Cuộc “hôn phối” của cái đẹp

Khi nhà tạo mẫu cũng là nghệ sĩ, thì việc cộng tác với các nghệ sĩ khác trở thành một yếu tố tất yếu. Những tác nhân tạo nên sản phẩm thời trang sẽ không chỉ giới hạn trong studio mà còn được mở rộng tới xưởng sáng tác của nghệ sĩ thị giác với hội họa, điêu khắc, sắp đặt, video, v.v… Cuộc “hôn phối” của sáng tạo và cái đẹp ấy đã cho ra đời nhiều tác phẩm thú vị.



Trừu tượng và ý niệm – Đơn giản hóa nghệ thuật vào thời trang

Mỗi tác phẩm nghệ thuật thị giác là một phức hợp ý tưởng và suy ngẫm gồm nhiều tầng lớp ý nghĩa sâu xa của người nghệ sĩ. Có những tác phẩm, người xem có thể cảm thụ chúng ban đầu thông qua cảm xúc hay bản năng, nhưng cũng có khi phải tìm đến sự trợ giúp của các lý thuyết nền tảng khác nhau. Bởi thế, nghệ thuật vừa dễ lại vừa khó tiếp cận. Nhưng khi kết hợp với thời trang, nghiễm nhiên, thứ nghệ thuật ấy phải được giản lược bớt sự phê phán hay tính bình dẫn trong nó, chỉ hội tụ lại những gì thuần túy thẩm mỹ nhất của đường nét, chất liệu và hình khối.


Chẳng hạn, vừa mới đây, nhà mốt Dior mời nghệ sĩ người Đức Anselm Reyle thiết kế một bộ túi xách, phụ kiện đồ da và mỹ phẩm riêng biệt. Nổi tiếng với các tác phẩm “objets-trouvé” (tức sắp đặt tổng hợp từ các vật thông dụng hàng ngày) được phủ lớp sơn bóng loáng tựa kim loại màu, tượng trưng cho suy ngẫm mâu thuẫn giữa công nghiệp, tư bản, sản xuất và văn hóa đại chúng, đồng thời vẫn mang vẻ đẹp trừu tượng nếu tách tác phẩm khỏi nguồn gốc của nó, bộ sản phẩm “Dior x Anselm Reyle” đã khai thác triệt để tính thẩm mỹ trừu tượng của nghệ sĩ.

Những sản phẩm nằm trong bộ sưu tập “Dior x Anselm Reyle” 

Lớp màu ánh kim sáng chói nhuộm vàng chiếc túi Lady Dior và Miss Dior cùng họa tiết rằn ri với sắc tím, xanh dương, xanh nõn chuối, hồng, trắng, xám loang trên nền vải bố của đôi sandals đế cao tạo nên một bộ sưu tập độc đáo và sành điệu. Như đoạn văn giới thiệu trích lời Christian Dior: “Bàn tay con người đem đến cho vật thể nghệ thuật một cá tính độc nhất.” Quả thực, đó cũng chính là lớp nghĩa căn bản nhất trong phong cách nghệ thuật “objets trouvé” của Anselm.


Trong năm 2012 này, giới đam mê nghệ thuật ý niệm, phê bình xã hội và mộ đạo thời trang có thể tìm tiếng nói chung qua bộ sưu tập liamgillickforpringleofscotland, hợp tác giữa nghệ sĩ người Anh Liam Gillick và nhà thiết kế Alistair Carr của hãng dệt kim nổi tiếng Pringle of Scotland. Là một trong những biểu tượng thời trang của Vương quốc Anh, Pringle of Scotland luôn được nữ diễn viên Tilda Swinton lựa chọn, đồng thời là gương mặt đại diện cho dòng thời trang nữ của hãng.

 

Thiết kế của Liam Gillick cho bộ sưu tập liamgillickforpringleofscotland 

Với một tinh thần phá lề như Alistair, cộng hưởng cùng thần thái mạnh mẽ của Tilda, Liam Gillick nhập vào thành bộ ba xem ra là sự kết hợp đúng đắn. Liam Gillick là một nghệ sĩ có nhiều trăn trở và phê bình xã hội đậm chất triết học chính trị nhưng thể hiện thông qua các phương tiện thông dụng như văn bản in ấn, sắp đặt và hội họa trừu tượng tối giản đặt nơi công cộng nhằm tạo tương tác với khán giả. “Pringle of Scotland có thiết kế phù hợp với nhiều tầng lớp đan xen trong cấu trúc xã hội,” đó là lý do Liam đồng ý cùng thiết kế những mẫu thời trang đầu tay của mình cùng thương hiệu này. Đường nét thẳng góc, nhất quán với sắc màu căn bản, những chiếc áo khoác len hay túi xách của bộ sưu tập này hứa hẹn một phong cách thời trang hấp dẫn.

Louis Vuitton – chiếc túi đầy “chất nghệ”

Là biểu tượng của sự xa xỉ, chiếc túi hàng hiệu có thể chỉ là một món phụ kiện nhằm chứng tỏ đẳng cấp. Nhưng nếu được biến hóa dưới phép màu sáng tạo của người nghệ sĩ, chiếc túi ấy sẽ mang sắc thái khác, kết tinh của lý trí và cảm xúc sáng tạo. Nắm rõ yếu tố này, Louis Vuitton, dưới sự cách tân triệt để của Marc Jacobs, luôn dẫn đầu trong việc hợp tác với các nghệ sĩ thị giác tài ba nhất hiện giờ.

 

Thiết kế túi Alma của Louis Vuitton với hình bông hoa hồng của nghệ sĩ Stephen Sprouse 


Năm 2006, người ta phải sững sờ trước vẻ đẹp thuần khiết về cấu trúc như một tác phẩm điêu khắc và màu sắc đỏ-trắng tinh tế của chiếc túi xách Louis Vuitton do kiến trúc sư bậc thầy Zaha Hadid thiết kế. Bộ sưu tập Xuân Hè 2008 tiếp tục cho ra mắt bộ túi xách và phụ kiện đồ da họa tiết phun sơn có màu sắc vui nhộn, kết quả từ việc cộng tác cùng họa sĩ và nhiếp ảnh gia Richard Prince.

Trước và sau đó, năm 2001, 2006 và 2008, những chiếc túi với họa tiết in chữ graffiti của nghệ sĩ Stephen Sprouse bán hết sạch khi vừa giao tới cửa hàng. Năm 2002 cũng đánh dấu bắt đầu cho sự kết hợp lâu dài giữa sự sáng tạo của nghệ sĩ Takashi Murakami với Marc Jacobs.

Và mới đây, Marc Jacobs lại khiến các tín đồ túi xách và sành sỏi nghệ thuật xôn xao khi thông báo sản phẩm cộng tác mới nhất giữa Louis Vuitton và nữ nghệ sĩ tên tuổi Yayoi Kusama sắp ra mắt. Một phụ nữ Nhật Bản hơn 80 tuổi vẫn hừng hực sức sáng tạo sánh vai cùng một nhà thiết kế đầy phá cách sẽ tạo bất ngờ khi bộ sưu tập thực hiện cùng Louis Vuitton được ra mắt trong tháng 7 tới.


Ở thời đại mà thông tin đa số được tiếp nhận trước nhất qua hình ảnh, nghệ thuật thị giác là một thứ nghệ thuật thu hút đông đảo giới yêu chuộng văn hóa. Sự phổ biến rộng rãi giá trị thẩm mỹ của nghệ thuật thị giác trên sản phẩm thời trang kéo theo khản năng kết nối giữa người nghệ sĩ và đông đảo công chúng, chuẩn bị cho mối giao tiếp – đối thoại ý niệm nghệ thuật sâu sắc hơn. Thời trang, dù có vẻ phù phiếm, đã đóng vai trò kết nối nghệ thuật và xã hội một cách đáng kể và đẹp đẽ.


From the same category