Văn hóa mỗi quốc gia mỗi khác, song, vẫn có sự tương đồng giữa các quốc gia lân cận hay ảnh hưởng về lịch sử. Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên và Mông Cổ là những quốc gia đón Tết theo âm lịch giống như Việt Nam. Ở mỗi quốc gia sẽ có những phong tục đón Tết khác nhau, mỗi phong tục lại mang những màu sắc riêng thể hiện đậm đà bản sắc của dân tộc mình. Tuy nhiên, sự giao thoa và ảnh hưởng văn hóa của những quốc gia đã làm nên những điểm chung trong phong tục đón Tết của các nước này. Dù điều kiện địa lý làm nên những khác biệt về mặt văn hóa nhưng hầu hết trong ý niệm của những dân tộc này, ngày Tết là dịp sum họp gia đình, chúc cho nhau những lời chúc tốt lành, tặng nhau những cái lộc đầu xuân hứa hẹn một năm mới tròn đầy, viên mãn. Phong tục thường thấy nhất ở các quốc gia này là cúng tổ tiên, mừng tuổi ông bà cha mẹ và nhận những bao lì xì may mắn.
Tết Seollah của người Hàn Quốc
Tết Seollah bắt đầu từ ngày mồng Một tháng Giêng hàng năm và thường kéo dài trong ba ngày. Trong đêm giao thừa, mọi người dọn dẹp nhà cửa và thắp sáng nhà bằng những ánh đèn halogen đủ màu sắc. Buổi chiều hôm đó, người Hàn tắm bằng nước nóng và đốt cây tre để đuổi tà ma. Trong đêm giao thừa không ai ngủ cả, vì theo truyền thuyết nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trứng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn khi thức dậy.
Trong ngày Tết, quốc phục Hanbok là không thể thiếu đối với người Hàn Quốc nhưng màu sắc lúc này sẽ sặc sỡ hơn. Vào những ngày đầu năm mới, trẻ em Hàn Quốc sẽ chúc mừng năm mới cha mẹ và người lớn tuổi trong gia đình bằng cách cúi đầu (Sebae) và nói câu “Saehae bok manhi badeuseyo” (Chúc năm mới nhiều may mắn).
Cũng như người Việt không thể thiếu món thịt kho hột vịt trong những ngày Tết, món ăn truyền thống không thể thiếu đối với người Hàn Quốc trong dịp Tết là Tteokguk (một loại súp của người dân xứ sở kim chi). Món ăn quen thuộc của người Hàn Quốc là kim chi sẽ càng đặc biệt được ưa chuộng hơn trong ngày Tết nhưng được chế biến khác đi và được gọi là gakkimchi, nghĩa là kim chi làm với lá cải xanh trộn với vừng trắng.
Câu chúc Tết phổ biến nhất của người Hàn Quốc là “say hay boke-mahn he pah du say oh” có nghĩa “mong nhiều phúc lành năm mới sẽ đến với bạn”. Trong những ngày Tết, nhà nào cũng treo “Bok jo ri” ở ngoài cửa, đó là một cái xẻng bằng rơm dùng để hốt thóc gạo rơi vãi. Người Hàn treo vật này ngoài cửa với mong muốn nhận được phúc lộc quanh năm.
Tết Tsagaan Sar ấm cúng của người Mông Cổ
Cũng như Tết Nguyên đán của ta, hay Tết Seollah của người Hàn Quốc, Tết Tsagaan Sar của người Mông Cổ kéo dài từ mùng Một đến hết ngày mùng Ba tháng Giêng. Người Mông Cổ đón Tết với những tập tục đặc sắc riêng, mang đậm bản sắc hoang dã, hồn nhiên của người du mục.
Trong suốt những ngày đầu năm mới người dân Mông Cổ thắp nến trên bàn thờ tổ tiên cả ngày đêm. Vào dịp này, người dân ở đây sẽ tụ tập tại nhà của người lớn tuổi nhất trong gia đình để chúc Tết. Tất cả mọi thành viên trong gia đình đều chúc tụng năm mới lẫn nhau ngoại trừ vợ chồng.
Vào đêm giao thừa, được gọi là Bituun (có nghĩa là tối thui), mọi thành viên trong gia đình đều tụ tập bên nhau để cùng tiễn đưa năm cũ và đón năm mới. Vào đêm này, bầu trời hoàn toàn vắng ánh trăng. Tất cả nam giới sẽ mang theo thực phẩm lên đỉnh ngọn đồi hay núi gần đó và cầu nguyện. Sau đó sẽ đi về hướng nào đó theo tử vi của họ – được gọi là muruu gargakh (lễ xuất hành). Vào thời khắc giao thừa, người Mông Cổ sẽ pha trà rót ra chén và đem ra trước sân nhà vấy khắp bốn hướng. Chén trà thứ hai dành mời chủ nhà và sau đó lần lượt mời các thành viên khác trong gia đình. Trong đêm Bituun, mọi người đều ăn thật no vì họ tin rằng nếu còn đói, suốt năm mới sẽ bị đói.
Là một dân tộc gốc du mục với những thảo nguyên rộng lớn đầy ắp bóng cừu. Ở xứ sở này, số cừu còn nhiều hơn người, do đó, ngày Tết, người Mông Cổ gặp nhau thường chúc nhau bằng câu nói: “Chúc cho đàn cừu của bạn béo tốt”.
Đời sống du canh du mục, suốt ngày rong ruổi trên đồng cỏ, thời gian ngồi trên lưng ngựa còn nhiều hơn thời gian sống trên mặt đất, do đó, đối với người Mông Cổ, bữa ăn đồng nghĩa với thư giãn và thanh thản. Họ tuyệt đối coi trọng bữa ăn và có những quy ước cụ thể, đặc biệt là trong ngày Tết.
Vào sáng của ngày đầu năm mới, ai cũng dậy sớm, mặc quần áo mới, nhóm lửa trước khi mặt trời mọc. Mọi người ăn bánh bao hấp và uống Airag (sữa ngựa lên men). Họ sang nhà bên cạnh, bắt đầu thăm người lớn tuổi trước. Trong khi chúc Tết, các thành viên trong gia đình cầm những tấm vải dài gọi là khadag, tượng trưng cho lòng thương và điềm lành. Món ăn truyền thống trong Tết Tsagaan Sar là các sản phẩm làm từ sữa, bánh buuz (dạng như bánh bao), thịt cừu, thịt bò, sữa dê, cơm ăn cùng với sữa đông hoặc cơm ăn cùng nho khô, thịt cừu nướng, thịt ngựa, sữa ngựa lên men hoặc rượu vodka trộn sữa. Còn trên mâm cỗ lúc nào cũng có thịt cừu nướng và mỳ vằn thắn.
Ngày Tết của người Mông Cổ hẳn sẽ không còn là ngày Tết nữa nếu thiếu đi các hoạt động như đấu vật, đua ngựa, bắn cung. Đây là những môn thể thao truyền thống có từ lâu đời của người Mông Cổ. Bởi từ xa xưa, người dân Mông Cổ dã được biết đến là những người dân du mục quen sống trên lưng ngựa, rất giỏi săn bắn và chinh chiến. Và sẽ không có gì ngạc nhiên khi bạn chứng khiến những người phụ nữ thi đấu các môn thể thao này vì đời sống du mục khắc nghiệt đã tôi luyện cho những người phụ nữ nơi đây khả năng chẳng kém cỏi gì so với đàn ông.
Người Trung Quốc tưng bừng với Tết Nguyên Đán
Đón Tết Nguyên đán ở Trung Quốc, bạn sẽ không mấy lạ lẫm bởi cách trang trí của họ đều rất giống với Việt Nam, cũng là giấy đỏ và các câu đối với những chủ đề phổ biến như hạnh phúc, giàu sang và trường thọ. Theo truyền thuyết, vào dịp đầu năm mới, con Niên (năm) hay đến để phá hoại gia súc, mùa màng, đặc biệt là trẻ con. Để bảo vệ mình, dân làng đặt thức ăn trước cửa nhà vào dịp đầu năm. Mọi người tin rằng sau khi ăn những thức ăn đó, chúng sẽ không tấn công con người nữa. Một lần, mọi người nhìn thấy con Niên rất sợ một em bé mặc bộ đồ màu đỏ. Mọi người hiểu ra rằng con Niên sợ màu đỏ, vì vậy, vào những ngày đầu năm mới, dân làng đều treo đèn lồng đỏ, dán giấy đỏ trên cửa sổ, cửa ra vào. Khác với người Việt ta, vào ngày 24 tháng Chạp, người Trung Quốc thường làm vệ sinh, cúng Táo Thần với nghi lễ đơn giản, người chủ nữ trong gia đình dâng thanh trà, hoa quả, đốt nết thắp nhang cầu khấn là được. Và lễ tiễn Táo Thần diễn ra vào ngày hôm sau, tức 25 tháng Chạp. Ngày này cũng được xem là ngày “cửa năm”. Người Phúc Kiến, Giang Tây lấy ngày 25 tháng Chạp làm ngày tiễn Táo Thần thì quan niệm ngày 24 có chữ “tứ” gần với âm “tử” (chết) nên họ tránh, cũng có thể do ngày 25 là ngày bước vào “cửa năm”, tiễn Táo Thần có ý nghĩa hơn.
Bước qua ngày “cửa năm”, người Trung Quốc không làm việc nặng nhọc, không ăn dưa chua, không ăn cháo để tránh rủi ro, hy vọng năm mới sẽ gặp nhiều may mắn.
Đêm giao thừa (trừ tịch), còn gọi là trừ nhật, trừ dạ, tuế trừ, tuế mộ, mộ trừ … (mộ là cuối). Vào đêm trừ tịch, bữa tối trở thành đại tiệc của gia đình. Các món ăn bao gồm món heo, vịt, gà và đồ ngọt. Buổi tối sẽ kết thúc với pháo hoa.
Có một phong tục khá thú vị là ngày mồng Ba tháng Giêng là ngày “Tống quỷ đói”. Theo truyền thuyết, xưa có hai vợ chồng vì quá nghèo đói nên người vợ phải làm nàng hầu cho một người đàn ông giàu có Người vợ thường lén chu cấp tiền cho chồng. Lần đó gần dịp Tết, nàng cho chồng một chiếc bánh có nhét vào đấy mấy lạng bạc, nhưng quên nói với chồng. Anh chồng trở về nhà phải qua đò không có tiền trả bèn đưa chiếc bánh cho anh lái đò. Về đến nhà, không có tiền ăn Tết, anh lại đến xin vợ. sau khi nghe chồng kể lể sự tình, nàng tức giận mắng chồng: “Đồ quỷ đói đáng chết!”. Sợ bị lộ, nàng tạm rời khỏi nhà nhưng không ngờ lúc đó anh chồng cũng trốn vào đống củi của nhà giàu và sau một đêm thì chết vì đói rét. Để tránh tai tiếng, ngày mồng Ba Tết, nàng đốt đống củi và đổ tro xuống sông. Mọi người hỏi, nàng nói: “Tống quỷ đói!”. Từ đó ngày Ba tháng Giêng, mọi nhà đều dọn vệ sinh, tống rác rưởi trong nhà ra ngoài, đốt nhang đốt giấy, ý nói: “Nghèo đi giàu đến”!
Phương Nghi (theo Young Style)