Ngày xưa, chồng bảo vợ có bệnh thích nhắn tin. Đi trên đường mà nghe rích một cái trong túi là biết ngay vợ nhắn, rồi rích mấy cái là biết ngay chồng chưa kịp nhắn tin trả lời thì vợ đã nháy máy ỏm tỏi. Nhiều lúc đi làm về muộn không phải vì đường tắc hay có việc gì quan trọng cả, mà chỉ là do dừng lại nhắn tin cho vợ thôi. Có khi chỉ nghe nhạc hiệu “anh sắp về” nhưng để đoán chương trình nghĩa là vài tiếng sau nhé hay “anh đã đến cầu thang rồi” thì phải tự hiểu rằng có thể anh mới ra khỏi cầu thang của quán nhậu. Thế nhưng chỉ cần có người cầm máy là cũng thấy yên tâm rồi.
Ngày xưa, em trai suốt ngày làu bàu sao chị gọi nhiều thế, hỏi nhiều thế. Đang đi trong ngõ nhỏ làm gì có tên tuổi mà cứ hỏi gặng nào là đang ở đâu, ở đường nào thì đến Chúa cũng không trả lời nổi. Không liên lạc được với em, thế nào điện thoại của mấy thằng bạn chí cốt trên bàn nhậu cũng bị làm phiền cho đến lúc tìm ra được tung tích của thằng em.
Mình lấy chồng xa nên cơ hội gần gũi với bố mẹ rất hiếm. Do đó ngày xưa khi sinh em bé, mình đã quyết định dành thời gian nghỉ thai sản để về với bố mẹ. Bạn bè cứ hỏi mình sao về quê lâu thế, không nhớ chồng và hai thằng cu à? Sao không nhớ nhỉ nhưng cuộc đời của ta sẽ có bao nhiêu lần “6 tháng nghỉ thai sản” để có thể dành thời gian nhiều hơn cho bố mẹ.
Cái gì đã qua sẽ không bao giờ có thể lấy lại được nhất là thời gian, chợt thấy mọi thứ tình yêu đều cần phải vội vàng, đâu cứ chỉ tình yêu lứa đôi. Vậy thì ít nhất, hãy cố gắng để không phải có lúc hối tiếc vì thời gian dành cho họ không đủ.
Rồi khi không có cơ hội được ở cùng với bố mẹ, mình rút ngắn khoảng cách bằng hàng ngày gọi điện chỉ để nghe thấy tiếng yêu thương và đảm bảo rằng mọi việc đều tốt đẹp. “Bố khỏe, bố đang làm ngoài vườn” hay “Mẹ khỏe mẹ đang đi chợ, có mớ cá ngon lắm để mẹ mua đóng gói gửi ra cho con nhé” cũng đủ khiến mình thấy ấm lòng.
Bây giờ mình đã quên thói quen léo nhéo chồng mỗi khi chồng về muộn, lèo nhèo em trai mỗi khi nghe nói hắn đang nhậu với bạn, lải nhải với bố mẹ về chuyện ngươi già không được dậy sớm quá trong thời tiết khắc nghiệt lạnh giá của miền Trung vì đơn giản mình đang phải “phiền phức” với ba đứa con bé bỏng.
Hình như tính phiền phức ấy tạo thành dây chuyền và sẽ di truyền giữa các thế hệ như một lẽ tự nhiên. Mình nhận ra mình của ngày xưa trong hình ảnh ngày nay của hai con trai (sinh đôi) Bun và Beo.
Mỗi lần đi chơi đâu vào chỗ đông người, Bun rất căng thẳng theo sát em Beo. Beo cứ mải chơi, mải miết theo các anh lớn, còn anh Bun quên cả chơi nhắc nhở Beo suốt: “Beo ơi đi bên này, Beo ơi khéo lạc…” Nhiều lần Beo phát cáu: “Anh gọi gì lắm thế”.
4 giờ chiều chủ nhật, bố gợi ý với hai chàng trai: có ai đi rửa xe với bố không. Hai chàng chưa kịp phản ứng, mẹ đã trả lời ngay, cơ hội được nghỉ một chút sau hai ngày cuối tuần vật vã: “Bun Beo đi với bố kìa, rửa xe xong rồi bố cho đi siêu thị”. Bun có vẻ phân vân nhìn mẹ có vẻ thương thương: “Em đi với bố, mẹ ở nhà có khóc không?”. Mẹ trả lời: “Mẹ người lớn rồi, mẹ không khóc đâu”. Hai đứa theo bố ra ngoài cửa, chuẩn bị đi giày, lại thấy anh ấy ló mặt vào: “Em đi chơi đây, mẹ ở nhà một mình có khóc không?”. Mẹ cười: “Không đâu con, mẹ ở nhà xem ti vi, không buồn đâu”. Một lát thấy tiếng cửa mở, chắc là ba chàng đi chơi rồi, mẹ thở phào khoan khoái nằm xuống, thì thấy anh ấy lại lò dò vào phòng: “Mẹ có khóc không? Em đi chơi nhanh rồi về với mẹ”. Khổ thế, mẹ chỉ muốn nghỉ ngơi một chút thôi. Nhưng cái cảm giác được quan tâm sao mà ngọt ngào đến thế.
Tình yêu được xem là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta và sự quan tâm của mọi người chính là loại gia vị tuyệt vời nhất cho món ăn ấy. Nhiều người khuyên rằng nếu tỏ ra quan tâm quá mức cần thiết, chính là nêm quá nhiều gia vị cho tình yêu của mình sẽ gây phản ứng ngược lại. Nhưng một người thích “ăn mặn” như mình vẫn thích được nhận nhiều “gia vị phiền phức”. Chỉ tiếc rằng nhiều người đã quá bận rộn để bỏ quên thói quen quan tâm hơn đến người khác rồi.
Cuộc sống đang nhạt dần, cần thêm nhiều gia vị hơn nữa.
Mình lại cầm điện thoại lên và gọi…
Bài: Thu Huyền
Xem thêm: Yêu thương thôi chưa đủ