tôi tin rằng những câu nói đơn sơ, thậm chí hơi hơi lẩm cẩm kia hẳn (có lúc) khiến ta nghĩ ngợi.

Xưa nay, khi nói tới cảm giác hạnh phúc ai ai cũng… khoe được, bởi nó thực chất, hiển hiện: một món lộc bỗng đâu rơi xuống đầu, một chồi hoa bỗng dưng nhú ra trên nhánh cây tưởng như đã chết, một món ăn khoái khẩu lúc đang đói… Nhưng ý nghĩa hạnh phúc thì luôn là câu hỏi làm ai ai – dù đang hoặc có vẻ như hạnh phúc – cũng e dè. Tại sao? Tại nó vô chuẩn, trừu tượng, và tùy thuộc quan niệm cá nhân; trong đó quan niệm hạnh phúc gắn liền với vị tha theo tôi là quan niệm… khó khăn nhất, nên theo tôi, cũng đẹp nhất.

Vậy nên tôi tin tác giả bức thư này đang hạnh phúc: “Sau những gì đã xảy ra, anh mất hết niềm tin vào em, vào tình vợ chồng của chúng ta, nhưng anh không thật sự muốn ly hôn và cũng chưa sẵn sàng cho việc phải xa em. Anh hận thù, đấu tranh, rồi chợt nhận ra tại sao anh không làm theo những điều lòng mình mách bảo? Anh biết những ngày qua đối với em cũng chẳng dễ dàng gì, phải không em? Nhìn nỗ lực của em trong việc dành thời gian cho gia đình, quan tâm đến anh hơn như thể chuộc lại lỗi lầm, cố hết sức để chứng minh tình yêu dành cho anh vẫn còn, vậy thì tại sao chỉ vì một lỗi lầm của em mà anh lại không thể tha thứ, trong khi tận đáy lòng anh vẫn còn rất yêu em… Em yêu, anh cần em và con của chúng ta cũng cần em. Hai con chỉ có anh là người ba, và em là người mẹ mà các con tôn thờ. Không một ai có thể thay thế được anh và em trong lòng các con. Em yêu, xin em đừng đánh mất lòng tin ở anh lần nữa nhé. Chúng ta sẽ cùng nhau làm lại từ đầu (…). Anh yêu em và hai con nhiều lắm, không có gì thay đổi được điều này”.

Vậy nên tôi tin người đàn ông khác, có hoàn cảnh tương tự, đã rất chân thành khi an ủi người đàn ông kia: “Thật lòng tôi rất yêu vợ con nên tôi không muốn ly dị. Tôi cũng mong bạn hãy vì con mà cho vợ bạn một cơ hội thay đổi. Hãy hình dung nếu bạn là người phạm lỗi và bị vợ phát hiện thì điều bạn mong muốn sẽ là gì? Khi bạn cho người khác một cơ hội thì bạn sẽ nhận được hai cơ hội”.

Vậy nên tôi đã lưu lại bài viết của người vợ này như một… toa thuốc. Toa thuốc đó như sau: “Khi người ấy đi tìm người khác, có nghĩa họ đang mắc bệnh cúm, chúng ta có trách nhiệm chữa trị cho họ như là chăm sóc một bệnh nhân. Ta phải tìm hiểu nguyên nhân của bệnh, do môi trường sống hay bị lây lan từ không khí bên ngoài. Biết được căn nguyên thì chúng ta mới có thể trị bệnh, và có chiến lược điều trị dứt điểm. Phải thật sự yêu ai đó hơn cả bản thân thì mới mong người ta hết bệnh, và khi họ đã hết bệnh thì đừng bao giờ khơi dậy quá khứ và nỗi đau của họ. Hãy tạo dựng môi trường mới tích cực và đầy tình yêu thương. Việc cần làm là ngồi xuống, lắng nghe bản thân mình. Tự trả lời bốn câu hỏi sau: Người đó có phải là người bạn yêu hơn chính bản thân bạn? Người đó có xứng đáng để bạn tiếp tục yêu? Cuộc sống của bạn rồi sẽ ra sao khi không có người đó? Khi gia đình thiếu đi một trong hai vị trí then chốt thì con bạn sẽ như thế nào?

Không có quyết định nào đúng đắn khi bạn chưa trả lời được bốn câu hỏi đó”.

Trở về câu nói của nhà khoa học Konstantin Novoselov: “Con người không bất tử, tôi luôn nghĩ đến điều này với niềm hy vọng về những điều tốt đẹp hơn”. Người viết bài này tin tác giả của những đoạn thư trích bên trên đang hạnh phúc, và xứng đáng hạnh phúc. Bởi họ biết vị tha, biết hy vọng những điều tốt đẹp hơn trong kiếp người hữu hạn.

Bài: Việt Linh 

Thực hiện: depweb

23/01/2013, 12:05