Cùng khám phá nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX - Tạp chí Đẹp

Cùng khám phá nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX

Sống

Sau hơn 120 năm ra đời và lưu lạc xứ người, bộ tranh minh họa trang phục cung đình Huế “Grande Tenue de la Cour d’Annam” của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân đến nay đã được hậu thế biết đến, được nghiên cứu bài bản và công phu thông qua tác phẩm “Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX” của tác giả Trần Minh Nhựt.

Trong suốt ngàn năm áo mũ Việt Nam, triều Nguyễn đã ghi dấu vào nền “văn hóa mặc” một kho tàng trang phục độc đáo, có giá trị mỹ thuật lẫn giá trị lịch sử sâu sắc. Để phản ánh nền văn hóa áo mũ xa xưa này, nhiều tài liệu, ảnh chụp, tranh vẽ đã được thực hiện. Và trong số đó, bộ tranh “Grande Tenue de la Cour d’Annam” (tạm dịch Đại Lễ phục triều đình An Nam) của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân cũng được đánh giá như một tài liệu quan trọng về cả mặt lịch sử lẫn nghệ thuật.

Nguyên trạng bộ tranh “Grande Tenue de la Cour d’Annam”. Ảnh: Ren Rong

Bộ tranh “Grande Tenue de la Cour d’Annam” được vẽ vào tháng 12 năm 1902, dưới triều vua Thành Thái, gồm 54 bức vẽ minh họa bằng màu nước, được đóng thành một cuốn album, hiện đang thuộc quyền sở hữu của Phòng trưng bày Quốc gia Singapore. Sau hơn 120 năm ra đời và lưu lạc, bộ tranh quý minh họa trang phục cung đình Huế đầu thế kỷ XX cuối cùng đã được in ấn đẹp mắt và trang trọng theo đúng nguyên bản trong công trình nghiên cứu của tác giả Trần Minh Nhựt.

Tranh minh họa nhà vua và đoàn tháp tùng tại lễ tế Nam Giao

“Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX” của tác giả Trần Minh Nhựt là công trình nghiên cứu nghệ thuật với trọng tâm là khảo cứu bộ tác phẩm “Grande Tenue de la Cour d’Annam”, nhằm giải mã ngôn ngữ tạo hình nghệ thuật đặc trưng, hay sự tác động của nghệ thuật phương Tây trong giai đoạn giao thoa văn hóa Đông – Tây đầu thế kỷ XX. Qua đó, tôn vinh tài năng vẽ tranh điêu luyện của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân, đồng thời củng cố và đánh giá những giá trị nghệ thuật của bộ tranh khi đối chiếu đến trang phục triều Nguyễn.

Bằng kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, tác giả Trần Minh Nhựt – Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật đã tập trung phân tích mỹ thuật học (đường nét, mảng, hình, màu sắc, nhịp điệu) của ngôn ngữ đồ họa trong tạo hình minh họa áo mũ, cũng như diễn giải kỹ càng về nghệ thuật minh họa và cuộc gặp gỡ phong cách tạo hình phương Tây ở khía cạnh khoa học màu sắc và ánh sáng, và tỷ lệ nhân thể, để giúp độc giả hiểu rõ hơn các giá trị về mặt mỹ thuật, lịch sử, văn hóa – xã hội của bộ tranh “Grande Tenue de la Cour d’Annam.”

Theo Minh Nhựt, bộ tranh mang ba giá trị lớn sau đây: Giá trị mỹ thuật – tranh minh họa đã tạo ra hệ thống tham chiếu về mỹ thuật của trang phục thời Nguyễn, bao gồm ý nghĩa tâm linh, đồ án hoa văn trang trí, màu sắc và bố cục…; Giá trị lịch sử – việc tái hiện lịch sử trên tranh vẽ có tác dụng phô bày những nét đẹp văn hóa của triều Nguyễn như nghệ thuật tạo tác áo mũ, nghệ thuật thêu thùa, nghệ thuật thư họa, hay các nghi lễ trong hoàng cung; Giá trị văn hóa & xã hội – tác phẩm phản ánh văn hóa mặc và một số khía cạnh phổ quát về triều đình Huế, hay một xã hội An Nam trong thời kỳ đầu tiếp cận nghệ thuật phương Tây. 

“Cuộc đời và sự nghiệp hội họa của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân còn rất nhiều điều bí ẩn cần khám phá. Tuy ông không được tôn vinh trên mặt giấy như các nghệ sĩ cùng thời, nhưng trên thực tế, ông đã có đóng góp vô cùng ý nghĩa cho nghệ thuật minh họa Việt Nam nói chung và mỹ thuật Huế nói riêng. Đứng trước thành tựu còn hạn chế về tranh minh họa thời cận & hiện đại, tác phẩm của ông trở thành một mảnh ghép quan trọng mới cho dòng nghệ thuật minh họa Việt Nam đã từng một thời rực rỡ. Phía sau bộ tranh ấy là cả một nền văn hóa áo mũ tuyệt vời.” – Tác giả Trần Minh Nhựt chia sẻ.

“Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX” bao gồm 5 chương tinh gọn, nơi Trần Minh Nhựt chia sẻ về quá trình giải mã thân thế của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân cũng như hoàn cảnh ra đời và con đường lưu lạc của “Grande Tenue de la Cour d’Annam”, cùng với đó là quá trình anh tiếp cận bộ tranh hiện đang được lưu giữ ở Singapore. Đây là tựa sách phù hợp và đáng đọc với những ai quan tâm đến văn hóa, lịch sử và nghệ thuật nước Việt, hoặc chuyên sâu hơn là đội ngũ giảng viên, sinh viên, nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật, lịch sử trang phục trên khắp cả nước.

Tác giả: Đẹp Lifestyle

22/02/2023, 11:29