Cùng đón những em bé chào đời ngày 12/12/2012

TPHCM: Quá tải sản phụ muốn sinh con vào 12h ngày 12-12-12

Số trẻ sinh năm rồng đang tăng nhanh vào cuối năm
Số trẻ sinh năm “rồng” đang tăng nhanh vào cuối năm

Theo quan niệm của văn hóa truyền thống, Nhâm thìn là năm đẹp, sinh con ở tuổi này có thể tốt cho đường làm ăn của cha mẹ cũng như công danh cho đứa trẻ sau này nên các ông bố bà mẹ đua nhau sinh con “rồng”. Không những thế nhiều ông bố bà mẹ còn quan niệm chọn ngày “hoàng đạo” 12/12/2012 để sinh con khiến bệnh viện sản đông nghẹt người.

Tại khu vực chờ thông tin sản phụ bệnh viện phụ sản Từ Dũ, những ông bố và các thân nhân chen chân nhau nhấp nhổm đứng ngồi không yên. Thống kê tại khoa cấp cứu của bệnh viện hôm nay, số bệnh nhân nhập viện chờ sinh và đăng ký mổ tăng cao hơn so với những ngày bình thường.

Ca sinh tại Từ Dũ trong ngày 12/12/2012 tăng cao so với ngày thường

Ca sinh tại Từ Dũ trong ngày 12/12/2012 tăng cao so với ngày thường
Ca sinh tại Từ Dũ trong ngày 12/12/2012 tăng cao so với ngày thường

Trong phòng sinh của bệnh viện, các bác sĩ, nữ hộ sinh hết chạy ngược lại chạy xuôi. “Hôm nay có lẽ là ngày đáng nhớ nhất trong năm, từ sáng đến giờ chưa được ngơi tay… mệt nhưng thấy vui vì các bé chào đời đều khỏe mạnh.” BS Hoàng Thị Mỹ Ý, Trưởng khoa Sinh của bệnh viện cho biết.

BS Mỹ Ý vừa dứt lời thì từ phòng sinh tiếng khóc oa… oa rắn rỏi vang lên, bé trai con của sản phụ Trần Thị Mai Hiên (32 tuổi, ngụ tại Bình Dương) chào đời. Được đưa ra khu vực làm vệ sinh cơ thể, cậu bé hai mắt tròn xoe, đen láy liên tục chớp chớp đưa qua đưa lại miệng vẫn gào lớn như muốn khẳng định sự hiện diện của mình trên nhân gian.

Những công dân mới chào đời trong sự quá tải của bệnh viện
Những công dân mới chào đời trong sự quá tải của bệnh viện

Tiếp đó khi đồng hồ điểm sang thời khắc gần 12h một bé gái nặng 3,2kg con đầu lòng của sản phụ Lê Kim hoài (27 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp) cũng cất tiếng khóc chào đời. Đúng 12 giờ 12 phút tại phòng mổ các bác sĩ thông báo một bé trai cũng vừa được bắt ra khỏi bụng mẹ…

Thống kê của bệnh viện cho thấy từ lúc 0 giờ đến 12 giờ ngày 12/12 đã có tới 230 trường hợp thai phụ nhập viện. So với thời điểm cùng giờ của ngày hôm trước số người đến sinh đã tăng hơn 50 trường hợp. Đáng chú ý, số ca chờ sinh mổ ghi nhận tới 35 trường hợp. Các bác sĩ cho biết, nhiều ông bố bà mẹ đặt trước giờ sinh cho con vào lúc 12 giờ nhưng do số người đặt quá đông trong khi phòng mổ và bác sĩ có giới hạn nên không thể đáp ứng được.

Nữ hộ sinh mướt mồ hôi trong ngày đặc biệt của năm
Nữ hộ sinh mướt mồ hôi trong ngày đặc biệt của năm

Hà Nội: Số ca sinh thấp hơn cao điểm tới gần nửa

Sản phụ Tô Thị Hiền hạnh phúc vì được mẹ tròn, con vuông và con được
Sản phụ Tô Thị Hiền hạnh phúc vì được “mẹ tròn, con vuông” và con được

sinh ra trong ngày đặc biệt. Ảnh: H.Hải
 
Vừa đón đứa con chào đời ngày 12/12 tại bệnh viện Phụ sản TƯ, sản phụ Tô Thị Hiền chia sẻ: Mấy ngày hôm nay, nghe các bà các bác ở quê nói đến “Ngày tận thế” 21/12/2012, cả hai vợ chồng đều cảm thấy lo lắng, vì biết ngày đó là không có cơ sở nhưng vẫn sợ con sinh trong ngày này. “Đến sáng hôm nay, lúc 6h30 sáng thấy bụng hơi đau âm ỉ, rồi lại có cơn co tử cung, hai vợ chồng vội vàng sắp xếp đồ đạc đi thẳng từ Quốc Oai ra BV Phụ sản sinh. Lúc đầu cũng chưa nghĩ ra hôm nay là ngày gì, nhưng giờ mới thấy nó thực sự đặc biệt. Chưa biết ngày tốt – xấu ra sao, nhưng ngày sinh của con đã rất ấn tượng rồi, 12/12/2012. Con đã ghi “dấu ấu” trong đời bằng một ngày sinh đặc biệt như vậy, mình rất vui”, chị Hiền chia sẻ.
 
 
Sản phụ Tô Thị Hiền hạnh phúc vì được mẹ tròn, con vuông và con được
“Công chúa” Nguyễn Hà Thanh, con của sản phụ Tô Thị Hiền đã hiện diện trên cõi đời với một ngày sinh nhật rất đặc biệt: 12/12/2012. Ảnh: H.Hải

Tại khoa đẻ, khoa mổ nhà G còn rất nhiều bà bầu khác cũng đang bước vào giai đoạn chuyển dạ chờ sinh. Sản phụ tên Hoa có cơn đau dồn dập, đã được đưa vào phòng đẻ, vẫn tranh thủ những khi cơn đau dứt quãng để nhắn tin cho bạn bè, người thân “khoe” con yêu sẽ chào đời trong ngày “tam trùng” cuối cùng của thế kỷ.

Tại phòng đẻ 4, vẫn nằm trên giường đẻ, chị Nguyễn Liên Hoa (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Người ta nói đau như đau đẻ khiến ai cũng sợ. Nhưng hôm nay, những ai đã nhập viện chờ sinh con đều đang thấp thỏm, mong ngóng những cơn đau dồn dập hơn để con chào đời trong ngày đặc biệt. Sản phụ nằm ở phòng chờ sinh í ới hỏi nhau có cơn đau chưa, dồn dập chưa. Mỗi lần khám, bác sĩ báo “mở thêm một tý rồi” là ai nấy đều vui mừng”.

Chị Liên cho biết, chị sinh vào mùa hè nên rất thiệt thòi, sinh thật thường ít có bạn bè và thích nhất mùa đông, dịp Noel nên đã tính toán mang bầu để sinh trong tháng 12. Bác sĩ dự sinh ngày 27/12, mình không thích lắm vì năm cùng tháng tận, nên sáng nay thấy có cơn đau liền giục chồng chở đến viện ngay. Mấy tiếng nằm rồi mà mới mở được mấy phân, bác sĩ nói chắc chắn sinh trong ngày nhưng mình vẫn đang phấp phỏng”, chị Hoa nói.

Bác sĩ dự kiến em sinh 10/12, qua ngày đó mà vẫn thấy em bé nằm yên, không có ý định chui ra, em đã khấp khởi mừng thầm. Vừa đi khám hôm qua, bác sĩ bảo chờ thêm vì các chỉ số bình thường, thế mà 8h sáng nay lại thấy ra máu cá, mình vui lắm, lao đến viện ngay. Không chỉ con, mà vợ chồng em chắc chắn đều hãnh diện, có thể “chém gió” với bạn bè vì mình đẻ giỏi, sinh con vào đúng ngày “tam trùng” cuối cùng của thế kỷ”, sản phụ Nhung (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói.
 
Trên facebook, thai phụ N.T.H chia sẻ, chị đã mang thai được 39 tuần, mấy hôm trước cũng thấp thỏm mong chờ con sinh ngày tam trùng 12/12/2012 nhưng đến sáng nay cũng chẳng có dấu hiệu gì. Thấy trên mạng mọi người bàn tán xôn xao về ngày tam trùng cuối cùng của thế kỷ, từ năm sau sẽ chẳng thể còn những ngày đặc biệt như thế nên hai vợ chồng nhất trí chở nhau đến viện Phụ sản TƯ để xin đẻ. “Mình quá ngày rồi nên xin bác sĩ bấm ối sớm cho sinh nhưng bác sĩ không đồng ý. Bác sĩ nói các chỉ số con vẫn bình thường, hãy để con ra đời tự nhiên là tốt nhất, ngày đặc biệt cũng rất ý nghĩa, nhưng ý nghĩa hơn cả là sức khỏe của con. Vì vậy, hai vợ chồng lại ngậm ngùi ra về, cũng thấy tiếc hùi hụi con không sinh ra trong ngày đặc biệt này”, chị H chia sẻ.
 
Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Hà, Phó trưởng khoa Đẻ (BV Phụ sản T.Ư), những ngày tam trùng, tam hoa như ngày 9/9/2009, 10/10/2010 hay ngày 12/12/2012 với nhiều sản phụ là rất đặc biệt bởi nó là những ngày dễ nhớ, trùng lặp về một con số nên rất có ý nghĩa. Còn “Với các bác sĩ, thì có bệnh nhân ngày nào, giờ nào cũng phải chăm sóc, đỡ đẻ không quan niệm ngày tốt xấu. Cứ giúp sản phụ mẹ tròn con vuông là chúng tôi vui mừng. Nhưng trong một ngày “tam trùng, tam hoa” đặc biệt này, niềm vui đó cũng được nhân lên khi thấy những đôi mắt ánh lên niềm vui vì sinh con trong ngày đặc biệt của các sản phụ”, BS Hà nói.
 
Bình thường ngày tam trùng hai năm trước, số sản phụ sinh rất đông nhưng năm nay, số ca sinh lại rất ít ỏi. Từ 7h30 sáng đến quá 12h chỉ có hai ca sinh, trong đó một ca là của sản phụ Hiền, sinh con gái 3,3kg bé hoàn toàn khỏe khoắn. Ca sinh còn lại không may mắn vì thai chết lưu trước khi vào viện. Hai ca khác được chuyển đi mổ vì có chỉ định mổ. Còn lại 21 bà bầu đang chuyển dạ theo dõi sinh. “So với con số của mọi ngày thì hôm nay, số ca sinh rất ít, chúng tôi cho rằng hết ngày hôm nay chỉ khoảng trên dưới 60 bà bầu đến sinh. Trong khi đó, năm Rồng vàng này, có những ngày cao điểm chúng tôi đỡ đẻ cho khoảng 120 – 130 thai phụ”, BS Hà nói.

BS Hà chia sẻ thêm, với người Việt Nam, tư tưởng chọn ngày tốt để sinh còn rất phổ biến. “Cũng có những người xin bác sĩ cho con sinh theo giờ chọn, ngay trong giờ đặc biệt này, nhưng là bác sĩ, chúng tôi luôn giải thích cho người bệnh, cái gì tự nhiên, theo quy luật vẫn là tốt nhất. Chỉ trừ những ca phải mổ vì thai ngược, ngôi ngược, thai to.. còn đẻ tự nhiên là tốt nhất. Hơn nữa với những trường hợp thai 36, 37 tuần nếu sinh sớm, có thể khiến thai phụ và em bé phải nằm viện hàng tháng trời, tiêm thuốc trợ phổi với chi phí vô cùng đắt đỏ, 15 triệu/mũi, rồi nguy cơ suy hô hấp.. Chúng tôi luôn giải thích cho sản phụ tất cả những điều đó và làm theo chỉ định chuyên môn, đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho mẹ và bé”, BS Hà nói.

Theo Dân trí


From the same category