Cuối đời của Phúc “bồ” là những nụ cười ngơ ngẩn - Tạp chí Đẹp

Cuối đời của Phúc “bồ” là những nụ cười ngơ ngẩn

Tin Tức

Từng có may mắn gặp Phúc thời gian chị còn đang cải tạo tại trại giam số 5 Thanh Hóa nên khi tới Trung tâm dưỡng lão Thiên Đức, tôi đã ngờ ngợ khi bắt gặp một phụ nữ cao lớn ngồi trong xe lăn. Dẫu năm tháng đã khiến cho gương mặt không còn bừng sáng tuổi 30, mái tóc đen nhánh ngày nào đã nhường chỗ cho một mái đầu muối nhiều hơn tiêu nhưng vẫn còn nguyên vẹn khuôn mặt góc cạnh có đôi lông mày cao, cong vút. Người đàn bà tôi gặp khi xưa ấy, giờ ngồi trong xe lăn, hiền lành như đứa trẻ trước sự chăm sóc tận tình của các hộ lý.

Phúc bồ từng là giang hồ khét tiếng một thời giờ ngơ ngẩn (ảnh Vietnamnet)

Phúc “bồ” từng là giang hồ khét tiếng một thời giờ ngơ ngẩn (ảnh Vietnamnet)

Trung tâm dưỡng lão Thiên Đức đóng trên địa bàn xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, nhận phụng dưỡng khoảng 200 các cụ cao tuổi, người ốm đau bệnh tật ở khắp các tỉnh thành song chủ yếu là người già cả ở Hà Nội. Theo lịch trình, hàng sáng, họ được các hộ lý, y sỹ đưa đến một hội trường lớn để nghe nhạc, xem ti vi và chơi thể thao hoặc trò chuyện. Khi chúng tôi đến, bữa ăn sáng vừa kết thúc, mấy cụ già còn khỏe mạnh lò dò bước về phía chiếc màn hình, mắt chăm chú. Một vài cụ im lìm như muốn ngủ, có cụ lại lầu bầu như đang mắng mỏ ai đó. Giữa mớ âm thanh ồn ã ấy, chỉ có Phúc ngồi đó với đôi mắt mở to, ngơ ngác và lạ lẫm. 20 năm trôi qua với nhiều biến cố, có nhiều thứ người ta muốn quên đi, xếp vào quá khứ nhất là những chuyện đau buồn, nông nổi của tuổi trẻ. Với người đàn bà này, điều muốn quên và không thể nhớ gần như đồng nghĩa với nhau.

Nếu như 20 năm trước, Phúc là một phụ nữ ngang tàng, kiếm tiền bằng cách chỉ đạo một đội ngũ ô hợp, núp danh đội bốc xếp để bắt chẹn những người bán hàng ở chợ Phùng Hưng, chợ tạm Đồng Xuân, vòi tiền thì giờ đây chị hiền lành đến lạ. Bệnh tật và những nỗi đau nhân tình thế thái đã khiến chị không còn đủ sức lực để chống đỡ. Ba lần bị tai biến, đã bòn rút của chị mọi khả năng chống chọi, biến chị từ một phụ nữ khỏe mạnh, cao lớn giờ trở thành một người tàn phế với một cánh tay bị bại liệt. Vẫn dáng ngồi thẳng, nổi bật trước những khuôn mặt già nua, héo úa, chị dõi ánh mắt nhìn mọi người như thể muốn giấu kín vào lòng nỗi niềm riêng tư để quên đi những điều nhức nhối.

“Chị ấy ngoan lắm, không làm phiền hộ lý như những người khác đâu”, y tá Hương, một phụ nữ hơn 10 năm gắn bó với nghề chăm sóc người già, bệnh tật ở trung tâm này kể. Với lớp người như Hương, cái tên Phúc “bồ” là quá khứ, là một cái gì đó mơ hồ chứ không ghê gớm như những người cùng thời biết đến. Vậy nên khi bước chân vào đây, dẫu cho trước kia Phúc có là ai chăng nữa thì hiện tại chị cũng giống những người tới đây, cần được chăm sóc và an ủi.

Nào có ai biết được về già mình sẽ thế nào, có chăng chỉ là một sự dọn đường, chuẩn bị về vật chất. Câu nói nhân nào quả ấy, gieo gió ắt gặt bão chỉ đến khi về già, không còn đủ sức làm những việc tối thiểu, người ta mới dư thời gian để nghĩ lại quá khứ, mới thấy câu nói của người đi trước sao mà quá đúng chứ ngày trai trẻ, câu nói ấy chỉ như gió thoảng qua, nào đã vấp đâu mà chiêm nghiệm.

Dường như biết có người lạ nhìn mình, Phúc đưa bàn tay còn cử động được, run rẩy bám vào thành ghế. Bàn tay trắng, gân guốc với những chiếc ngón rất dài khiến tôi buột miệng khen đẹp. Chẳng biết có phải tại lời khen chân thành hay câu nói của tôi nhắc chị nhớ lại thời con gái khiến Phúc như bừng tỉnh, dứt ra khỏi dòng u mê. Đôi mắt mở to ngơ ngác chớp chớp. Rồi chị cười khi tôi hỏi ngày xưa có biết thêu không, biết đan len không vì con gái Hà Nội là khéo tay lắm. Những cơn tai biến dù đã bòn rút tất cả sức khỏe, không cho chị còn khả năng tự phục vụ mình nhưng không hoàn toàn lấy đi của chị tất cả. Trong sâu thẳm tâm hồn, chị vẫn còn nhận biết được, biết đâu là người thân, người lạ, cảm nhận được lời khen chê của mọi người. Chị nắm lấy tay tôi lắc lắc, miệng phát ra những từ khó hiểu, không tròn chữ nhưng qua nét mặt cho thấy chị đang rất xúc động. Rồi chị cười, ồ ồ như nước chảy, hồn nhiên như đứa trẻ. Y tá Hương bảo chị ấy đang vui đấy. Bị tai biến nặng, lúc tỉnh lúc mê nhưng chị Phúc vẫn nhận biết được, thi thoảng vẫn khóc vì tủi thân.

Có thể Hương không biết hoặc không muốn biết chứ với những người như tôi, từng viết về Phúc “bồ” thì quá hiểu hoàn cảnh của chị, một phụ nữ có nhiều sai lầm và tội nghiệp. Những cảm giác bất bình về những tội lỗi xưa kia của chị giờ chỉ còn là sự thông cảm, xót xa. Cũng là phụ nữ nhưng sao số phận với chị thật nghiệt ngã. Việc chị khuấy đảo một thời ấy chỉ diễn ra chưa đầy 1 năm, cũng do hoàn cảnh đưa đẩy và cũng đã phải trả giá rồi, còn ai nhắc đến, gợi lại làm gì, thế mà…

Không khóc mới lạ bởi chẳng ai có thể đứng vững nổi khi chồng rồi hai con lần lượt sa vào nghiện ngập. Ngày Phúc đi tù, dù mới 30 tuổi và phốp pháp nhưng sức con gái Hà thành, lớn lên trong nhung lụa đâu dễ quen với cái nắng gió khắc nghiệt của miền Trung. Chị ốm, bệnh tật âm ỉ trong người được dịp trỗi dậy, hành hạ. Cuối năm 2002, chị được đặc xá, trở về nhưng mái ấm gia đình của chị ta ở ngõ Tạm Thương đã trở nên hoang lạnh. Người chồng từng bị Phúc hắt hủi, dính nghiện, kéo theo hai đứa con trai, chị gắng gượng coi đó như một nghiệp chướng gây ra phải gánh chịu. Chị mở cửa hàng buôn bán mỹ phẩm, điện thoại nhưng số phận đã không cho người đàn bà này được sống một cách an lành quãng đời còn lại. Tháng 8/2005, một cơn tai biến mạch máu não nặng đã bòn rút tất cả sức lực, khả năng chống trọi với cuộc đời, biến người đàn bà lừng lẫy với những ai oán chồng chất thành kẻ tàn phế. Bị liệt nửa người, thần kinh không còn tỉnh táo, Phúc được anh chị đưa về nhà chăm sóc trước khi được gửi vào đây.

“Thi thoảng người nhà chị ấy cũng đến thăm, ngồi nói chuyện với chị ấy một lát rồi về”, y tá Hương kể. Theo lời Hương thì những lúc đó chị Phúc chỉ im lặng như đang đắm chìm vào những dòng ký ức để rồi sau đó là những giọt nước mắt.

Ở cái tuổi ngoài 50, lẽ thường đã được hưởng phúc an nhàn bên con cháu, nhưng Phúc “bồ” đang phải sống cảnh cô độc, bệnh tật và thiếu vắng tình thân. Sau rất nhiều cố gắng, chị lại bập bẹ học nói, tập đi những bước đi chấp chới. Hàng xóm của chị là những người già cả, bệnh tật, giống nhau ở sự cô đơn, cũng không tự phục vụ mình, được con cháu đưa đây. Mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi đau không dễ bày tỏ, san sẻ song mấy ai biết người đàn bà tàn tạ, nửa mơ nửa tỉnh đang lần lần từng bước đi men kia từng là giang hồ lưu manh khét tiếng dẫu thời gian tung hoành ấy chỉ vẻn vẹn 21 tháng.

Theo Công lý

Thực hiện: depweb

24/08/2012, 11:14