Cuộc chiến gấu váy - Tạp chí Đẹp

Cuộc chiến gấu váy

Thời Trang

Pierre Cardin Xuân Hè 1968



Khoảng thời gian giữa năm 1967 và 1970 có thể coi là những năm tháng sôi động nhất trong lịch sử thời trang thế giới. Váy mini đã ngắn hết mức có thể và thời trang chỉ còn một lối thoát duy nhất là phải “xuống thang”. Người ta bắt đầu mong ngóng những thay đổi lớn xảy ra và khi “cuộc chiến gấu váy” bùng nổ, nó cuốn theo cả giới chính trị của hai bờ Đại Tây Dương vào cuộc.





Andre Courreges và người mẫu ra mắt bộ sưu tập Haute Couture Xuân Hè 1976



Bảy phân trên đầu gối


Váy ngắn của thập kỷ 1960 có hai loại. Váy (mini dress) dáng chữ A, cắt thẳng từ trên vai xuống, không tay, không eo, và chân váy (mini jupe, mini skirt). Quan trọng là gấu váy phải cách đầu gối ít nhất 3 inch (hơn 7 cm). Cả Mary Quant và Andre Courreges đều nhận là người đã phát minh ra trang phục – biểu tượng của thập kỷ 1960 này, tuy nhiên Wikipedia còn nhắc đến vai trò của John Bates – một nhà thiết kế mốt cùng thời tại London. Mary Quant được coi là người khởi đầu cuộc cách mạng thời trang dành cho tuổi trẻ tại London. Tại Paris, Andre Courreges lăng xê váy ngắn trong thời trang haute couture cho giới thượng lưu Mỹ và châu Âu.

Đến năm 1966 – 1967, váy mini từ chỗ là trang phục của “đường phố London” đã được phụ nữ thuộc đủ các thành phần xã hội phương tây ưa chuộng. “Đó là dấu hiệu của sự tự do mới”, tờ TIME trích lời bình luận của tiến sỹ Martin Marty, trường Đại học Chicago năm 1967, “Các cô gái của “Lề trái” mặc váy ngắn.
Phụ nữ trẻ theo đảng Cộng hòa và cả quý bà đứng tuổi cũng vậy”. Năm 1968, Jacqueline Kennedy cưới tỷ phú người hy Lạp Aristotle Onassis trong bộ váy cưới trắng do Valentino thiết kế, cao trên đầu gối 7 phân.



Mary Quant trong thiết kế váy mini nổi tiếng của mình năm 1966 


Sau năm 1965, váy mini ngày càng “co lại”, trở thành micro mini, hay siêu mini – được miêu tả “thực ra là chiếc thắt lưng to bản”. Cuối năm 1967,TIME đưa tin Rudi gernreich khẳng định rằng sẽ chẳng có tai tiếng gì xảy ra khi đường gấu váy được giữ ở độ cao 12 inch (khoảng 30 cm) trên đầu gối, tuy chiều cao thông dụng của váy mini lúc bấy giờ là khoảng 7 – 8 inch (17 – 20 cm). Rudi gernreich lúc đó lăng xê loại váy kép với hai chiều dài khác nhau. Chỉ cần cởi phần váy dài hơn ra là váy lại trở thành siêu ngắn.



Mary Quant giới thiệu thiết kế của mình tại Paris


Paris theo Longuette


Paris bắt đầu “hạ nhiệt” thu đông năm 1967 với chân váy dài đến giữa ống chân được gọi là maxi jupe. Tại Mỹ, váy midi xuất hiện trở lại với chiều dài 10 cm dưới đầu gối. Ở London, quê hương của váy mini, gấu váy cũng được thời trang kéo xuống đến giữa ống chân. Nhà thiết kế mốt người Anh Ossie Clarke tuyên bố trịnh trọng: “hè này là lần cuối để khoe chân”. Tuy vậy, tại Paris người đứng đầu Christian Dior là Marc Bohan vẫn khẳng định: “đầu gối vẫn còn nhiều cơ hội để thể hiện”.

Đây mới là khúc dạo đầu của “cuộc chiến gấu váy” diễn ra giữa các nhà thiết kế mốt với nhau và với người tiêu dùng. Đỉnh điểm của cuộc đọ sức này diễn ra năm 1970, khi Longuette – váy kiểu dáng mới với chiều dài trùm đầu gối chính thức chiếm ưu thế tại Paris. Yves Saint Laurent cắt váy dài cách mặt đất 30 cm. Coco Chanel viền gấu váy ngang mắt cá chân hoặc vừa vặn trùm đầu gối. Nhà thiết kế thời trang nổi tiếng hơn 80 tuổi này vốn không ưa váy mini và gọi đó là “thứ vũ khí ngu xuẩn nhất người phụ nữ dùng để quyến rũ đàn ông”. (Karl Lagerfeld thì cho đó là một trong hai sai lầm lớn nhất của Coco Chanel,
sai lầm còn lại là việc bà không chấp nhận quần jeans). Pierre Cardin
thỏa hiệp với váy dài “vẫn khoe chân” nhờ đường xẻ mạnh bạo cao hơn 10
cm trên đầu gối.





Bộ sưu tập Xuân Hè 1967 của Yves Saint Laurent



Chính trị và váy midi


Sự thật là thời trang longuette của Paris hay chiều dài midi do tờ báo chuyên ngành có thế lực Women’s Wear Daily (WWD) lăng xê đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các khách hàng người Mỹ. Khắp nơi người ta có thể nhìn thấy khẩu hiệu “Mini yes, midi no!” do các tín đồ của váy mini dán lên ô tô. Họ cũng gửi thư đe dọa các cửa hiệu thời trang rằng họ sẽ tiêu tiền ở chỗ khác nếu không có váy ngắn bán cho họ.


Như thường lệ, trợ giúp đắc lực cho thời trang mới đến từ Paris. Đó là khi tổng thống Pháp George Pompidou cùng phu nhân đến thăm chính thức Mỹ tháng Ba năm 1970. TIME đưa tin: “Khi ngài tổng thống bước lên thảm cỏ trước nhà trắng, mọi con mắt đều nhìn xuống, không phải vì theo nghi lễ ngoại giao mà để xem Đệ nhất phu nhân Pháp mặc váy dài đến đâu”.

Tờ báo kể rằng Washington bàn tán khá sôi nổi xung quanh phong cách của bà Claude Cahour Pompidou và nhấn mạnh chiều cao 6 inch, hay 15 cm của đường gấu váy tính từ mặt đất. Cố vấn chính phủ Henry Kissinger bắt buộc (vì nghi lễ ngoại giao) phải công nhận váy dài nhưng tỏ ra vẫn thích váy ngắn của các cộng sự nữ người Mỹ trong văn phòng của mình hơn. Vợ chồng tân tổng thống Richard Nixon cho biết họ thích “chiều dài của những thập kỷ đã qua” này. Còn ông george Pompidou tiết lộ rằng ông không lạ gì thời đại của những chiếc váy dài, và đó là “trang phục làm cho tình yêu thêm thần bí”.


“Cuộc chiến gấu váy” đã làm đau đầu các nhà kinh doanh thời trang Mỹ, đứng giữa một bên là sự áp đặt đến từ Paris và tờ WWD đại diện cho báo chí chuyên ngành, một bên là phản ứng của người tiêu dùng vừa làm quen với phong cách mới. Nó khẳng định vị trí của tờ WWD, đồng thời là “chiến thắng” của ngành công nghiệp thời trang áp đặt xu hướng mới trong tiêu dùng. Sau một, hai năm nữa, những chiếc váy dài từ quá đầu gối đến mắt cá chân của phong cách lãng mạn chính thức thống trị thời trang. 


Pierre Cardin và những người mẫu trong buổi ra mắt bộ sưu tập Xuân Hè 1969

Bài: Lukasz Nguyễn

Thực hiện: depweb

05/10/2011, 22:21