Trải qua hàng thập kỷ thống lĩnh nền thời trang toàn cầu, các nhà mốt danh tiếng luôn được giới mộ điệu nhắc đến với sự khác biệt và độc nhất trong cách họ định hướng phong cách thời trang. Từ màn thay mới các thiết kế trên nền họa tiết monogram đã quá đỗi già cỗi của Louis Vuitton cho đến bước chuyển đầy táo bạo sang thời trang đường phố của nhà mốt haute couture Balenciaga, bức tranh thời trang dường như được khoác lên sự đổi mới của thời đại trên nền tảng di sản lâu đời của các nhà mốt.
Từ một hãng chuyên sản xuất hành lý và các món phụ kiện da cao cấp, Louis Vuitton dần khẳng định vị thế của mình trên địa đồ thời trang thế giới bằng dòng thời trang ready-to-wear dành cho nữ giới dưới thời đại của NTK Marc Jacobs vào năm 1997 và ra mắt các BST thời trang dành cho nam từ năm 1998. Nhờ xuất phát điểm là một thương hiệu sản xuất các sản phẩm dành cho dịch chuyển nên các thiết kế thời trang của Louis Vuitton luôn mang màu sắc phóng khoáng, sang trọng và cổ điển.
Nhắc đến Louis Vuitton không thể nào không nhắc đến họa tiết monogram trứ danh được ra đời vào năm 1896. Từ thiết kế trang phục cho đến phụ kiện thời trang như túi xách, ví, vali…, họa tiết này không chỉ mang giá trị di sản của nhà mốt Pháp mà còn thể hiện được vị thế của người sử dụng từ buổi sáng lập cho đến tận ngày nay. Tuy nhiên, gu thẩm mỹ của thế hệ millennial và gen Z – hai thế hệ mà các thương hiệu thời trang đang hướng đến – đã thay đổi. Họ luôn tìm kiếm các món đồ thời trang thanh lịch, sang trọng nhưng vẫn trẻ trung, hiện đại. Chính vì thế, những giá trị di sản cổ điển mà Louis Vuitton mang đến cho giới mộ điệu đã phần nào già cỗi, không còn thu hút được nhiều thế hệ trẻ ưa chuộng nữa.
Có thể thấy, các BST gần đây của Giám đốc Sáng tạo đương nhiệm của Louis Vuitton – Nicolas Ghesquière – không chỉ đơn thuần là các thiết kế đồ may đo có cấu trúc mà còn là sự lên ngôi của dòng trang phục đường phố. Sự kết hợp này giúp cho các nàng thơ của Louis Vuitton luôn xuất hiện với diện mạo trẻ trung, hiện đại nhưng vẫn vô cùng thanh lịch, sang trọng.
NTK Christian Dior đã làm thay đổi nền thời trang và cách ăn mặc của phái đẹp khi cho ra mắt thương hiệu thời trang mang tên mình vào năm 1947. BST haute couture đầu tiên của ông mang tên “New Look” được ra mắt tại kinh đô thời trang Paris với các thiết kế vai tròn, chít eo và chân váy chữ A. Một trong những món đồ làm nên nét sang trọng của những người phụ nữ của nhà mốt là áo khoác bar trứ danh, mẫu áo được giới quý tộc vô cùng yêu thích từ những năm 1950.
Christian Dior không ngừng mang đến muôn vàn sáng tạo trong mỗi mùa ra mắt BST, từ những thiết kế đầm dạ hội đính sequin, thêu hoa nổi cho đến các thiết kế trang phục lấy cảm hứng từ thời trang may đo cao cấp của nam giới. Có thể thấy, kỹ thuật may thủ công và draping của nhà mốt khiến cho từng bộ trang phục hơn cả một món đồ thời trang mà là một sáng tạo nghệ thuật được chăm chút vô cùng tỉ mỉ.
Từ khi NTK Maria Grazia Chiuri lèo lái con thuyền sáng tạo tại Christian Dior, các thiết kế của nữ giám đốc sáng tạo đầu tiên của nhà mốt này luôn mang thông điệp chủ nghĩa nữ quyền. Vẫn là những thiết kế mang đậm giá trị di sản của Dior được xử lý bằng kỹ thuật may đo thượng thừa từ các người thợ nhưng nay trở nên hiện đại, thoải mái, sang trọng hơn bao giờ hết. Chẳng hạn, áo khoác bar có cấu trúc cứng cáp từng khiến không ít phụ nữ khao khát sở hữu bởi vẻ đẹp cổ điển, tôn vòng eo gợi cảm thì nay được biến tấu trở nên mềm mại, bay bổng hơn dưới bàn tay của NTK Maria Grazia Chiuri.
Vốn nổi tiếng với các thiết kế đầm dạ hội chít eo gợi cảm và những mẫu chân váy hình chuông dài, Balmain là thương hiệu thời trang xa xỉ được nhiều minh tinh màn bạc và người mẫu hàng đầu yêu thích. BST đầu tiên – được nhà sáng lập Pierre Balmain thực hiện – khi được ra mắt đã nhận được vô số lời tán dương từ giới mộ điệu và được tờ Vogue khen ngợi là BST thời trang đẹp và dễ mặc.
Sau khi Balmain qua đời, NTK Erik Mortensen – cánh tay phải đắc lực của cố NTK – đảm nhận vị trí Giám đốc Sáng tạo. Ông đã hòa hợp các sáng tạo của nhà mốt sao cho phù hợp với sự thay đổi của dòng chảy thời trang và gặt hái được nhiều thành công. Tuy nhiên, đến năm 1990, ông đã rời khỏi ngôi nhà thời trang này và Balmain tiếp tục gọi tên NTK Oscar de la Renta tài ba cho vị trí của ông. Dưới thời Oscar de la Renta (từ 1993 – 2002), nhà thiết kế người Mỹ này thích các thiết kế tối giản và cổ điển hơn là các thiết kế cầu kỳ và quá tỉ mỉ. Ông cũng là người đã vực dậy Balmain trong lúc khó khăn nhất.
Cá tính thời trang của hai vị Giám đốc Sáng tạo tiếp theo của Balmain hoàn toàn trái ngược với Oscar de la Renta. Nếu như Christophe Decarnin (từ 2006 – 2011) yêu thích sự uyển chuyển từ những gam màu sặc sỡ, sequin lấp lánh và hướng đến thị trường xa xỉ hơn thì Olivier Rousteing (từ 2012 – nay) lại thích sự phá cách từ các chi tiết và tạo điểm nhấn bằng dấu ấn văn hóa Á châu trong các thiết kế của mình.
Mặc dù thiết kế đầm đen (little black dress) được nữ NTK Coco Chanel lăng xê đầu tiên nhưng Givenchy mới chính là biểu tượng của chiếc đầm được xem là huyền thoại thời trang phái đẹp này. Không chỉ riêng chiếc đầm đen, NTK Hubert de Givenchy còn khiến cả nền thời trang và giới mộ điệu mãn nhãn trước những thiết kế dẫn đầu xu hướng, sang trọng và vô cùng trang nhã mà giới mộ điệu gọi tên là “Paris-chic”.
Mãi đến thời đại của NTK Riccardo Tisci (từ 2005-2017), ông đã mang đến hơi thở mới cho các thiết kế trang trọng vốn có của Givenchy, sự gợi cảm đầy lãng mạn với những gam màu sặc sỡ như màu xanh baby, vàng chanh, đỏ tươi, ánh kim và họa tiết da thú. Riccardo Tisci cũng là người mang xu hướng thời trang đường phố cao cấp (sport-luxe) vào các thiết kế của mình. Các mẫu áo thun in hình Bambi và Rottweiler trở thành những món đồ được giới trẻ săn lùng khi vừa trình làng.
Sau khi Riccardo Tisci rời khỏi nhà mốt, NTK Clare Waight Keller là nữ Giám đốc Sáng tạo đầu tiên của Givenchy (từ 2017-2020) cho cả womanswear, menswear và haute couture. Các thiết kế của cô đều được kế thừa từ di sản của Givenchy trên nền chất liệu hiện đại để tạo ra những kiệt tác thời trang ấn tượng.
Hiện tại, NTK Matthrew Williams đang đảm nhận vị trí Giám đốc Sáng tạo của Givenchy. Ông là nhà thiết kế streetwear thứ hai đảm nhận vị trí này tại một nhà mốt xa xỉ Pháp, sau người bạn thân Virgil Abloh tại Louis Vuitton. Tiếp nối cảm hứng thời trang may đo hiện đại (neo-tailoring) được Kim Jones và Virgil Abloh thực hiện tại các mùa ra mắt BST dành cho nam giới của Dior và Louis Vuitton, Matthrew Williams cũng đã khéo léo kết hợp giữa kỹ thuật may đo cao cấp của Givenchy và xu hướng streetwear thời thượng cho BST của mình tại Givenchy.
Ngay từ thời điểm Celine gọi tên NTK Hedi Slimame cho vị trí Giám đốc Sáng tạo, giới mộ điệu có thể phần nào chắc chắn rằng ông sẽ thay đổi hình ảnh một Celine mang đậm dấu ấn minimalism của NTK Phoebe Philo mà cô đã dày công xây dựng suốt 10 năm gắn bó với nhà mốt này.
Quả thật, “gã trai hư của làng thời trang” – biệt hiệu giới mộ điệu gọi Hedi Slimane sau khi trở thành Giám đốc Sáng tạo của Saint Laurent năm 2012 – đã mang đến các thiết kế mang hơi hướng neo-bourgeoise pha trộn với tinh thần thời trang thập niên 70 sang trọng, mạnh mẽ và vô cùng gợi cảm cho các nàng thơ và chàng thơ của mình. Những món đồ như quần culottes, áo sơ mi lavaliere, mũ rộng vành và áo cổ lọ dần trở thành những món đồ mang tính biểu tượng của Celine.
Cũng tương tự như bao NTK lỗi lạc khác, Cristóbal Balenciaga được tiếp xúc với thời trang ngay từ thuở bé. Mẹ ông là một thợ may nên học được nhiều kỹ năng từ mẹ. Từ người học việc cho đến nhà thiết kế tài năng được nhiều người mến mộ, Cristóbal Balenciaga được mệnh danh là Picasso của làng thời trang. Trong suốt Chiến tranh Thế giới 2, các thiết kế của ông được nhiều người mê mẩn, thậm chí phụ nữ châu Âu còn bất chấp nguy hiểm để đến Paris chỉ để mua món đồ do chính ông thiết kế.
Dưới sự lèo lái của NTK Cristóbal Balenciaga, nhà mốt nổi tiếng với những bộ trang phục dạ hội sang trọng và thời trang may đo trang nhã dành cho giới quý tộc. Ngày nay, sự trỗi dậy mạnh mẽ của streetwear đã khiến cho “gã khổng lồ” ngành thời trang này thay đổi định hướng, chuyển từ haute couture và thời trang cao cấp sang các thiết kế streetwear thể hiện tầm nhìn táo bạo của NTK Demna Gvasalia. Không còn các thiết kế cải tiến của áo khoác square, áo khoác cocoon mà được thay bằng các mẫu giày tất và các món đồ thời trang đậm chất đường phố được các tín đồ streetwear săn lùng.