Mùa hè sôi động đã kết thúc. Năm học mới lại bắt đầu. Lũ trẻ nhà bạn đang nửa háo hức để trở lại trường học, nửa nuối tiếc vì chia tay mùa vui chơi. Còn bạn, bạn đã chuẩn bị những gì để cùng con trẻ bước vào năm học mới?
Lên “dây cót” tâm lý
Sau hè, một số trẻ sẽ quay trở lại trường với chút sợ hãi, e ngại bởi mọi thứ đều trở nên lạ lẫm, thầy cô giáo mới, bạn bè thay đổi. Đặc biệt, với trẻ chuyển cấp, chuyển trường thì mọi thứ càng rối tung hơn. Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần lên “dây cót” tâm lý cẩn thận, kỹ càng cho trẻ trước thềm năm học mới. Đây là việc rất quan trọng vì sẽ giúp trẻ có thể bước vào năm học mới đầy hứng thú. Hãy chia sẻ cùng trẻ về những điều thú vị đang chờ đợi chúng trong trường như: bạn bè mới, những môn học mới và cả thầy cô mới. Bạn cũng nên san sẻ những nỗi “trăn trở” của trẻ về những ngày sắp tới bằng sự trợ giúp tận tình và lắng nghe những gì trẻ nói.
Điều chỉnh đồng hồ sinh học
Nếu trẻ đã quen với việc ngủ nướng đến 9 giờ, thức xem phim tận 23 giờ hay ăn uống tùy ý thì trước khi năm học mới bắt đầu 1-2 tuần, mẹ cần thay đổi các thói quen này cho trẻ. Hãy đưa trẻ trở lại guồng quay ngủ nghỉ như trong năm học.
Điều chỉnh thời khóa biểu kịp thời sẽ giúp trẻ bắt kịp “nhịp” với bạn bè khi bận rộn với việc học chính khóa, ngoại khóa, rồi làm bài tập về nhà… Không ngủ đủ giấc hoặc giấc ngủ kém chất lượng sẽ khiến hệ miễn dịch của trẻ suy giảm, làm tăng khả năng nhiễm bệnh cũng như trẻ khó tập trung vào việc học hơn. Các mẹ hãy bảo đảm trẻ ngủ đủ tám giờ mỗi ngày.
Cung cấp đủ năng lượng
Trong mùa hè, nếu trẻ đã được ăn uống thỏa thích vào bất kỳ thời gian nào trong ngày thì lúc bắt đầu năm học mới, các mẹ cần tập cho con thói quen ăn uống mới, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ. Trẻ vẫn phải tuân theo nguyên tắc lý tưởng là ăn một ngày ba bữa. Mẹ không nên để trẻ bỏ bữa ăn sáng chỉ vì ngủ “nướng”. Nên cho trẻ ăn no và nhiều vào bữa sáng để hạn chế việc trẻ ăn quà vặt. Nếu trẻ ăn quá ít hoặc nhịn bữa sáng sẽ ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập, thậm chí trẻ có thể hạ đường huyết ngay trong giờ học.
Bên cạnh đó, trong những ngày đầu nhập học, trẻ sẽ rất hiếu động vì gặp lại bạn cũ, hào hứng vui đùa cùng những người bạn mới, chính vì thế, các mẹ cũng cần đảm bảo con mình được uống đủ nước, tránh mất nước trong khi phải hoạt động khá nhiều ở trường.
Vận động vừa đủ
Không nên cấm trẻ vui chơi, vận động bởi ít hoặc không vận động là nguyên nhân dẫn đến một số vấn đề sức khỏe ở trẻ như: tăng cân béo phì, tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch và cholesterol trong máu cao.
Trẻ cần được tạo cơ hội để có thể giao tiếp nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Đây cũng là cơ hội để trẻ làm quen với bạn bè mới, không bị bỡ ngỡ, sợ hãi khi bắt đầu đi học. Và đương nhiên khi ấy, trẻ sẽ phải vận động, chạy nhảy, chơi đùa nhiều hơn mức bình thường. Nhiệm vụ của các mẹ lúc này là giữ gìn sức khỏe cho trẻ, tránh để trẻ vận động quá sức, khiến trẻ kiệt sức, mệt mỏi và bị “lỡ nhịp” so với trẻ khác khi vào năm học mới.
Chăm sóc mắt cẩn thận
Vào năm học mới, trẻ sẽ phải điều tiết mắt nhiều nên có nguy cơ mắc các tật khúc xạ về mắt như: cận, viễn, loạn thị. Các bậc phụ huynh nên chú ý cách chăm sóc “cửa sổ tâm hồn” khỏe, đẹp cho trẻ. Ngoài thời gian ở trường, bạn nên đưa trẻ đến thư giãn tại các khu vui chơi ngoài trời, giảm bớt thời gian xem ti vi, chơi máy tính, sử dụng máy nghe nhạc hay điện thoại di động sẽ tốt hơn cho thị lực của trẻ. Thêm vào đó, trẻ cần được hướng dẫn cách ngồi học đúng tư thế, cung cấp đủ ánh sáng, khoảng cách đọc vừa đủ, cho mắt nghỉ ngơi hợp lý… Đồng thời, cần bổ sung những hoạt chất cần thiết gồm lutein, zeaxanthin, vaccinium, vitamin A, vitamin E, vitamin C, selen, kẽm… để mắt có được trạng thái hoạt động tốt nhất, đề phòng các dị tật khúc xạ hiệu quả cho trẻ.
Theo Thế giới gia đình