Từ bánh xà phòng của “ông bà anh”…
Xà phòng đích thực là một thứ nhu yếu phẩm lâu đời. Từng có một giả thiết được đặt ra: những người đầu tiên phát minh ra xà phòng chính là phụ nữ La Mã cổ đại, thời 600 năm trước Công nguyên. Họ thấy rằng quần áo được giặt tại sông Tiber dưới chân thành Sapo sạch hơn so với giặt tại những con sông khác. Sự khác biệt này đến từ chính lớp tro và mỡ động vật đổ ra từ các miếu thờ thần linh trên đỉnh đồi Sapo, hòa cùng nước sông tạo nên một thứ chất tẩy rửa cổ đại – tiền thân của công thức làm xà phòng ngày nay. Cái tên xà phòng trong tiếng Việt cũng xuất phát từ tên thành Sapo mà ra, còn ở Pháp, xà phòng được gọi là savon.
Nhưng phải đợi đến thế kỷ 20, xà phòng mới theo thực dân Pháp du nhập vào Việt Nam. Thập niên 80, hầu như đứa trẻ nào trên đất Việt cũng thơm cùng một mùi thơm của bánh xà phòng màu xanh ngọc mang hiệu “Xà bông cô Ba”. Sang thập niên 90, mùi thơm quốc dân lại thuộc về bánh xà phòng Camay giấy đen, ruột hồng của Thái. Điều khiến xà phòng bị thất sủng chỉ vài năm sau đó được đồn đoán dựa trên nhiều lý do: thiết kế cầm tay không bảo đảm vệ sinh sau mỗi lần tắm gội, cùng với sự ra đời mạnh mẽ của những thương hiệu chăm sóc cơ thể và các dạng thức sản phẩm làm sạch mới như sữa tắm, lotion, bath-bomb. Dù là với lý do nào thì xà phòng tắm cũng dần biến mất theo thời gian hoặc chỉ còn hiu hắt bám trụ trong phòng tắm của… “ông bà anh” mà thôi.
… đến món hàng xa xỉ phẩm
Tuy nhiên, đối với sự đổi thay của thế giới làm đẹp, điều gì cũng có thể xảy ra. Chỉ cách đây ít lâu, loại bông phấn dưỡng thể từng làm mưa làm gió trong thập niên 90 đã được Rihanna tái hiện lại rực rỡ dưới cái tên Fairy Bomb cùng thương hiệu Fenty Beauty của mình. Ngành công nghiệp mỹ phẩm cũng rập rình khiến các cô gái ngã lòng lần nữa bằng xu hướng làm xà phòng handmade hay những cú phù phép ấn tượng biến xà phòng thành món hàng xa xỉ phẩm.
Cần phải nói về một trong những lý do khiến xà phòng bánh thời xưa thất sủng trong lòng công chúng có hiểu biết: do chứa nhiều sulfat và thiếu glycerin (chất giữ ẩm cho da) nên chúng thường khiến da khô ráp, có thể gây dị ứng đối với da nhạy cảm. Nhờ vào việc khai thác và khắc phục điểm yếu này mà một loạt các thương hiệu mỹ phẩm cao cấp đã làm dấy lên lần nữa xu hướng xà phòng bánh trong thế giới làm đẹp phù hoa.
Hãy bắt đầu với những bánh xà phòng handmade được gói ghém thô sơ trong giấy báo màu nâu tái chế. Những sản phẩm handmade này thường được bán tại các thương hiệu nhỏ lẻ đề cao tính thủ công: làm từng mẻ tươi bán theo ngày hoặc khách đặt mới có. Khác với xà phòng công nghiệp, xà phòng handmade thường được chọn lọc nguyên liệu cẩn thận từ các loại tinh dầu, bơ sáp có tỉ lệ dưỡng chất cho da dồi dào như: dầu hạnh nhân, dầu dừa, dầu ô liu hay bơ cacao, bơ hạt shea… Lướt bánh xà phòng trên da mà cảm giác như ta đang cầm hũ kem dưỡng cô đặc thoa đều vậy. Cầu kì hơn, các tiệm xà phòng còn ướp thêm xác hoa oải hương, cánh hồng sấy khô, những miếng cacao hay bã cà phê lợn cợn; hoặc đổ khuôn, vẽ vân nổi cho xà phòng, biến chúng thành những miếng đá cẩm thạch thơm nức.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là sân chơi của những cái tên nhỏ lẻ. Ở một phân khúc cao hơn, xà phòng được “hóa rồng” trở thành một thứ sản phẩm làm đẹp, dưỡng thể cao cấp. Nào Chanel, Ted Baker, Viktor & Rolf, Clé de Peau Beauté… thương hiệu nào cũng có ít nhất một sản phẩm xà phòng mô phỏng lại mùi hương hoặc công thức làm đẹp kinh điển nhất. Đây có thể coi là một động thái phát triển thị trường khôn ngoan của các ông lớn trong ngành mỹ phẩm. Chẳng phải ai cũng đủ tiền (hay sẵn sàng chi trả) cho một chai nước hoa 100ml đắt đỏ, nhưng một bánh xà phòng nhỏ xinh được bán với giá tiền thấp hơn nhiều lần thì lại là một lựa chọn lý tưởng: xà phòng No.5 của Chanel, xà phòng Flowerbomb của Viktor & Rolf hay bánh xà phòng Santal 33 với hương hoa hồng nồng đượm của Le Labo…
Cũng giống như từng thỏi son hộp phấn, xà phòng là địa hạt thể hiện sự tinh xảo của các thương hiệu. Nếu bánh xà phòng No.5 của Chanel có lối thiết kế đơn giản, chỉ có một dòng tên nằm ngay ngắn ở chính giữa, thì bánh xà phòng Diptyque lại là một tác phẩm nghệ thuật được chạm khảm kì công mô phỏng hình họa trên từng chai nước hoa cùng thương hiệu; còn xà phòng Synactif Soap New của Clé de Peau Beauté có tạo hình như một miếng đá hồng thạch đựng trong chiếc hộp lượn sóng trong suốt sang quý… Chất lượng mùi hương của chúng thế nào ư, có lẽ chúng ta chẳng cần phải bàn tới nữa. Nhìn những bánh xà phòng được tạo tác tựa tuyệt phẩm nghệ thuật mùi hương như vậy, liệu cô gái nào có thể cầm lòng?