Cuộc đào cuộc thoát của điện ảnh sau LHP? - Tạp chí Đẹp

Cuộc đào cuộc thoát của điện ảnh sau LHP?

MIX & MATCH

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14 vừa kết thúc, nhân vật chính của bộ phim được trao giải thưởng danh giá – Giải đặc biệt của BGK – Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công, nghệ sĩ Trần Lực không quay về Hà Nội như đa số đồng nghiệp phía Bắc, cũng không vào Nam bù khú với đám bạn bè Sài Gòn, mà bay thẳng sang Bangkok. Không phải để chuẩn bị vào vai trong một bộ phim hợp tác Thái-Việt, Trần Lực đi… học làm phim truyền hình! 
 
Hiện nay diễn viên kiêm đạo diễn (đã từng đạo diễn phim truyền hình của VTV3), kiêm luôn giám đốc một công ty ở Hà Nội này (lập công ty… để đấy chứ trên thực tế công ty của Trần Lực chưa hoạt động được gì) đang được một công ty khác ngấm nghé mời về làm giám đốc, lần này thì giám đốc làm thật chứ không phải giám đốc… để đấy. Và nhiệm vụ của ông giám đốc mới là làm phim bán cho truyền hình
 
Cố mở – cửa vẫn hẹp!
Sau thắng lợi tưng bừng của Gái nhảy, Lọ lem hè phố và cả Những cô gái chân dài (trong đó Gái nhảyNhững cô gái chân dài còn được khích lệ bằng một Cánh diều bạc năm 2003 của Hội Điện ảnh VN và một Bông sen Bạc LHP lần thứ 14 vừa rồi), không khí làm phim sôi động hẳn lên ở các hãng phim mới thành lập. Hãng phim Á Mỹ ngay sau Công nghệ lăng xê (phim video) triển khai luôn dự án phim nhựa với dự định mời cả diễn viên Hàn Quốc. Thiên Ngân vừa đem Những cô gái chân dài đi chiếu tỉnh vừa cuốn chiếu làm Nữ tướng cướp. Phước Sang bỏ ngay 3 tỷ thực hiện Khi đàn ông có bầu cùng lúc với hãng phim Giải Phóng nóng ruột với phim hài Trai quê lấy vợ Sài Gòn. Khán giả khấp khởi chờ cuộc “so gươm” của 3 “anh tài” này vào dịp Tết. Nhưng những người trong cuộc thì đang lo sốt vó, không cẩn thận cả ba sẽ “từ chết đến bị thương” trong dịp này vì… rạp. 
 
Cuộc chạy đua vào rạp Tết con gà đã tới hồi gay cấn. Ba cụm rạp quan trọng nhất ở TP.HCM – thị trường chính của cả nước – là Cinebox, Diamond và hệ thống rạp của Công ty Điện ảnh TP.HCM. Cinebox rất “say” Nữ tướng cướp nhưng lại bị “trói” bởi quan hệ với hãng phim Giải Phóng (Cinebox hiện đang kinh doanh trên phần đất thuê của hãng này) nên bắt buộc phải “nhả” Nữ tướng cướp để chiếu Trai quê lấy vợ Sài Gòn. Công ty Điện ảnh TP.HCM đã hùn vốn cùng Phước Sang làm Khi đàn ông có bầu nên dứt khoát phải ưu tiên chiếu “phim nhà”. Diamond có hệ thống nhập phim riêng, chủ yếu là phim Hàn Quốc trong khi cụm rạp Fafilm Cinema lại “ăn cánh” với Visionnet, cả hai cụm này sẽ chiếu phim nhập trong dịp Tết sắp tới. Cực chẳng đã, Cinebox phải bắt tay với nhà hát Hòa Bình để trưng dụng nhà hát 2000 chỗ ngồi thành rạp chiếu phim (dự kiến Nữ tướng cướp sẽ chiếu tại đây).
 




Một người trong giới điện ảnh TPHCM khẳng định như đinh đóng cột: “Muốn thắng hiện tại chỉ có phim cho truyền hình, còn muốn làm điện ảnh ư, cẩn thận, cửa hẹp lắm!”
Chưa rõ ai hấp dẫn hơn trong bộ ba kể trên nhưng chắc chắn với cách phát hành “cát cứ” kiểu này, cả 3 sẽ bị chia cắt doanh thu đáng kể. Đó là chưa kể 3 phim nói trên nếu không tạo được cơn sốt (chuyện quá khó, ngay điện ảnh Hollywood sản xuất cả ngàn phim một năm cũng chỉ có khả năng tạo ra 1-2 cơn sốt) cũng sẽ bị đẩy ra khỏi rạp thẳng thừng vì danh sách các phim lớn nhập khẩu hiện đang ngấp nghé khá nhiều.
 
Một bài học đau đớn về chuyện “cháy rạp” năm nay chính là trường hợp của Thập diện mai phục. Một phim lớn, hấp dẫn, hợp gu người xem VN, lại mua bản quyền sớm (chỉ sau Đài Loan và Trung Hoa lục địa, thậm chí đĩa lậu cũng chưa kịp có) nhưng không thu được tiền tỉ như dự kiến vì chỉ sau 2 tuần chiếu đã phải nhường rạp cho phim khác. Có thời điểm 4 bản nhựa Thập diện mai phục phải đem cất kho vì không có rạp để chiếu! Rạp ở đây cũng đồng nghĩa với thị trường chiếu bóng. TP.HCM hiện có gần 30 rạp chiếu bóng, nhưng thị trường chiếu bóng thì hầu như mới chỉ tập trung ở Quận 1 và Quận 3, ra khỏi hai khu vực này điện ảnh rất khó phủ sóng.
 
Hiện tại Thiên Ngân đã ký hợp đồng với đạo diễn Vũ Ngọc Đãng 3 phim nhựa nữa, tương tự với đạo diễn Lê Hoàng. Phước Sang cũng còn một số kịch bản khác sau Khi đàn ông có bầuNửa hồn thương đau (hiện đang bị “ách” lại vì nội dung “có vấn đề”). Nhưng nếu không tìm được cánh cửa mở ở đầu ra cho những bộ phim đầu tư tiền tỉ này, dù say mê mấy hai nhà đầu tư này cũng khó có thể kéo dài cuộc chơi.
 
Mở cửa truyền hình
Từ lâu truyền hình đã mở cửa trải thảm mời điện ảnh ghé qua. Mà thực tế thì điện ảnh tuy nói là “ghé qua” nhưng dấu ấn lại quá dày, tới mức giao lưu trong LHP mà khán giả Buôn Ma Thuột toàn nhận ra các nghệ sĩ nhờ xem phim truyền hình! Đã tới lúc chính điện ảnh cũng nhận ra điều ấy. Có ai đó trong giới điện ảnh đau xót về điều này, nhưng một số lớn quyết định “đào thoát”. Không chờ lời mời của truyền hình như trước, hãng Phim Việt quyết định làm phim bán cho truyền hình. Nên nhớ rằng cũng chính người của hãng này đã thực hiện phim truyện nhựa Vũ khúc con cò được đánh giá khá cao về ý tưởng và nghệ thuật nhưng lại không thành công về kinh doanh. Lần này, 39o yêu đang quay có phần góp vốn của công ty quảng cáo BHD và một công ty Singapore sau khi xong sẽ được phát hành trên sóng HTV và chào bán cả với truyền hình nước ngoài. Tiền bán phim cho truyền hình sẽ không quan trọng bằng việc bán quảng cáo trong thời gian phát sóng phim và doanh thu kiểu này được xem là “ngon ăn” hơn chuyện bán vé tay bo ngoài rạp nhiều. Truyền hình hiện là một “rạp chiếu” có uy lực mạnh nhất, không chỉ thế làm phim bán truyền hình (phim video) phần đầu tư cũng sẽ nhẹ gánh hơn nhiều so với phim nhựa. Phim Việt sẽ lấy đầu ra truyền hình làm chiến lược sản xuất phim của hãng.
 
Ngoài phim Việt, hiện đang có ít nhất 2 đơn vị đang ngấp nghé tham gia thị trường mới này, trong đó tất nhiên có hãng phim sắp thành lập mà đạo diễn, diễn viên Trần Lực sẽ được mời làm giám đốc. Tháng 11 vừa qua, người đại diện của tập đoàn truyền hình lớn nhất Hàn Quốc MBC cũng đã có mặt ở VN chuẩn bị cho một dự án làm phim hợp tác đầu tiên có tính chất thử nghiệm (có khả năng hợp tác với Sài Gòn phim). Nếu cuộc hợp tác đầu tiên này thành công, sau MBC còn có một hãng truyền hình Hàn Quốc khác cũng sẽ nhảy vào thị trường VN. Mảnh đất truyền hình màu mỡ hiện nay đang có sức hấp dẫn mãnh liệt.
 
Vậy là điện ảnh sẽ mất tiêu ư? Chắc chắn không phải thế. Nhưng để có một nền điện ảnh có sức sống thực sự trong đời sống bằng chính nó (chứ không phải nhờ bao cấp), sẽ chẳng dễ dàng như việc trao một Cánh diều Bạc, một Bông sen Bạc và cũng sẽ chẳng nhanh chóng như nhiều người đang nghĩ./.
 
(Thủy Phạm)

Thực hiện: depweb

04/01/2005, 14:36