Là người chuyển thể kịch bản nên mấy tháng này mình hay được hỏi phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” sắp ra chưa, phim có tốt không, tại sao mình chuyển thể nó, những ấn tượng, v.v… Tiểu thuyết này của Nguyễn Nhật Ánh có vô vàn chi tiết hay, nhưng có một chi tiết mình nhớ mãi dù có thể nó không xuất hiện trên phim do khống chế thời lượng. Đó là chuyện cậu bé Thiều trong lúc đến nhà ông thầy thuốc Đông y mua thuốc, đã lén lút trèo lên hộc tủ cao nhất ăn cắp hai quả táo tàu. Lần sau có dịp trở lại, Thiều giật mình khi thấy hộc tủ đựng táo tàu được cố ý hạ xuống thật thấp để “kẻ cắp” khỏi leo cao nguy hiểm. Đúng tầm tay, dễ ẹc, nhưng kể từ đó cậu bé không bao giờ ăn cắp nữa!
Chi tiết dễ thương của Nguyễn Nhật Ánh khiến mình nhớ chuyện kể dễ thương của một chàng trai trẻ. Chàng kể tối kia, sau khi cùng hôn thê rút xong mười triệu tiền tiết kiệm để chuẩn bị cho ngày cưới, hai đứa ra quán uống nước. Loay hoay “sung sướng thế quái nào” – như chàng nói – mà uống xong về nhà, phát hiện ví không còn nữa! Đang rũ ra đau khổ thì 10 giờ đêm có một giọng nữ báo tin nhặt được ví, biết số điện thoại khổ chủ từ một hóa đơn thanh toán bên trong. Dĩ nhiên chàng trai trẻ mừng quýnh khi được trả nguyên ví lẫn tiền. Chàng đưa một triệu cảm ơn nhưng người phụ nữ kia không nhận, chỉ cầm tình cảm một tờ 50.000 đồng để… lấy may. Chàng trai kết thúc câu chuyện của mình bằng cảm thán vui tươi mà chân thật: “Ở đời có những con người phúc đức thế. Từ đó em cũng đỡ… hư hẳn ra”.
Còn đây là chuyện của người không trẻ mình đọc được trên báo mạng: “Chiều”. Biết chồng đến nhà… nàng chứ không phải nhà hàng như công ty thông báo, vợ phi xe máy đến đó sau khi đã làm xong bổn phận chăm sóc các con. Đúng như vợ linh cảm: xe của chồng cũng là sếp của nàng đang đỗ trong sân. Không nhấn chuông, đập cửa, không la hét ầm ĩ, vợ cởi chiếc giày bên phải treo phía trong cánh cổng rồi lẳng lặng ra về. Chia tay nhau, chồng và nàng rất ngạc nhiên vì sao chiếc giày lẻ loi treo ở đó, và chủ nhân của nó là ai. Chồng lái ô tô vào ga-ra, mở cổng và chết lặng khi nhìn thấy giày chân trái của vợ ngay ngắn, cô độc trên bậc cửa. Chồng trằn trọc không ngủ, chờ đón cái viễn cảnh giông bão, đầy nước mắt, tiếng kêu thét, lá đơn ly hôn và hai đứa con khủng hoảng, hư hỏng… Nhưng sáng hôm sau và nhiều ngày trôi qua sau đó vẫn bình yên, vợ vẫn chu đáo, âu yếm như trước giờ vẫn thế… Giông bão không xảy ra, nhưng chiếc giày cô đơn trên bậc cửa cứ nhắc ai lỗi lầm. Một chiều, lấy hết can đảm, chồng lôi ra từ cốp xe chiếc giày chân phải, đặt ngay ngắn bên chiếc giày chân trái. Vợ đi làm về, sững ra trước đôi giày không cô lẻ, và cái ôm đàn ông hối hận thiết tha.
Giải thưởng văn học trẻ Tp.HCM năm ngoái trao cho truyện ngắn “Dấu chân bốn ngón” của tác giả Tiểu Quyên. Chuyện về hai vợ chồng già có con trai duy nhất bị buộc tội ăn cắp gà bỏ đi biệt xứ khá cảm động, nhiều chi tiết. Nhưng có một chi tiết khiến mình liên tưởng tới hai chuyện kể trên, là đoạn bầy gà của vợ chồng chắt chiu nuôi úm chờ con trở lại bị bốn tên cướp trấn lột giữa một đêm giông tố. Lũ cướp trói họ vô thành giường, lục soát, dao kề cổ. Bà mẹ năn nỉ mấy chú muốn lấy chi thì lấy, xin tha cho hai mạng già đợi thằng con biền biệt chưa về. Bốn tên cướp đang bất mãn không có gì để lấy thì ông già điềm tĩnh nói cơm còn trong chạn, có đói thì lấy ăn, đường ra chợ còn xa. Bọn cướp đang đói kéo nhau xuống bếp. Cơm nhà cơ hàn chỉ có nồi canh rau muống nấu với mấy con cá khô, chén nước mắm ớt nhưng cả bọn tấm tắc khen ngon. Ông bà già bị trói nhìn bọn cướp ăn mà nhớ thắt đứa con phiêu bạt… Một ngày kẻ cầm đầu băng cướp năm nào trở lại. Hắn bảo lần đầu tiên trong đời đi cướp có người kêu hắn ăn cơm chứ không rủa xả, mắng nhiếc hay khiếp sợ. Chính cảm giác “ăn cơm nhà” đã khiến tên cướp vốn là trẻ mồ côi bỏ “nghề”, mở xưởng mộc kêu anh em giang hồ tứ chiếng hoàn lương, “để cùng được ăn những bữa cơm nhà”. Hắn nói hắn nhớ hoài bữa cơm canh rau muống cá khô đêm bão giông…
Thực ra những câu chuyện bên trên được kể nhằm dẫn tới, đúng hơn, được nhớ tới từ/bởi câu chuyện sắp kể này – câu chuyện mà tác giả của nó chắc không biết mình đã gây nên những xúc cảm gì cho người đọc: Nhân vật tôi, người phụ nữ Việt Nam sống ở Châu Âu, kể trong một lần giận chồng (hình như vậy bởi chị không nói rõ), đã xuống ngồi rất lâu ở ga tàu điện ngầm trong đêm đông giá rét. Chị viết tiếp, nguyên văn như sau: “Ba chồng tôi lập cập chống gậy, trùm mũ phớt xuống tìm tôi. Ba ngồi ở bên kia đầu ghế, không khuyên tôi về mà thủ thỉ: ‘Ba xuống ngồi với con cho vui. Khi ba giận má con, cũng hay ngồi ở chiếc ghế này, một hai tiếng rồi về…’. Ba ngậm tẩu. Không hút mà ho. Gió táp mỗi khi một con tàu chuyển bánh. Tôi đành đứng dậy, lòng bạc nhược: Vâng, thưa ba, con về”. Ôi, chỉ vài câu ngắn ngủi sao để lại trong ta dạt dào thanh âm thế! Trong tiếng gió rít, tiếng sầm sập đến – đi của những con tàu, tiếng ho khan của người cha từng trải, là vô thanh những con sóng…
Bài: Việt Linh