Trong cuộc gặp mặt báo chí diễn ra vào chiều nay (17/6) tại Hà Nội, ông Nguyễn Đăng Chương – Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Đây là cuộc thi có sự tham gia đông đảo của các đơn vị nghệ thuật (đặc biệt là các đơn vị xã hội hóa) với số lượng vở diễn lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Điều này cho thấy bước chuyển mình của đời sống sân khấu – nhưng là bước chuyển mình trong sự bế tắc.
Một cảnh trong vở ‘Tiếng đàn vùng Mê Thảo.’ (Ảnh: Nhà hát Kịch Hà Nội)
“Chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bế tắc này là do sự khủng hoảng về lực lượng sáng tác – đội ngũ đạo diễn, biên kịch tài năng còn ‘mỏng.’ Thời gian qua, sân khấu chưa thoát được sự bế tắc đó bởi việc đào tạo cần một quá trình. Bởi thế, đây mới là bước chuyển mình trong sự bế tắc,” vị Cục trưởng này nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đăng Chương cũng chỉ rõ một thực tế rằng: các đơn vị nghệ thuật chưa tin tưởng các đạo diễn trẻ được đào tạo bài bản ở các trường nghệ thuật trong việc dàn dựng tác phẩm, đặc biệt là với những vở diễn tham dự liên hoan. Các nhà hát, đoàn kịch vẫn chủ yếu gửi gắm niềm tin vào các đạo diễn tên tuổi, gạo cội như nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang, nghệ sỹ nhân dân Lê Hùng hay nghệ sỹ ưu tú Anh Tú…
Bởi vậy, đây cũng là những đạo diễn dàn dựng nhiều vở diễn tham gia cuộc thi lần này nhất (ví dụ, nghệ sỹ ưu tú Anh Tú là đạo diễn của các vở kịch: “Biến dạng” – Nhà hát Tuổi Trẻ), “Tai biến” và “Lâu đài cát” – Nhà hát Kịch Việt Nam…).
“Trong khi đó, một trong mục tiêu mà chúng tôi hướng đến là thông qua cuộc thi này, sẽ phát hiện, tìm ra được nhiều gương mặt nghệ sỹ, đạo diễn trẻ triển vọng,” đại diện ban tổ chức chia sẻ.
Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ đưa ‘Bệnh sỹ’ đi dự thi. (Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam)
Không chỉ có vậy, các tác giả kịch bản “lão làng” (như Chu Thơm, Nguyễn Đăng Chương, Xuân Đức) vẫn là những cái tên quen thuộc ở cuộc thi này cũng là một minh chứng khác cho thấy sự khủng hoảng đội ngũ sáng tác trẻ tài năng của sân khấu hiện nay.
Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương có tới bốn kịch bản được các đơn vị dự thi lựa chọn dựng vở: “Những phiên tòa đen trắng” (Đoàn Kịch Hải Phòng), “Đường đua trong bóng tối” (Đoàn Kịch nói Công an Nhân dân và Đoàn Kịch nói Phú Thọ cùng dàn dựng), “Lâu đài cát” (Nhà hát Kịch Việt Nam) và “Nắng quái chiều hôm” (Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam).
29 vở diễn tham dự cuộc thi khai thác nhiều đề tài khác nhau (lịch sử, chiến tranh cách mạng, đương đại, dân gian) với nhiều hình thức thể hiện: kịch thị trường, chính kịch, hài kịch, kịch tâm lý…
“Sự phong phú về đề tài, loại hình đó cho thấy sự vận động, chuyển mình của sân khấu trong việc đến gần hơn với khán giả, tiếp cận và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng. Muốn tìm lại vị trí và phát triển trong đời sống, sân khấu cần đưa đến cho công chúng cái họ cần, chứ không phải là mang tới cho người ta những thứ mình sẵn có,” Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn phân tích.
Lịch biểu diễn dự thi của các đơn vị nghệ thuật tham dự ‘Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015.’ (Ảnh: PV/Vietnam+)
“Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015” do Cục Nghệ thuật Biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức.
Theo: An Ngọc/Vietnamplus