“Cưới chạy” khiến khán giả cũng... bỏ chạy - Tạp chí Đẹp

“Cưới chạy” khiến khán giả cũng… bỏ chạy

Review

“Cưới chạy” là sản phẩm đầu tay của một đơn vị sản xuất nghe tên lạ hoắc: Hoàng Thần Tài. Té ra đây là công ty mới lập của danh hài Hoàng Mập, đánh dấu sự tham gia vào thị trường phim Việt Nam đang vô cùng sôi động, náo nhiệt.

Có lẽ muốn kịch bản phim đầu tay mang ý nghĩa “đầu xuôi đuôi lọt” nên cả ekip làm phim quyết định chọn một kịch bản đơn giản đến mức gần như tối giản để dựng thành phim. 

cưới chạy
 

Ông bà Hai Mơ là phú hộ miền Tây, có bốn đứa con, ba trai một gái. Thùy, cô chị cả đã gần hàng ba mươi mà vẫn chưa lập gia đình khiến ông bà suốt ngày ngay ngáy lo con ế. Gần Tết tới, hai vợ chồng quyết định ép cô con gái cưới bằng hạ kế, gọi điện báo cho Thùy biết là Thảo, em gái cô, đã mang thai, bây giờ phải làm đám cưới gấp. Tuy vậy, theo suy nghĩ của gia đình này, cô chị đi trước thì cô em mới được nối bước theo sau, nên áp lực bây giờ là Thùy phải làm sao kiếm ngay một anh chồng về cho ông bà Hai Mơ yên chí.

Túng thế, Thùy buộc phải đi tìm dịch vụ thuê cho mình một cậu bạn trai để dẫn về ra mắt, đồng thời yêu cầu rằng cậu này phải là đồng tính để có thể đảm bảo “tính mạng” cho mình. Đông Dương, một chàng trai vừa thất nghiệp biết chuyện, bèn cùng bạn gài bẫy, giả bộ là đồng tính để Thùy tin tưởng, làm “hợp đồng yêu ngắn hạn.” Theo đúng kịch bản, Thùy dắt bạn trai về nhà trong niềm vui mừng của ông bà Hai, nhưng có một người không hài lòng, đó là Sơn, cậu bạn thân từ nhỏ có thân hình quá khổ của Thùy. Do đã có tình cảm với Thùy, khi thấy Thùy thân mật cùng Đông Dương, Sơn ra sức phản đối, tìm mọi cách ngăn cản. Cũng trong lúc này, ông bà Hai Mơ phát hiện ra một sự thật khác, đứa con gái thứ hai tên Thảo, từ việc giả bộ có thai ban đầu, nay chuyện đã thành sự thật. Thế là ông bà lại đau đầu để tìm cách cưới chạy cho đứa con tiếp theo.

 

Với một kịch bản bình thường đến mức tầm thường như vậy, điều khán giả mong chờ nằm ở cách dẫn dắt câu chuyện cũng như tài diễn xuất của các diễn viên, tuy nhiên hi vọng càng cao thì thất vọng càng nhiều.

Cách dựng phim của “Cưới chạy” vô cùng tệ. Những đoạn cắt ghép theo kiểu chấp nối bất thình lình, thường là dừng ngay lúc cao trào nhất của một phân cảnh, để rồi những phân cảnh sau đó cũng chẳng có gì tiếp nối hay giải quyết cho cao trào đó, thành ra bộ phim như bị xé thành mấy chục mảnh vụn vặt.

Bối cảnh trong phim cũng làm cho người xem lúng túng, thấy nhân vật Sơn lúc thì xuất hiện ở thành phố, khi thì ở quê, lúc thì đang chạy xe cùng người này, thoắt cái đã thấy đang ngồi dưới quê chờ điện thoại của người kia. Ngoài căn nhà phú hộ rộng lớn của ông bà Hai được chọn làm bối cảnh chính, những cảnh còn lại được dựng sơ sài cho có tính ước lệ. Như trong một cảnh bàn tiệc mừng cô con gái có người yêu, mặc dù cậu rể tương lai nói rằng đây là một bữa tiệc thịnh soạn, nhưng nhìn lên bàn tiệc chỉ thấy có đúng 1 nồi lẩu, 1 đĩa rau, vài ly trà đá, đến nỗi, anh ngồi coi cạnh tôi phải thốt lên: “Đạo diễn tiếc tiền quá.”

Các nhân vật trong phim cũng có vẻ rất… vô duyên. Ngoài vai diễn của Việt Hương là một bà mẹ thương con, Chí Tài vào vai ông bố khó tính, phong kiến, thì những vai diễn khác đều gây nhiều thất vọng.

 

Kim Hiền vốn trước đây khá thành công với những phim truyền hình dài tập, sau đó cô có một vai diễn tuy ngắn nhưng vẫn lưu lại dấu ấn tốt trong phim điện ảnh “Thiên mệnh anh hùng”, thì đến “Cưới chạy” Hiền lại làm người xem chán nản. Hiền đóng vẫn tốt, nhưng do vai diễn quá mờ nhạt và phi lý nên dù xử lý thế nào thì nó cũng tệ. Chẳng đời nào có cô gái 28 tuổi mà còn dễ dàng đi trò chuyện, rồi cùng một gã sở khanh vào tận nhà gã để bị lợi dụng, chỉ vì một mục đích: “thâm nhập thực tế”. Có thể nói, vai diễn trong “Cưới chạy” là một thất bại của Kim Hiền.

Là nhà sản xuất phim, Hoàng Mập cũng đóng một vai xuất hiện khá nhiều trong phim, nhưng vai diễn của Hoàng lại là một vai diễn làm cho bộ phim đã chán lại càng chán hơn. Lạm dụng hình thể quá khổ của mình một cách quá đà, những giây phút người ta thấy Hoàng trên phim chủ yếu chỉ là lái chiếc xe nhỏ xíu hay vác thân hình to béo chạy lịch phịch. Thậm chí, có một đoạn nhân vật của Hoàng ôm điện thoại nhảy tưng tưng mà cũng chả hiểu để làm gì.

 

Những điểm vô lý của bộ phim có thể nói là đầy rẫy. Ngay cả tấm poster duy nhất cũng khiến vài người cho là “xúc phạm người nhìn”, hay phông chữ dùng trong đoạn giới thiệu phim cũng bị sai, lúc thì phông này, lúc lại phông kia khiến người xem khó chịu. Âm nhạc cũng được chèn vào một cách tùy hứng, lúc nhanh lúc chậm, lúc vui lúc buồn mà chẳng mấy liên quan.

Với tất cả những điều trên, có thể nói “Cưới chạy” xứng đáng là thảm họa đầu tiên của điện ảnh Việt Nam trong năm mới. Ra rạp trong thời điểm cận Tết, cạnh tranh với “Cô dâu đại chiến 2”, không cần nói nhiều cũng biết “Cưới chạy” sẽ thua trong cuộc chạy đua giành vé phòng chiếu. Nếu sau “Cưới chạy”, Hoàng Thần Tài còn muốn tiếp tục làm phin, thì Lê Bảo Trung hãy coi chừng vì đã có đối thủ ngang tầm.

Bài: Chú Hề
Ảnh: Lotte Cinema

>>> Có thể bạn quan tâm: Không ít tiếng hồ hởi, mừng vui khi “Những người viết huyền thoại” ra rạp. Ấy vậy mà cuối cùng, tác phẩm đã thắng nhiều giải thưởng điện ảnh ấy xuất hiện chỉ để nhận lấy sự thất bại trước công chúng.

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

18/01/2014, 00:47