Cuba: Thiên đường một nửa - Tạp chí Đẹp

Cuba: Thiên đường một nửa

Sống

Những điều cần biết khi đi Du lịch Cu Ba

Cuba, vì lệnh cấm vận của Mỹ, được mệnh danh là “nơi thời gian ngừng trôi”, và du khách nào cũng hớn hở muốn trải nghiệm cảm giác “trở về những năm 50 của thế kỉ trước”.

Kỷ niệm nhớ đời đầu tiên bắt đầu ngay tại sân bay La Havana. Vì quyết định chóng vánh nên tôi không chuẩn bị tiền mặt để đổi và trớ trêu là máy ATM duy nhất ở sân bay không chấp nhận thẻ Master Card. Thật may, Lars – cậu bạn trọ cùng hostel với tôi ở Tulum, Mexico – cũng vô tình bay chuyến ấy. Anh chàng đã ra tay nghĩa hiệp cho tôi quá giang taxi cùng. Trên đường, thử thêm vài bốt ATM, nhưng vô vọng. Biết làm thế nào những ngày sắp tới? Cầu cứu Lars tiếp? Nhờ người gửi tiền qua Western Union? Tuy nhiên, dùng internet ở Cuba là cả một vấn đề khó khăn và đắt đỏ, không dành cho kẻ cháy túi như tôi lúc này. Tâm trạng rối bời, tôi tới hostel, gãi đầu gãi tai trình bày hoàn cảnh. Gia chủ tươi cười thông cảm và chỉ cách cho tôi: ra ngân hàng, mang theo hộ chiếu để rút tiền từ quầy giao dịch.

Những điều cần biết khi đi Du lịch Cu Ba

Ở Cuba tồn tại song song hai loại tiền: pesos – tiền quốc gia (moneda nacional) còn gọi là CUP (Cuban Pesos) và pesos chuyển đổi (pesos convertible) hay gọi là CUC (Cuban Convertible). Điều này khiến du khách có phần bối rối vì xem giá món đồ gì cũng phải hỏi “CUP hay CUC thế?”. Và cũng giống các nước đang phát triển, nhưng có lẽ ở mức độ trầm trọng hơn, các dịch vụ dành cho khách du lịch (khách sạn, nhà hàng…) siêu đắt so với mức sống bình thường của người dân. Mức lương trung bình người lao động Cuba nhận được là khoảng 15 CUC/ngày, trong khi hostel rẻ nhất La Havana có giá 6 CUC/giường; tại khu du lịch, một bữa ăn đề giá 10 CUC, một ly mojito có thể lên tới 4 CUC (mà đây chưa phải là chỗ đắt nhất). Vì vậy, nếu muốn ăn ngon mà không quá đắt, hãy nhờ chủ nhà nấu cho, rẻ hơn nhà hàng, ngon tuyệt vời mà lại đầm ấm. Cũng nhờ thế tôi đã có một bữa tối thịnh soạn với tôm hùm mà chỉ tốn 6 CUC (tương đương 6 đô).

Những điều cần biết khi đi Du lịch Cu Ba

Thu nhập khiêm tốn không cản trở người Cuba hiếu khách và rộng rãi. Mọi người thường vẫy tay mời tôi “làm ly rhum cho ấm bụng nào” hoặc chỉ vì tôi đi ngang qua đúng lúc họ đang gọi cà phê thì gọi thêm luôn một ly để tôi “uống cho vui”. Người thì rút ví cho tiền xe buýt vì tôi không có tiền pesos… Những thứ đó chả đáng là bao nhưng có lẽ cũng là “chút nào” so với đồng lương của họ, và sự hào phóng vô tư ấy khiến tôi vô cùng cảm kích. Nhiều người nói tôi là du khách Việt Nam đầu tiên họ gặp. Tôi thì nghĩ, có lẽ họ không biết ai là người Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản mà thường cho hết vào “một rọ” người Trung Quốc. Vì thế, tôi rất hay được nghe gọi “China, Chinita” và lần nào tôi cũng quay lại chỉ cho họ thấy dòng chữ “Soy Vietnamita” (Tôi là người Việt Nam) trên áo phông của mình. Và khi thấy dòng chữ đó, người thì cười hớn hở, rút ngay trong túi ra bao gạo, “Gạo Việt Nam đấy, tôi mới mua xong, ngon lắm”; người thì vẫy tay rối rít “Việt Nam à, vào nhà chơi, nói chuyện chút đi”; có người còn hô to “Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Trỗi” (Bạn thắc mắc tại sao lại là Nguyễn Văn Trỗi? Vì họ có một trường học mang tên người anh hùng của ta).

Những điều cần biết khi đi Du lịch Cu Ba

Cũng như người Việt, gạo là thứ không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người Cuba. Tuy nhiên, trong sổ lương thực (Vâng, ở Cuba vẫn tồn tại chế độ tem phiếu như ở Việt Nam khoảng 30 năm trước), họ chỉ được mua khoảng 2,5kg gạo mỗi tháng với giá ưu đãi, ngoài ra phải mua ngoài với giá khá đắt.  Cuộc sống khó khăn nhưng tôi không thấy người dân ở đây than phiền nhiều mà vẫn hồ hởi, nhảy múa hát ca yêu đời. Không hiếm cảnh dàn nhạc sống chơi trong quán bar cho khách du lịch, và người dân thì ôm nhau nhảy tưng bừng nơi góc phố. Họ khỏe khoắn, sống động, và không ngại ngùng phô diễn cơ thể của mình qua những kiểu áo bó, áo dây, những váy mini, quần short không thể ngắn hơn với đủ các tông màu sặc sỡ.

“Thời gian ngừng trôi” khiến Cuba trở thành một bảo tàng xe cổ sống động mà bất kỳ ai mê xe cổ chắc hẳn cũng đều mơ ước được tới đây một lần để ngắm những “huyền thoại” một thời. Tôi chẳng biết gì về xe cộ nhưng cứ nhìn bọn bạn đi cùng, mắt sáng rực thèm thuồng, tay mân mê vuốt ve đầy tiếc nuối những chiếc taxi đậu dài bên bờ biển hay ở khu trung tâm là đủ hiểu sức hút kì diệu của những cỗ máy cổ lỗ sĩ, rệu rã nhưng bề ngoài được tân trang như búp bê Barbie ấy.

Những điều cần biết khi đi Du lịch Cu Ba

La Havana được chia thành hai khu: La Havana mới và La Havana cũ, hay còn gọi là khu phố cổ, tập trung các điểm tham quan, vui chơi chính. Trừ những tòa nhà nổi tiếng, phần lớn các khu nhà ở đây đều khá cũ kĩ, xập xệ nhưng vẫn giữ được dấu vết của thời hoàng kim. Khắp nơi ngập tràn hình ảnh của José Marti – nhà thơ, nhà báo, chính trị gia và người anh hùng của nhân dân Cuba, cùng các áp phích, biểu ngữ ca ngợi cách mạng Cuba và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Điểm ưu việt lớn của xã hội Cuba là hệ thống giáo dục và y tế hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, đội ngũ bác sĩ của Cuba nổi tiếng thế giới vì chuyên môn tốt, do đó, sinh viên từ nhiều nước rất muốn tới đây học hỏi.

Estella, vừa tốt nghiệp trường y ở Argentina muốn tới La Havana học tiếp chuyên ngành, than thở: “Mang tiếng cùng nói tiếng Tây Ban Nha nhưng người Cuba nói kì quá, mình chả hiểu gì cả”. Quả thật, người Cuba bỏ qua tất cả những chữ “s” và phát âm gió (giống như cho thêm chữ “h” vào tất cả các từ bắt đầu bằng nguyên âm) khiến việc nghe hiểu khá khó khăn.  Người Cuba phần lớn da nâu sậm, gốc gác từ đảo Antilles. Thiểu số người da trắng thì cũng được mặt trời hun đốt thành màu sô cô la cả. Còn tôi, bản chất vốn đã “đậm đà”, sau 3 tuần nắng gió Mexico, đã được nhuộm màu cà phê. Thỉnh thoảng lại có người chạy ra so tay với tôi: “Ôi, cô sắp rám nắng bằng chúng tôi rồi, sao người Việt Nam mà lại có làn da Cuba thế này”.

Những điều cần biết khi đi Du lịch Cu Ba

Tuy nhiên, mọi thứ không phải lúc nào cũng màu hồng. Bọn bạn “ba lô” nam giới cùng hostel đứa nào cũng mắt tròn mắt dẹt kể lại những chiêu mời mọc ít nhiều sống sượng của các cô gái hoặc các “ông bầu”. Bản thân tôi cũng nhận được khá nhiều lời tỏ tình, cầu hôn nửa đùa nửa thật chỉ sau dăm mười phút trò chuyện. Tôi có cảm giác thanh niên Cuba ai cũng có ít nhiều mơ tưởng, bộc lộ hay kín đáo, rằng một du khách nào đấy sẽ đem lòng yêu họ và đưa họ tới một chân trời mới. Có lẽ vì biết tới thế giới bên ngoài chủ yếu thông qua những bộ phim truyền hình tình cảm ướt át trên vô tuyến và khách du lịch trong mắt họ là những người sẵn sàng tiêu số tiền quá lớn so với thu nhập của họ, mà họ nghĩ rằng cuộc sống ở bất cứ đâu ngoài Cuba cũng đều đẹp đẽ như thiên đường.

Có lần, vì muốn đi tắt tới chỗ hẹn mà tôi bị lạc giữa cánh đồng, và trời bắt đầu đổ mưa như trút. Đang hoang mang thì một cậu thanh niên trẻ trung đẹp trai xuất hiện, thản nhiên phán một câu, “Trả tôi 5 đô la và tôi sẽ chỉ đường cho cô!”. Phẫn nộ đến mức nói cà lăm, tôi nhún vai cau mày nói, “Tôi bị lạc. Nếu anh không muốn chỉ đường và cứ để cho tôi lạc thì không sao, anh cứ làm vậy đi”, rồi quay lưng, tìm đường trở về chỗ cũ, đành lỗi hẹn với bọn bạn. May sao, một gia đình sống gần đó đã gọi tôi vào nhà trú mưa, vồn vã mời cà phê, nước uống… khiến tôi nguôi ngoai ít nhiều.

Những điều cần biết khi đi Du lịch Cu Ba

Còn một điều làm tôi cảm thấy có hơi chút thất vọng là ở La Havana không có kiểu hàng quán lê la ngoài đường như Việt Nam hay Mexico, đồ ăn rẻ chỉ có pizza hoặc spaghetti, sang hơn một chút là sandwich. Và dù nổi tiếng với những nông sản trái cây, nhưng nước hoa quả ở đây lại pha đường cực nhiều. Có lẽ họ thích ăn ngọt và đường thì quá rẻ.

Sau gần một tuần trôi nhanh như chớp mắt, tôi rời La Havana trong tâm trạng khó tả. Dù rất hài lòng đã thực hiện được mơ ước từ bao lâu, tôi vẫn không thể nói được mình yêu mến đất nước, con người Cuba đến mức độ nào. Từ máy bay nhìn xuống những cánh đồng xanh ngát, những bờ biển nước trong vắt nhìn thấu đáy, tôi lại thấy có chút nuối tiếc, có phần nhung nhớ. Liệu được tặng một chiếc vé mới, tôi có quay trở lại nơi đây?

Bay từ Việt Nam đến Cuba

+ Nối chuyến 1- 2 lần tại một trong các sân bay: Seoul Incheon Int’l, Toronto Pearson, Paris Charles de Gaulle, Bangkok Suvarnabhumi, Tokyo Haneda, Tokyo Narita.

+ Thời gian: 33-35 tiếng

+ Mức giá: khoảng 93.000.000-124.000.000VND

(Nguồn tham khảo: skyscanner.com.vn và bravofly.com)

Khí hậu

Nhiệt đới với thời điểm đẹp nhất trong năm rơi vào tháng 12 đến tháng 4.

Những điểm đến đáng chú ý

+ Biển Malécon, đầm lầy Zapata, biển Maria la Gorda, đảo Cayo Largo, núi La Plata

+ Quảng trường Vieja, khu nghỉ dưỡng Varadero, pháo đài Castillo de San Pedro de la Roca, thủ phủ Cienfuegos của tỉnh Cienfuegos, thành phố cổ Baracoa, quảng trường Plaza Mayor ở Trinidad, lăng Che Guevara, khu phố cổ ở Havana

Lễ hội

+ Carnival: diễn ra vào 18-27/7 ở Santiago, và từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 ở Havana

+ Ngày Cách mạng (Revolution Day): 26/7

+ Quốc khánh: 20/5

Di chuyển

+ Các chặng đường dài: xe khách là phương tiện phù hợp, có 2 hãng xe lớn để bạn lựa chọn: Viazul (viazul.com) hoặc Astro – xe to, có điều hòa, ti vi, phòng vệ sinh, được điều hành khá hệ thống quy củ, với lộ trình dừng tại nhiều điểm tham quan.

+ Các chặng đường ngắn, trong nội thành: taxi (giá cả tùy theo xe, đắt thì có Nissan trang bị điều hòa, rẻ nhất là những chiếc Lada cũ màu vàng – đen không điều hòa; Panataxi là hãng taxi giá rẻ nhất ở đây); hoặc xe lam.

Thực hiện: Phạm Hương Thủy

20/10/2014, 17:37