Hai bộ phim đình đám “Diên Hi công lược” và “Hậu cung Như Ý truyện” lên sóng gần như cùng lúc, đều lần lượt gây sốt tại Trung Quốc và Việt Nam. Cùng xoay quanh bối cảnh thời đại vua Càn Long và những mưu toan chốn hậu cung, nhưng không vì thế mà giữa chúng có quá nhiều sự tương đồng khiến người xem cảm thấy nhàm chán.
Vậy Cao Quý phi và Tuệ Quý phi, đâu mới là tên gọi chính xác nhất của Tuệ Hiền Hoàng Quý phi Cao Giai thị trong lịch sử ?
Năm 1735, Bảo thân vương Hoằng Lịch chính thức đăng cơ lấy niên hiệu Càn Long. Tất cả các vị phúc tấn và thị thiếp theo hầu vị hoàng tử thứ tư của Ung Chính đều được nhập vào hậu cung và ban tước vị tần phi. Đích phúc tấn Phú Sát thị được sắc phong Hoàng hậu, trắc phúc tấn Cao thị được sắc phong Quý phi, trắc phúc tấn Na Lạp thị được sắc phong phi vị, lấy hiệu Nhàn.
Theo luật lệ hậu phi nhà Thanh, mỗi hoàng tử sẽ có một đích phúc tấn, hai trắc phúc tấn. Hoàng đế có thể có đồng thời hai vị quý phi cùng tại vị. Thế nhưng Càn Long chỉ phong cho Cao thị làm Quý phi, trên Na Lạp thị một bậc dù cả hai đều là trắc phúc tấn ở thời ông còn là hoàng tử. Điều này chứng tỏ Càn Long vô cùng coi trọng Cao thị.
Lại nói về phong hiệu của Quý phi Cao thị. Trong điển chế hậu phi nhà Thanh, danh phận Hoàng Quý phi đang tại vị thì không cần phong hiệu. Vì chỉ có duy nhất một vị Hoàng Quý phi tại vị, thân phận vốn rất cao quý và cũng gần giống như Hoàng hậu, chỉ cần xưng hô Hoàng Quý phi là đủ.
Từ Quý phi trở xuống sẽ được kèm theo phong hiệu do Hoàng đế ban, hoặc dùng họ đặc hiệu nếu Hoàng đế không ban phong hiệu, mục đích để dễ dàng phân biệt giữa những người có cùng tước vị với nhau. Trường hợp của Cao thị, do bà là Quý phi sơ phong, có nghĩa là được phong Quý phi ngay sau khi Càn Long đăng cơ mà không qua các tước vị thấp hơn, nên việc bà không có phong hiệu, đồng nghĩa với việc Càn Long xem bà là Quý phi duy nhất, và sẽ không tấn phong bất cứ vị phi tần nào khác lên ngôi vị Quý phi khi bà còn tại vị.
Vậy nên cách xưng hô chính xác nhất của bà chỉ là Quý phi. Hoặc trong các chiếu chỉ, văn án tế cáo long trọng sẽ gọi là Quý phi Cao thị. Chính vì điều đó mà cách gọi Cao Quý phi trong “Diên Hi công lược”, hay Tuệ Quý phi trong “Hậu cung Như Ý truyện” đều chưa chính xác. Chữ Tuệ trong Tuệ Hiền Hoàng Quý phi là phong hiệu của bà sau khi được truy phong. Nên trong lịch sử, lúc bà còn sống và tại vị thì không hề được gọi là Tuệ Quý phi.
Phong hiệu Tuệ mà Càn Long dành cho Cao Hi Nguyệt trong “Hậu Cung Như Ý Truyện” là sai so với lịch sử, nhưng có giải thích đó là ý đồ của tác giả. Vốn Cao Hi Nguyệt không phải là người thông minh, lại hay lấn lướt Như Ý, chữ Tuệ vốn thật cao quý nhưng khi ban cho Hi Nguyệt lại khiến người khác mỉa mai vô cùng. Trong khi đó, cách gọi Cao Quý phi trong “Diên Hi công lược” dù gần với lịch sử hơn nhưng vẫn chưa thật sự chính xác.
Chữ Cao này không phải là phong hiệu, mà là họ của bà. Tần phi không được ban phong hiệu mới dùng họ để đặt hiệu và xưng hô để dễ phân biệt với những người cùng tước vị khác. Cách gọi họ kết hợp với tước vị thật sự không hề cao quý bằng những vị phi tần đồng cấp nhưng được ban phong hiệu. Cao thị lại là Quý phi duy nhất, thân phận rất được xem trọng, nên chắc chắn sẽ không dùng đến cách gọi này. Nói đúng hơn, nếu xưng hô là Cao Quý phi thì sẽ hạ thấp danh vị của bà đi rất nhiều.
Do đó, có thể suy ra cả hai bộ phim “Diên Hi công lược” và “Hậu cung Như Ý truyện” tuy được đánh giá rất cao về mặt nội dung cũng như mức độ đầu tư nhưng xét cho cùng, chúng vẫn là những sản phẩm giải trí. Đội ngũ sản xuất có quyền sáng tạo, thêm thắt, thay đổi bất cứ chi tiết nào mà họ cảm thấy phù hợp, từ đó tạo nên các tác phẩm có nội dung khác nhau. Việc đánh giá, phân tích, đối chứng với lịch sử là điều không cần thiết lúc này, bởi lâu lắm rồi, kể từ “Hậu cung Chân Hoàn truyện”, người hâm mộ của dòng phim cung đấu mới có cơ hội thưởng thức những tác phẩm đầu tư hoành tráng và chỉn chu như “Diên Hi công lược” và “Hậu cung Như Ý truyện”.