Những “cơn giông” nhỏ
Sự “nổi loạn” bắt đầu nảy mầm từ lúc trẻ mới lên ba, khi chúng cứ lăm le đòi tự mặc quần áo hay leo cầu thang. Câu cửa miệng “Con tự…” tuy còn ngọng nghịu nhưng chính là “tuyên ngôn” để bé nhắc mọi người rằng con đã là một cá thể độc lập. Đây cũng chính là cơ hội để cha mẹ bắt đầu nghĩ đến việc dạy con tính tự lập. Thường thì càng lớn, những biểu hiện nổi loạn càng gay cấn hơn. Vì thế, bạn cần biết cách ứng phó ngay từ khi kẻ “nổi loạn” mới 3-4 tuổi để những xung đột “lâm thời” không biến thành cuộc chiến dai dẳng.
Đơn giản như nếu trẻ muốn “con tự” trong mấy chuyện nho nhỏ như: ăn gì, mặc gì, đi chơi đâu chẳng hạn, cha mẹ nên rộng lòng mà cho bé được tự do trong khuôn khổ. Hãy hỏi con thích mặc áo màu xanh, vàng hay tím, mẹ con mình sẽ ra công viên Thống Nhất hay đến Cung Thiếu Nhi? Nếu đã được lựa chọn như vậy mà trẻ vẫn có những phản ứng tiêu cực thì bạn cần suy nghĩ lại xem bé đã nhận được sự quan tâm đúng mức chưa. Có thể, bạn không có thói quen thể hiện tình cảm với con chăng? Hãy xoa đầu, vuốt lưng con nhiều hơn, hãy tỉ tê vài lời với con trước khi ngủ, hãy ôm con vào lòng và chuyện trò mỗi khi có thể. Dần dần rồi “cơn giông” sẽ tan đi.
Đợt khủng hoảng tiếp theo (hay “cơn giông” số hai) sẽ đến lúc trẻ 6-7 tuổi, khi những cô cậu học trò nhỏ hùng hồn tuyên bố rằng mình đã “lớn rồi”, mình có thể tự làm nhiều điều. Mặc dù vậy, khác với tuổi teen, thời kỳ này, ý kiến của người lớn vẫn còn quan trọng với trẻ. Chúng vẫn cần những lời khuyên và sự giúp đỡ từ cha mẹ. Giúp con vượt qua giai đoạn này không quá phức tạp, chỉ cần bạn nhạy cảm một chút và hiểu rằng đó chỉ là “cơn” của con để không nổi đóa mà ngược lại còn cho con một số quyền tự quyết nhất định: tự chọn khách mời đến dự sinh nhật, tự quyết định mặc gì khi ra phố… Bạn có thể tham khảo một vài nguyên tắc giúp tăng cường sự hiểu biết giữa cha mẹ và đứa con đang trong thời kỳ khủng hoảng tuổi lên bảy:
1. Đôi bên cùng thỏa hiệp
Cần dạy cho con biết cư xử hợp lý, hợp tình. Ví như bạn đừng vội lao đi thực hiện mọi yêu cầu của con mà nên dạy con biết chờ đợi: “Để mẹ uống xong ly cà phê này rồi sẽ lấy trái banh cho con”. Nếu rắc rối liên quan đến việc con không chịu giúp đỡ cha mẹ thì trước hết, bạn cần xác định xem con có sở trường gì. Ngại rửa chén nhưng có thể con lại khoái hút bụi và lần này đến lượt bạn nên nhượng bộ: không bắt rửa chén nữa nhưng hãy bảo con hút bụi. Nếu con vẫn cứ ì ra thì bạn hãy đợi đến khi con nhờ bạn giúp điều gì đó để chỉ rõ rằng con từng ích kỷ ra sao. Lúc ấy, chắc chắn con sẽ thấm thía hơn.
2. Tự do đồng hành với trách nhiệm
Khi trẻ ở tuổi này, bạn cần lưu ý cân bằng giữa quyền lợi và trách nhiệm đối với con. Chẳng hạn, nếu con đa được phép sang chơi nhà hàng xóm thì cũng có nghĩa là có thể chạy ra đầu ngõ mua cho mẹ gói bột nêm. Hay khi con có thể tự đi chơi ở công viên cách nhà ba bến xe buýt thì bạn hoàn toàn có thể sai con đi đón em ở ngôi trường cách nhà một khoảng cách tương tự.
3. Giữ uy với con
Dù tôn trọng con, bạn vẫn cần tuân thủ ngôi thứ rõ ràng trong việc giáo dục. Không thể có sự bình đẳng giữa bạn với một đứa trẻ thiếu kinh nghiệm sống, còn dại dột, chưa biết ứng phó với nhiều tình huống. Coi con bằng vai phải lứa với mình là bạn tước mất sự bảo trợ rất cần thiết, khiến tâm lý con có thể bất an. Mà dù có đến tuổi ngũ tuần đi chăng nữa, con bạn vẫn có những điều cần học hỏi từ cha mẹ, vẫn phải một lòng tôn kính mẹ cha. Các bậc sinh thành cũng có thể coi con như bạn, nhưng để xứng đáng với tình bạn ấy, trước hết người con phải biết kính trọng mẹ cha. Cũng vì là bề trên, đừng bao giờ bạn tỏ vẻ giận dỗi với con, và cũng không trấn áp con.
4. Nhất quán đi kèm với nhượng bộ
Cha mẹ đương nhiên phải thống nhất trong quan niệm sống. Nếu người mẹ bảo nói dối là xấu mà người cha lại có ý kiến trái ngược (dù chỉ là nói cho vui trong câu chuyện của người lớn với nhau) thì niềm tin của con trẻ với cha mẹ sẽ bị phá hoại. Tuy nhiên, chỉ nên cố gắng bảo vệ những giá trị đạo đức cơ bản, còn chuyện nhỏ nhặt thì có thể nhân nhượng. Ví như hôm nay con đi ngủ đúng giờ, còn ngày mai, nếu con muốn xem nốt bộ phim ưa thích thì hãy cho con thức khuya hơn. Quá xét nét chuyện nhỏ có khi lại làm giảm giá trị của tính nghiêm khắc trong chuyện lớn, chưa kể còn làm trẻ ức chế và có phản ứng tiêu cực.
5. Khen ngợi nhiều hơn
Từ một cuộc thử nghiệm nhỏ mà các phụ huynh được yêu cầu ghi lại những lần họ khen và chê con cái trong một tuần, người ta nhận thấy đa phần bọn trẻ bị chê nhiều hơn khen. Bằng cách bắn liên thanh những lời chỉ trích vào con cái, cha mẹ hy vọng sẽ tiêu diệt được khuyết điểm của chúng. Nhưng những tràng liên thanh này chẳng những vô tác dụng mà còn gây tác hại trong giáo dục. Tốt hơn cả, thay vì lăm lăm triệt tiêu khuyết điểm, bạn hãy quan tâm hơn đến việc bồi dưỡng ưu điểm trong con. Đứa con trai quậy tưng của bạn sẽ trở thành đầu gấu hay một thanh niên giỏi giang năng động là tùy thuộc cách giáo dục của bạn. Một cậu bé cứng đầu có thể lớn lên thành một chàng trai kiên định, một cô bé tham lam sẽ “hóa thân” thành người phụ nữ biết chắt chiu. Nhiệm vụ của cha mẹ là phải thuộc được tính nết con mình để biết chỗ nào cần vun, cần lấp.
“Bão táp” tuổi dậy thì
Tất cả những điều kể trên chỉ là những cơn giông nhỏ. “Bão táp” sẽ bùng phát vào tuổi dậy thì (11-13). Thái độ đặc trưng trong cư xử của trẻ ở thời kỳ này là ngông nghênh, ngạo ngược. Nguyên do là trong cuộc cạnh tranh để bình quyền với cha mẹ, bọn trẻ biết mình yếu thế hơn (người lớn đương nhiên khôn ngoan hơn, có trình độ hơn, quan hệ rộng hơn) nên phải cố gắng “hù dọa” khi con có thái độ ngỗ ngược, ngông nghênh, ra vẻ ta đây cũng người lớn… Những nguyên tắc dưới đây sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc cùng con đi qua “bão táp”.
1. Cứ để con chiến thắng
Các bạn teen như được lập trình để… trêu người lớn vậy. Bạn cần hiểu thói hiếu chiến này của con để không bực mình mà còn lợi dụng nó để ứng phó với con. Ví dụ, để thách thức lời cấm đoán của phụ huynh về chuyện đi chơi tối, một cậu con trai đa giở giọng tuyên bố rằng sẽ đi đến một giờ sáng! Còn khi cha mẹ yêu cầu: “Về nhà trước 10 giờ”, cậu sẽ về lúc 11 giờ. Nói chung, trẻ rất sung sướng khi thực hiện được chuyện gì đó để chống lại các vị phụ huynh. Bởi vậy, thay vì bức xúc, mất ngủ, hãy thu xếp tình huống sao cho các bạn teen cảm thấy chúng chiến thắng.
2. Cải thiện tình cảm trong gia đinh
Đằng sau chuyện tị nạnh giữa con cái vì sự thiếu công bằng về vật chất (tiền tiêu vặt hay những món đồ cha mẹ sắm cho) thực ra là nỗi ấm ức do thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Khi không nhận được tình cảm ấm áp, sự yêu thương, công nhận, cảm thông, trẻ mới bắt đầu đoi hỏi được “bồi thường” về vật chất. Có lẽ bạn thường lôi ai đó ra làm gương cho con, hay phê phán, không khen ngợi con?
Có phải trong số các con dù sao cũng có đứa bạn thấy hợp tính hơn, gần gũi hơn? Nghĩa là bạn vô tình yêu quý nó hơn? Trẻ rất nhạy cảm với thái độ của cha mẹ và ghen tị nổi lên từ đấy. Thực tế cho thấy, khi các quan hệ trong gia đinh ổn thỏa, sự cạnh tranh về vật chất sẽ không xảy ra. Chỉ cần cải thiện sức khỏe tâm hồn của “nạn nhân” thì triệu chứng thèm vật chất ở chúng sẽ qua đi.
3. Tiếp tục nhượng bộ
Với tuổi teen, bạn cần tiếp tục nhượng bộ một số điều và luôn nhớ rằng có những thứ bạn thấy thật tầm phào nhưng đối với teen lại rất quan trọng. Như câu chuyện muôn thuở không chịu đội mũ khi ra ngoài nắng chẳng hạn. Bạn thì lo cho sức khỏe của con, nhưng lũ teen ấy, nhất là những cậu bé trai lại nghĩ: đầu trần đi ra đường mới là phong trần, mới ra người lớn, không bị lệ thuộc.
Đành tạm chấp nhận vậy. Các bác sĩ cũng đâu có khăng khăng rằng thiếu chiếc mũ ấy, trẻ sẽ lăn ra ốm ngay.
4. Giúp con tìm thấy mình
Teen có hai đặc điểm lớn: rất quan tâm đến vẻ ngoài và đặc biệt coi trọng ý kiến bạn bè. Điều này thể hiện rõ nhất trong việc lựa chọn trang phục. Thường là các phụ huynh thấy “ngứa mắt” với thời trang của teen.
Nhưng nếu con chẳng làm điều gì sai quấy, trái với đạo đức thì cha mẹ nên có cái nhìn thoáng hơn với sự thay đổi trong thị hiếu của con. Cứ để con tự chọn đồ, còn cha mẹ chỉ nên gợi ý một cách tế nhị, vào lúc thích hợp rằng cái gì hợp với khuôn mặt con hơn, làm cách nào để “tốt khoe, xấu che”…
5. Để con học hỏi từ lỗi lầm
Chẳng có gì nghiêm trọng khi thi thoảng lại phạm sai lầm. Bạn thu lượm được kinh nghiệm trong những sai lầm của mình, và con cũng vậy. Ở tuổi này, trẻ đa có chính kiến riêng. Trẻ đang “mưu toan” có những phán quyết riêng và sẽ phải biết chịu trách nhiệm về những quyết định đó. Một lần ngã là một lần bớt dại, bạn chớ o bế nhiều mà hãy cho con cơ hội để học cách tự xây dựng các mối quan hệ, cách bênh vực quyền lợi của chính mình.
Bài: Bình Minh Mưa