Cuộc “hôn phối” giữa văn hóa dân gian, văn học Việt Nam và Vpop

Bằng việc kết hợp giữa âm nhạc và chất liệu văn hóa dân gian, văn học trung đại trong các MV ca nhạc, các ca sĩ Việt Nam đã tạo nên một không gian âm nhạc mới mẻ, mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc. 

Nếu trước đây, người hâm mộ dòng nhạc VPOP trẻ trung, hiện đại đắm chìm trong giai điệu bắt tai trong bối cảnh MV hiện thực thì vài năm trở lại đây, các câu chuyện tình yêu đã được thêu dệt nên từ những mẩu chuyện trung đại nổi tiếng hay lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian dần trở nên có sức hút trong cộng đồng yêu nhạc Việt. Từ việc xây dựng câu chuyện từ tác phẩm văn học trung đại nổi tiếng cho đến những nét văn hóa dân gian lâu đời của người Việt, âm nhạc không còn là nơi giải bày cảm xúc cùng những nốt thăng – trầm, mà còn là nơi hội tụ tinh hoa bản sắc văn hóa Việt. Cùng xem lại những ca khúc lấy cảm hứng từ chất liệu văn hóa dân gian đã và đang được người hâm mộ yêu thích trong thời gian qua sau đây.

Kẻ cắp gặp bà già” (Hoàng Thùy Linh): Bức tranh dân gian tuyệt đẹp được thể hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc

mv ca nhac dan toc - 1

Sau thành công của ca khúc “Bánh trôi nước“, Hoàng Thùy Linh từng bước thay đổi thành công gu âm nhạc mang hơi hướng dân gian cùng các nhân vật văn học vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam. Nếu trong “Bánh trôi nước“, Hoàng Thùy Linh hóa thân thành một “nàng hậu” lung linh trong những bộ trang phục in hoa văn truyền thống của người Việt, sang đến “Để Mị nói cho mà nghe” khán giả lại được dịp trở về với không gian văn học trung đại với các nhân vật quen thuộc như Chí Phèo – Thị Nở, Lão Hạc, Mị – A Phủ,… hay lời khước từ tỏ tình của một cô gái trẻ trong “Duyên âm“, và gần đây là giai điệu quyến rũ nhưng không kém phần sắc sảo của một người phụ nữ trưởng thành đối mặt với những tổn thương trong tình yêu của “Kẻ cắp gặp bà già“. Trong MV, khán giả như được trở về thời thơ ấu với ván cờ Gánh dựa trên bối cảnh tranh Hàng Trống nổi tiếng. Ngoài ra, không gian âm nhạc còn bao phủ bởi chuyện tình Ngưu Lang – Chức Nữ, hay khoảnh khắc tái ngộ của Thúy Kiều – Kim Trọng, khung cảnh náo nhiệt nơi đám cưới Chuột và sự uy nghi, quyền lực của Mẫu Thượng Ngàn.

Không thể cùng nhau suốt kiếp” (Hòa Minzy): Tái hiện nỗi dằn xé trong tình yêu của Nam Phương Hoàng Hậu

mv ca nhac dan toc - 2

Trở lại với hoạt động ca hát sau một thời gian dài tạm rời xa sân khấu, Hòa Minzy đem đến cho người hâm mộ sản phẩm âm nhạc được đầu tư hoành tráng cả về nội dung và trang phục. Không chỉ khán giả yêu mến giọng ca của Hòa Minzy mà cả nhiều nghệ sĩ và giới chuyên môn dành nhiều lời tán dương dành cho “Không thể cùng nhau suốt kiếp“. MV tái hiện lại nỗi dằn xé khi tình yêu bị phản bội của Nam Phương Hoàng Hậu với vua Bảo Đại. Bối cảnh MV không chỉ thể hiện chân thật yếu tố lịch sử mà còn mang đến một không gian nghệ thuật hoàn mỹ của triều Nguyễn. “Không thể cùng nhau suốt kiếp” không chỉ là sản phẩm trở lại của nữ ca sĩ Hòa Minzy sau 2 năm vắng bóng, mà còn đánh dấu cột mốc son sáng chói trong sự nghiệp của cô với một sản phẩm âm nhạc được đầu tư nghiêm túc trong suốt 2 năm dài. Chỉ sau 3 ngày ra mắt, MV đã chiếm giữ vị trí Top 1 thịnh hành trên YouTube với hơn 10 triệu lượt xem.

Hết thương cạn nhớ” (Đức Phúc): Gợi nhớ về tác phẩm “Chí Phèo” nổi tiếng của thế kỷ 20 và hình ảnh làng quê Bắc Bộ

mv ca nhac dan toc - 3

Tuy tái hiện lại câu chuyện “Chí Phèo” vốn đã rất nổi tiếng trong nền văn học thế kỷ 20 nhưng MV “Hết thương cạn nhớ” lại cuốn hút người xem qua góc độ chuyện tình tay ba của Lý Cường – con trai Bá Kiến cùng với Chí Phèo và Thị Nở. Lấy bối cảnh tại một khu chợ nghèo với những ngôi nhà xụp xuệ, từng ụ rơm, mái đình, gốc đa,… mang đậm nét đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ của thế kỷ trước, “Hết thương cạn nhớ” đã xuất sắc truyền tải trọn vẹn cảm xúc của câu chuyện nhưng vẫn không cố tình lồng ghép các đoạn hội thoại dài dòng hay phân cảnh drama để đưa câu chuyện lên cao trào, tất cả đều được kể bằng âm nhạc một cách tự nhiên nhất. Chính vì thế, giữa xu hướng sử dụng chất liệu văn hóa dân gian làm nền tảng xây dựng nội dung âm nhạc hiện nay, “Hết thương cạn nhớ” của Đức Phúc vẫn mang một màu sắc rất riêng.

Anh ơi ở lại” (Chipu): Nỗi đau da diết của nàng Cám khi chứng kiến tình yêu tuột khỏi tầm tay từng ngày

mv ca nhac dan toc - 4

Không phải giai điệu EDM sôi động như những single trước đó, nữ ca sĩ Chipu gây bất ngờ với chất giọng ngọt ngào cùng bản Ballad “Anh ơi ở lại“. Ngoài lời ca tiếng hát, bài hát còn thành công nhờ nội dung MV mới lạ, hấp dẫn dựa trên truyện cổ tích “Tấm Cám“. So với cốt truyện gốc, Chipu đã khai thác câu chuyện ở một góc độ hoàn toàn mới, ở góc độ tình cảm của Cám – một cô nàng si tình, quyết liệt trong tình yêu như chính lời bài hát “vì sợ cô đơn nên em mặc kệ đúng sai“.

Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau” (Bích Phương): Khung cảnh đám cưới nhộn nhịp của đồng bào dân tộc thiểu số

mv ca nhac dan toc - 5

Ca khúc “Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau” nằm trong dự án “Việt Nam – Việt Nam” của nữ ca sĩ Bích Phương. Sau thành công của các sản phẩm âm nhạc pha trộn giữa chất nhạc Pop cùng giai điệu mang âm hưởng dân tộc như “Gửi anh xa nhớ“, “Bao giờ lấy chồng“,… thì đến năm 2017, nữ ca sĩ sinh năm 1989 cho ra mắt MV “Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau” tái hiện khung cảnh đám cưới nhộn nhịp của dân tộc Dao giữa cảnh núi rừng bạt ngàn cùng con thác Bản Giốc tuyệt đẹp.

 


From the same category