Cưới đi đừng nợ

3 nguyên tắc tài chính mà bạn cần nhớ khi tổ chức đám cưới

Ấn bản Mùa cưới đã có mặt trên các sạp báo với rất nhiều thông tin hữu ích cho các cặp đôi đang xây tổ. Bạn có thể đọc và trải nghiệm Mùa cưới trên chính điện thoại thông minh, tablet của mình ở bất cứ đâu, với những thao tác cực kỳ đơn giản. 

1. Luôn xác định rõ số tiền mà hai bạn sẽ chi trả cho đám cưới. Tốt nhất, đó là số tiền mà bạn thật sự có – chứ không phải kiểu tính toán “tiền mừng chắc sẽ bù được tiền cưới”. Cố gắng hạn chế mức phát sinh so với dự định ban đầu không vượt quá 10%. 

2. Đừng vay mượn để chi trả ngoài khả năng. Cuộc sống hôn nhân về sau của hai bạn có êm đẹp, ổn định hay không phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề tài chính. Thà có một đám cưới khiêm tốn còn hơn cố gắng “huy hoàng” rồi lại túng thiếu. 

3. Một đám cưới thành công đến từ việc chuẩn bị chu đáo, tính toán hợp lý chứ không liên quan đến chuyện “mạnh gạo bạo tiền” hay không. Bạn hoàn toàn có thể có một buổi tiệc đáng nhớ và đầy kỷ niệm với kinh phí vừa phải. 

Những gợi ý dưới đây có thể không phải lúc nào cũng hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, chúng sẽ giúp đem đến cho bạn rất nhiều ý tưởng thú vị đấy!

– Nếu có thể, hãy cưới vào những ngày trong tuần. Vào mùa cưới, các nhà hàng thường kín lịch vào thứ Bảy, Chủ nhật và vì vậy, giá dịch vụ cũng tăng lên chút ít. Hãy hỏi thăm các địa điểm tổ chức cưới xem thời điểm nào là lúc có giá cả “mềm” nhất nhé!

– Đừng tranh cưới vào “giờ cao điểm”, bạn có thể bắt đầu tiệc cưới sớm hơn hoặc tổ chức vào cuối mùa cưới. Vào đợt cao điểm, có khách mời phải đi dự đến 4 đám cưới chỉ trong 1 ngày, thậm chí còn không kịp nhớ mặt các cô dâu! Vì thế, cứ thong thả, bạn sẽ được chăm sóc bằng các dịch vụ tốt hơn, không bị ép giá, và cũng có nhiều khách tới dự hơn. 


– Khi đã chọn một ngày “phi truyền thống” như tối thứ Tư hoặc sáng Chủ nhật, hãy dành thêm ít thời gian thuyết phục các khách mời có mặt. 

– Việc nắm được số lượng khách mời cũng giúp bạn đặt chính xác số lượng bàn tiệc, tránh phí phạm. Một bàn tiệc cưới thông thường sẽ có giá khoảng 2,5 – 4 triệu đồng. Chỉ nên đặt dôi ra 1 – 2 bàn so với lượng khách mời chắc chắn sẽ đến.

– Tham khảo những cặp đôi đã cưới trước bạn. Họ sẽ cho bạn biết chính xác về giá cả thị trường, đồng thời đưa ra những gợi ý cực thông minh được đúc rút sau những sai lầm trong chi tiêu đám cưới. 

– Tìm những gợi ý khác về địa điểm cưới, thay vì chọn cả một “gói cưới” ở nhà hàng. Nếu bạn làm việc cho cơ quan/công ty nào đó có thế mạnh về mặt bằng, hãy hỏi phòng nhân sự xem có thể thuê với giá ưu đãi không nhé.

– Hạn chế các dịch vụ “trọn gói’, nếu chúng bao gồm những dịch vụ và khuyến mãi bạn không thực sự cần. 

– Nhờ một người bạn thân hoặc người nhà làm MC. MC người nhà có thể không hoạt ngôn như MC chuyên nghiệp, nhưng họ sẽ biết rõ về bạn và các khách mời đủ để đưa ra những lời giới thiệu ngắn gọn, đúng trọng tâm và vui nhộn.



Bạn vẫn có thể tổ chức một đám cưới thật vui và ý nghĩa mà không quá tốn kém

– Thực ra, những màn múa may trước đám cưới cũng hơi lỗi thời rồi, nếu có bỏ đi cũng chẳng sao đâu!

– Cắt giảm chi phí chụp ảnh, quay phim trong đám cưới. Bạn chỉ cần 1 tay máy chụp ở vị trí chào khách, chụp ảnh lưu niệm khi bạn đi cụng ly với từng bàn và khi tiễn khách ra về. Phim cưới? Chỉ nên thực hiện khi bạn có một ý tưởng kịch bản thú vị và ngắn gọn. Kinh nghiệm cho thấy, các thể loại phim 5 tiếng tường thuật chi tiết từ lúc đón dâu đến tàn tiệc thường chỉ được động đến 1 – 3 lần trong đời!

– Đừng mua thêm gì ngoài danh sách, đặc biệt là các vật dụng dán nhãn “dành riêng cho đám cưới” – bởi nó mang ý nghĩa “xong đám cưới là vô dụng”.

– Đưa ra một lý do hợp lý cho lễ cưới tiết kiệm của bạn là rất quan trọng. Điều này giúp hai bạn tránh được điều tiếng “keo kiệt bủn xỉn” hoặc qua loa đại khái. Hãy chọn một chủ đề nào đó, ví dụ như “đám cưới an toàn” – các khách mời chỉ được uống tối đa 1 lon bia để an toàn về nhà; “đám cưới xanh” – gồm các món salad tốt cho sức khỏe. 

– Thay ít váy cưới, hãy chọn tối đa 3 trang phục cho toàn bộ nghi thức cưới, gồm áo dài, váy cưới truyền thống và một loại váy phá cách, gọn gàng, khỏe khoắn. Với các cô dâu muốn may/mua hẳn váy cưới thay vì thuê – hãy chọn chiếc váy bạn có thể diện lại vào những dịp về sau thay vì chiếc váy cần 4 người nâng và chiếm ½ diện tích tủ.

– Xác định danh sách vật dụng cần cho đám cưới, và cố gắng thuê – xin – mượn càng nhiều càng tốt.

– 15 Chọn thực đơn phù hợp. Các thực đơn cưới được nhà hàng đưa ra thường nhàm chán và dư đạm. Hãy tăng cường rau xanh và các món ăn giàu tinh bột, dùng trái cây đúng mùa. Bạn sẽ có một thực đơn cưới không quá xuất sắc, nhưng vừa bụng và vừa túi tiền.

– Trang trí cây xanh thay vì hoa tươi cho đám cưới.

– Lên kịch bản cưới súc tích, ngắn gọn. Đám cưới lý tưởng chỉ nên kéo dài 2-3 tiếng, kể cả lúc tiếp đón, mời chào. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian cho tất cả mọi người, giảm bớt số lượng thức uống được tiêu thụ và hạn chế các rủi ro. 

– Bạn có cần bánh cưới không? Thực tế, cô dâu và chú rể sẽ không ăn bánh cưới, mà khách mời lại càng không. Vậy nên, nếu muốn đẹp khung hình, có thể chọn một mô hình bánh cưới thay thế. Hoặc, làm bánh macaron, cupcake và tận dụng chúng làm quà cưới đáp lễ khi khách khứa ra về.

– Không thuê ban nhạc của nhà hàng, thay bằng một đĩa nhạc êm dịu, phù hợp với không khí đám cưới.

– Để mọi người giúp bạn tổ chức đám cưới. Bạn thân/em gái/em trai sẽ là những tiếp tân, DJ, chụp ảnh, thợ make up, nhân viên trang trí đám cưới, thợ làm hoa cưới ra trò, nếu bạn cho họ cơ hội trổ tài.

Câu chuyện thật

“Tôi đã làm một đám cưới mini”

Chúng tôi chỉ mời 100 khách cho đám cưới, ngoài 4 bàn dành cho bố mẹ hai bên thì còn lại là bạn bè, đồng nghiệp mà cả hai vợ chồng đều thân thiết, những người thực sự vui mừng vì có mặt trong đám cưới của chúng tôi.

Việc làm một đám cưới mini ban đầu không dễ dàng chút nào. Chúng tôi đã phải thuyết phục ba mẹ hai bên, vì các cụ luôn sợ thất lễ với họ hàng, chòm xóm… Việc chọn khách mời cũng khó khăn không kém. Chúng tôi đặt ra một số quy tắc, ví dụ, chỉ mời đồng nghiệp cùng team và sếp chứ không mời cả công ty, chỉ mời 20 người bạn thường gặp nhất của mỗi đứa, mỗi thiệp chỉ mời một người,… Với các mối quan hệ khác, chúng tôi chọn cách chuẩn bị thiệp “thông báo kết hôn” kèm những phần quà tặng xinh xắn trị giá khoảng 10.000 đồng và gửi đến họ. Dĩ nhiên, không phải ai cũng hài lòng với quyết định của chúng tôi. Nhưng đám cưới đã rất thành công, theo cách của riêng chúng tôi.

Chúng tôi không có bất kỳ xáo trộn nào về mặt tài chính, cũng không hồi hộp mở phong bì để xem tiền cưới có đủ bù lỗ không.

Bầu không khí của buổi tiệc cực kỳ thân mật, vì họ là tất cả những mối quan hệ tốt nhất trên đời mà chúng tôi có.

Chúng tôi có một đám cưới sáng tạo, khác biệt và vui nhộn nhất trong số các đám cưới tôi từng tham dự. 

Tôi và anh ấy cảm thấy đây là “chiến thắng” đầu tiên của chúng tôi trong cuộc sống hôn nhân.


Huỳnh Thị Mai Trâm
(Q.3, Tp.HCM) 


From the same category