Khi nào nên hợp nhất tài chính của bạn với nửa kia? Và làm thế nào để ta tin tưởng rằng đối phương sẽ đưa ra quyết định khôn ngoan và hợp lý với tiền của cả hai? Mặc dù những lo ngại xoay quanh vấn đề tài chính là hợp lý và cần thiết, nhưng một nghiên cứu mới từ Sex Roles – Tạp chí khoa học uy tín cho thấy rằng việc kết hợp hai tài khoản ngân hàng thực sự hữu ích cho đời sống “về chung một nhà” của cặp đôi.
Nghiên cứu cho thấy các cặp vợ chồng cùng nhau quản lý tiền sẽ có mối quan hệ ổn định, sâu sắc và đồng thuận hơn thay vì nhiệm vụ ấy được giao cho một người. Khi cả hai vợ chồng cùng tham gia vào quá trình này, mỗi người sẽ được trao quyền nhiều hơn, và chất lượng mối quan hệ của cả hai cũng sẽ được bồi dưỡng tốt dần theo thời gian.
Cụ thể, các chuyên gia đã theo dõi 500 cặp đôi sống chung nhưng không đăng ký kết hôn (trong đó có 149 gia đình đơn thân, 320 gia đình có cả cha lẫn mẹ, và 37 gia đình còn lại thuộc những trường hợp khác) trong khoảng thời gian 4 năm với phần lớn các thành viên trong gia đình là người da trắng và ở độ tuổi 40. Hầu hết họ đã ở bên nhau hơn 11 năm.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ các gia đình này hàng năm và không ngừng làm rõ về vai trò của mỗi người trong việc quản lý tiền bạc và các diễn biến trong quá trình đó (xác định lao động chính trong gia đình, thành viên nào được tiếp cận và sử dụng tài chính dưới vai trò là người quản lý, tần suất xảy ra các bất cập hoặc xung đột trong quá trình quản lý tài chính). Từ đó, họ kết luận ai là người nắm giữ nhiều quyền lực hơn, cũng như đánh giá chất lượng và sự ổn định của cặp đôi theo thời gian.
Sau vài năm, dữ liệu cho thấy các cặp vợ chồng quản lý tài chính cùng nhau nuôi dưỡng được mối quan hệ bền vững và gắn kết hơn. Cụ thể, đồng quản lý tiền bạc, mở tài khoản ngân hàng chung và cùng nhau giải quyết các vấn đề về tài chính đã giúp cặp đôi có cảm giác thành công – yếu tố khiến một mối quan hệ không chỉ chất lượng hơn mà còn có được ổn định. Chìa khóa để đạt được mối quan hệ bền vững là các thành viên phải luôn trao đổi với nhau, các vai trò cần được phân công bình đẳng cho mỗi người.
Ngoài ra, phái đẹp cũng cần nắm vững nghệ thuật “quản lý két sắt” bởi những gia đình có người phụ nữ hiểu biết tốt về tài chính sẽ giúp ích cho chất lượng mối quan hệ hơn hẳn đàn ông.
“Cặp đôi cần thẳng thắn chia sẻ về cách mà họ muốn chi tiêu trong gia đình cùng với nửa kia”, chuyên gia quản lý tài chính Maureen Gilbert gợi ý, “Việc thảo luận và xem xét những nguy cơ xung đột tiềm ẩn sẽ xảy ra bởi thói quen tiêu tiền khác nhau của cả hai nên được thực hiện trong giai đoạn đầu của mối quan hệ. Hai người nên cùng nhau đặt ra hạn mức chi tiêu tự do (không cần hỏi ý) và thỏa thuận một danh sách chung các quan điểm thống nhất – đó là nhiệm vụ then chốt”.
– Lên lịch một ngày cố định trong tháng (nên là cuối tháng sau khi cả hai nhận lương) để thảo luận, chia sẻ ý tưởng, kế hoạch cũng như tất cả lo ngại về tài chính với đối phương.
– Nên nói chuyện tại quán cà phê, nhà hàng hay những địa điểm công cộng khác để cả hai dễ dàng cởi mở và thoải mái hơn.
– Trung thực, tin tưởng, tôn trọng và học hỏi lẫn nhau.
– Luôn cùng đưa ra quyết định với tài khoản chung của nhau.
– Đặt những mục tiêu rõ ràng cho số tiền tiết kiệm để cả hai cùng phấn đấu.