Món cua, tôm, ốc nướng được coi là đặc sản, nhất là món cua biển rất hấp dẫn và giàu hàm lượng dinh dưỡng, vẫn thường là lựa chọn của bố mẹ dành cho con. Cua bổ sung hàm lượng canxi và protein ở mức cao. Tôm được đánh giá có hàm lượng bổ dưỡng cao gấp ba lần thịt. Ốc cũng được coi là thực phẩm bổ dưỡng, giúp trẻ tránh còi xương.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Cẩm Thạch, Viện Sốt rét Kí sinh trùng – Côn trùng TƯ, trong món cua nướng, đặc biệt là giống cua đá, thường có giống sán lá phổi cư trú.
Chưa kể, bề mặt cơ thể mang và đường ruột của nó chứa nhiều vi khuẩn do cua đá thường ăn xác động vật hoặc chất mùn. Do đó, nếu rửa chưa sạch hoặc chế biến chưa chín kĩ, bạn đã cho con ăn cả vi khuẩn gây bệnh lẫn kí sinh trùng ở cua.
Tương tự, ốc thường là nơi cư trú của các loại kí sinh trùng. Món ốc hay cua theo kiểu nướng thường chỉ khiến món ăn chín tái chứ không chín kĩ. Ăn phải ốc chưa chín kĩ dễ bị các loại kí sinh trùng lên não, gây viêm màng não trong.
Lời khuyên của các chuyên gia y tế là hãy chọn cách chế biến chín kĩ để những thực phẩm bổ dưỡng này hoàn toàn có lợi cho sức khỏe chứ không đem đến bệnh tật hay sự nguy hiểm nào cho sức khỏe của các bé con.
Cách chế biến nướng không được khuyến khích. Các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý khi chọn lựa phương pháp làm chín thức ăn cho con.
Trẻ không nên ăn thịt cua khi: – Đang bị tiêu chảy. – Đang bị cảm lạnh, sốt vì thịt cua có tính hàn. – Trẻ có tì vị kém cũng không nên ăn nhiều vì dễ gây lạnh bụng, khó tiêu. Phát hiện sớm sán lá phổi khi thấy khạc đờm có màu rỉ sắt. Xét nghiệm đờm thấy có trứng sán lá phổi. Trẻ em thường nuốt đờm vào thực quản và ống tiêu hóa nên có thể xét nghiệm phân để xác định sán. |