Cuộc đời Bikini

Bom bikini trên không phận Riviera

Sau Đệ nhị Thế chiến, giới thượng lưu Âu châu đổ về bãi biển Cannes để bù đắp những tháng ngày u tối. Jacques Heim – nhà thiết kế kiêm chủ cửa hiệu đồ tắm ở Cannes đã trở thành người hùng bất đắc dĩ, khi tung ra mẫu áo tắm Atome với tên gọi “nguyên tử” đầy mùi ca tụng trận thả bom của quân đồng minh tại Nhật, và cũng hàm chỉ diện tích vải eo hẹp đến ngộp thở của trang phục.


Nhà thiết kế kiêm doanh nhân ranh mãnh đã thuê tàu bay viết quảng cáo bằng khói trắng lên nền trời thừa nắng của miền Nam nước Pháp, một nhà thiết kế tài tử khác cũng nỗ lực tung ra mẫu tương tự cho mùa hè phục hưng 1946. Chỉ 3 tuần sau khi lời công bố của Heim bay phấp phới trên trời, Louis Reard – kỹ sư cơ khí được số phận đặt vào lĩnh vực đồ tắm cũng tung lên nền trời vùng Riviera thông điệp quảng cáo đầy màu sắc hào hung và láu cá: “Bikini – còn nhỏ hơn cả loại đồ tắm nhỏ nhất thế giới”.

Trò “ranh mãnh hơn cả kẻ ranh mãnh nhất nước Pháp” đã khiến Reard khéo léo ăn theo hiệu ứng marketing của gã chủ tiệm tội nghiệp. Cái tên bikini ngộ nghĩnh dễ nhớ chính thức trở thành tên gọi của kiểu áo tắm 2 mảnh, vẫn đảo điên khuấy động sóng biển lẫn sóng tình hơn 70 năm sau.


Khi dự định công diễn bikini tại Paris, Reard đã không thể tìm ra người mẫu nào chịu mặc thiết kế kiệm vải này, cho đến khi may mắn gặp Micheline Bernardini, người mang trái tim quả cảm của vũ nữ khỏa thân chuyên nghiệp. Cô trở thành nữ đại sứ đầu tiên của cách mạng bikini, ghi dấu xâm lăng trên sàn diễn thời trang Paris năm ấy.

 

Micheline Bernardini trong bộ bikini đầu tiên trên thế giới 

 

Chẳng ai biết gã chủ tiệm hay anh kỹ sư cơ khí của mùa hè 1946 có tiên liệu được cuộc cách mạng ảnh hưởng xuyên thế kỷ hay không, chỉ biết nó đã vĩnh viễn thay đổi bộ mặt các bãi biển và can thiệp khó lường vào khái niệm đạo đức xã hội lẫn giá trị hôn nhân hơn nửa thế kỷ sau.

Cuộc xâm lăng của bikini

Vụ bùng nổ bikini tại Cannes đã không càn quét dễ dàng qua những vùng duyên hải nước Mỹ, nơi áo tắm 2 mảnh  tiết hạnh với phần lưng cao quá eo vẫn kiên cường bám trụ trên thân thể quý bà công dân Hợp Chủng Quốc.


Tài phiệt dòng thời trang biển Fred Cole, chủ nhân của Cole of California tỏ ra dè bỉu cơn sốt bikini của người Pháp, với quan điểm chúng được thiết kế cho “những thân hình dí dị của đàn bà giống Gaulois”.

Nhưng sự mỉa mai huỵch toẹt ấy không làm nản lòng người phụ nữ Gaulois. Hình ảnh con mèo cái nhỏ của nước Pháp Brigitte Bardot tung tẩy khối thịt da hừng hực trong shot ảnh chụp tại liên hoan phim Cannes 1953 đã giáng đòn chí mạng lên những mảnh swimsuits thủ cựu.


Tiếp bước là giai nhân Mỹ Marilyn Monroe, dẫn lối cho Esther Williams và Betty Grable trong trào lưu bơm căng danh vọng bằng những đường cong che đậy hững hờ.

 

 

 

Marilyn Monroe 

Liên hoan phim Cannes và đào BB đã hình thành mối liên hệ cộng sinh. Cannes nâng đỡ nàng lên danh vọng màn bạc. Ngược lại, nàng đặt Cannes lên bờ ngực đẫy đà chực chờ nhảy xổ khỏi coup áo bikini, và trở thành đại diện quan hệ cộng đồng hùng mạnh nhất của Cannes (cả sự kiện và thành phố diễn ra sự kiện).


Trong khi nước Mỹ vẫn tỏ ra lãnh đạm, thì ở lục địa già Âu châu, với sự ủng hộ nhiệt tình bằng ngọc thể của những thần nữ màn bạc như BB, Anita Ekberg và Sophia Loren, bikini bước vào thượng tầng cao trào, dẫu những quốc gia lân bang của Pháp là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý Đại Lợi cùng một số tiểu bang Hoa Kỳ, vẫn kiên cường ôm ghì nền đức hạnh chuyên chính, cấm triệt để bikini.

Những đòn chí mạng dành cho bikini


Năm 1951, cuộc thi Miss World đầu tiên, tiền thân là Festival Bikini Contest đánh dấu cuộc chiến du kích của bikini vào mặt trận thời trang chính thống. Báo giới hoan nghênh và mặc nhiên gọi cuộc thi là Miss World.

Hoa hậu đầu tiên, Kiki Hakansson (Thụy Điển) là người đẹp nhất trong bộ bikini mà ở quê hương cô hiếm hoi mới có dịp diện đến, một phần bởi quá nhiều đối thủ hạng nặng đến từ các nơi dư dả đường duyên hải đã rút tên khỏi cuộc thi dưới áp lực của đạo đức nước nhà.


Nhưng rất nhanh chóng, bikini bị phế truất khỏi chính sự kiện của nó, và được thay thế bởi những bộ váy dạ hội sang trọng. Hakansson là Hoa hậu Miss World duy nhất đầu đội vương miện, mình vận đồ bơi, và người đàn ông duy nhất trên cõi nhân gian nguyền rủa vương miện của nàng là… Đức Giáo Hoàng.

Từ đó về sau, các cuộc thi nhan sắc lần lượt công khai cấm vận bikini. Các nhóm nữ quyền tung rải tuyên ngôn bài bác bikini tại các cuộc thi đầu thập niên 70, các đoàn thể xã hội tạo sức ép lên kinh đô điện ảnh Hollywood, đòi hỏi các đạo diễn tiễu trừ những mảnh vải bé tí ấy ra khỏi màn bạc, dù bộ phim về nam thần hoang dã Tarzan từ thập niên 30 đã sớm trưng trổ tòa thiên nhiên hùng vĩ của đào Maureen O’Sullivan trong bộ bikini sơn nữ với lý do: Tôn trọng bối cảnh kịch bản.

 

Maureen O’Sullivan trong phim Tarzan


Ranh mãnh như chính cha đẻ người Pháp của bikini, các tạp chí vẫn đăng ảnh bikini, nhưng tinh ma hiệu chỉnh mờ phần rốn, chiều theo quan điểm định hình kích thước phẩm giá trên.

Mọi trang bìa phô diễn những phần bụng dưới được lập lờ bào nhẵn, và những chiếc quần tắm nhỏ xíu tuột trễ thật sâu dưới xương hông vẫn như có thể bị rơi tuột xuống tận cổ chân bất cứ lúc nào.


Và như vậy, chiếc bikini của người Pháp đã lặng lẽ thâm nhập thị trường Hoa Kỳ.

Bikini trên thân thể những cô đào Hollywood


Năm 1962, tiêu chuẩn nhan sắc Mỹ Bond Girl, khi này do Ursula Andress thủ diễn, chói chang diễm lệ đi lên từ biển, tái hiện hoàn hỏa bức tranh Vệ Nữ mặc bikini trắng toát mồ hôi. Scene này lập tức đi vào huyền thoại những pha bất hủ của chuỗi dài James Bond mọi thời kỳ, được coi là scene bikini nổi tiếng nhất thời đại, đã đưa đào Ursula lên đài cao danh vọng. Đó là dẫn dụ bằng hình ảnh tuyệt vời nhất của cách mạng tình dục trên màn ảnh Mỹ những năm 60’.

 

Ursula Andress 

40 năm sau, Halle Berry, trong một phim khác về James Bond là Die Another Day, tái hiện hình ảnh Ursula Andress trong bộ bikini giống hệt.

 

Halle Berry 


Năm 2001, bộ bikini trắng nổi danh ấy được mua lại trong một cuộc bán đấu giá với 61.500 USD.

Tiếp nối thành công của bikini với màn bạc Mỹ, các siêu phẩm cine, ca nhạc và truyền hình Hoa Kỳ tiếp tục tung ra những quả bom gây ngộp khác trong Dr.Strangelove, Beach Party, và ca khúc ngộ nghĩnh Itsy Bitsy Teenie Weenie Yellow Polka Dot Bikini trở thành bản pop “bikini ca” của tín đồ thời trang toàn thế giới, nâng món trang phục ồn ào này vượt tầm thời trang chức năng, trở thành hiện tượng xã hội và đại diện của lối sống thanh niên thành thị mới.


Nương theo đợt sóng thần của đại cách mạng tình dục và pop culture, bikini trở thành thứ thời thượng nhan nhản khắp hồ bơi, bãi tắm của Hợp Chủng Quốc. Tờ Playboy lập phơi bikini lên trang bìa vào 1962. 2 năm sau, tờ thể thao đứng đắn Sports Illustrated cũng nối gót.

Biến chứng li kì của Bikini


Sau hồi hưng thịnh, những năm cuối 1980 và đầu 1990 đã chứng kiến sự hắt hủi của giới thời trang và các tín đồ dành cho bikini. Áo tắm một mảnh tái xuất với đường hông khoét cao ngặt nghèo đến tận eo, mô phỏng trang phục aerobic đang gây sốt khắp địa cầu qua các video hướng dẫn của minh tinh Jane Fonda và siêu mẫu Cindy Crawford.

Cùng lúc, những phát hiện mới đầy đe dọa về bệnh ung thư da do nắng khiến bikini trở thành kẻ tội đồ khủng khiếp. Năm 1988, hãng bikini của ông tổ Louis Reard phá sản, chấm dứt vinh hoa của anh kỹ sư cơ khí số đỏ.


Sau thập niên 90 đen tối, bikini tái xuất lẫy lừng trong thái độ hoàn toàn mới, mượn ý tưởng từ phần eo được vén cao quá độ, khiến cặp mông bị phơi lộ hầu như hoàn toàn của swimsuit một mảnh. Cánh mày râu lại tối tăm mặt mũi trước những chiếc quần bikini mà cấu trúc phía sau chỉ là dải chất liệu mỏng manh ngặt nghèo, thậm chí chỉ còn là sợi dây mảnh mai đến khó chịu, nằm lọt thỏm giữa đôi gò mộng, dễ bề khiêu gợi lắm sự nhiễu nhương.

Viện thời trang Met nhận định cuộc tái xuất vẻ vang này là một “hiện tượng xã  hội về ý thức thẩm mỹ cơ thể, quan niệm đạo đức và thái độ giới tính”. Phái PeTA thức thời nhanh chóng biến bikini thành vũ khí tối thượng trong chiến dịch sao khỏa thân “I’d Rather Go Naked”. Các siêu bom tình Pamela Anderson, Traci Bingham và Alicia Mayer đường hoàng xuất hiện trưng phô thân thể tươi rau ráu trong những bộ bikini kết bằng rau xanh, ủng hộ thực đơn ăn chay và hạn chế giết mổ.


Giờ đây, bikini đã vượt tầm thời trang hay đồ bơi thực dụng, trở thành một lối sống đầy thái độ. Một cuộc điều tra thú vị cho thấy 85% bộ bikini được mua chưa bao giờ thật sự nhúng nước, nhưng đến những năm đầu thế kỷ 21, bikini đã mang lại niên lợi 811 tỷ Mỹ kim, chưa kể nguồn lợi kinh tế đi kèm từ dịch vụ bikini waxing và công nghệ sản xuất kem chống nắng, nhuộm da…

Bài: Hoa Nhài Đen (Theo F)



From the same category