– Mấy ngày nghỉ lễ có đưa bà xã đi chơi được đâu không bác?
– À thì cũng đi loanh quanh thôi, chẳng có gì xem, chẳng có gì chơi. Ngày Lễ mà buồn như “trấu cắn”.
– Chứ không dẫn… “phụ nữ đoan trang” nhà mình đi xem “Vũ điệu đường cong” sao?
– Làm gì có chuyện đó. Nhìn cái băng rôn đã sởn hết cả gai ốc. Xấu xí, nhảm nhí, bậy bạ quá. Trông còn rẻ tiền hơn đám múa võ bán thuốc cao đầu đường xó chợ ngày xưa. Thô và bỉ đến thế là cùng!
– Chuyện! Đã bảo là chương trình không dành cho trẻ em dưới 18 tuổi và… phụ nữ đoan trang rồi mà!
– Xưa nay chỉ nghe nói cấm trẻ em dưới 16 tuổi, giờ cấm luôn cả người trưởng thành, đủ tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật thì chắc không còn là chuyện nhậy cảm nữa, mà là chuyện bậy bạ …thật.
Cấm thế cũng phải! Vì như tôi đây, bằng này tuổi rồi, đàn ông đàn ang, trải đời các kiểu rồi mà nhìn cái băng rôn và tấm panô quảng cáo kia còn chết khiếp nữa là, nói gì 18 tuổi và “phụ nữ đoan trang”! Thật sự là tôi không hiểu.
– Ô, hình ảnh, câu chữ lồ lộ, trắng phớ thế kia, có gì mà khó hiểu nhỉ?
– Chính thế mà mới không hiểu chứ! Không hiểu nổi vì sao một tấm băng rôn quảng cáo xấu đến thế, phản cảm đến thế, nhảm nhí đến thế lại có thể thách thức treo rất đàng hoàng ngay trước một trung tâm biểu diễn lớn nhất của nhà nước tại Thủ đô là Cung Văn hóa Hữu Nghị. Họ treo vài ngày liền mà không bị ai phản ứng, phát giác cho đến khi xuống Hải Phòng!
– Nghe bảo bị phạt 20 triệu rồi đấy bác!
– 20 triệu thì ăn thua gì, quá là “gãi ghẻ”! Nghe đâu, một trong những cô khoe thân trên băng rôn kia còn từng được đại gia hét giá tận những 20 ngàn USD để chỉ xin gặp có 20 phút, thế mà cô đó còn chả thèm cho gặp! Thì 20 triệu quả là quá buồn cười…
– Vụ đấy thì công nhận khó hiểu thật, trừ khi người ta là “phụ nữ đoan trang”, bác nhỉ?
– Đừng nói phụ nữ đoan trang, người bình thường tôi chắc chắn cũng chẳng ngó cái chương trình nhảm nhí này làm gì. Thêm hỏng người!
– “Phụ nữ đoan trang” thiệt thòi sao bằng phụ nữ… có chồng hả bác! Thế nên người ta mới phải nói dối để được đi thi hoa hậu đấy thôi!
– Ừ, kể ra thì nghe cũng… “cám cảnh” ? Riêng chuyện này nếu có phần nào cảm thông thì đó là sự cảm thông cho một “khát khao chiến thắng”! Của một cô gái nghĩ là mình quá đẹp.
– Ý bác là “Hãy tha thứ cho nàng vì nàng đẹp”?
– Có muốn tha thứ cũng chẳng tha thứ được. Vì cuộc chơi có luật. Mà một trong những luật đầu tiên là phải trung thực. Vả cuộc thi này lại là cuộc thi có sức ảnh hưởng lớn, sao có thể dễ dãi tùy tiện được. Mà có gì đáng nói nhiều về nó vậy? Truyền thông không nên nói lắm về nó nữa.
– Chẳng phải nói dối đôi khi cũng là một đặc điểm… đáng yêu ở phụ nữ sao, nhất là lại còn là phụ nữ đẹp?
– Có thể, nhưng với điều kiện nó phải là vô hại!
– Thực ra thì em thấy vụ nói dối này cũng đâu có hại lắm đâu nhỉ, nếu như không muốn nói là càng làm cho cuộc thi Hoa hậu VN năm nay được chú ý hơn?
– Đáng buồn là ở chỗ đấy: cái cần được chú ý thì lại bị báo chí bỏ qua hoặc đưa tin lớt phớt, cái không đáng quan tâm cho lắm, cái thuộc về bí mật riêng tư, thì báo chí đua nhau cập nhật từng giờ. Đến nỗi, cái cô vừa đăng quang hoa hậu năm nay có khi còn chả nổi bằng cái cô “người đẹp nói dối” kia! Nói chi đến người tốt, người nghèo…! Nghèo nào chóng nổi bằng nghèo quần, nghèo áo, nghèo luôn cả nhân cách!
– Bí mật riêng tư nếu không đáng giá thì bác tung ra một series tranh tự họa lấy tên “Cái mặt tôi” làm gì?
– “Cái mặt tôi” sở dĩ có giá chính bởi trong “cái tôi” ấy, người xem có thể nhìn thấy họ trong đó. Phần nào đó, nó còn chứa đựng “cái ta”. Đúng là một thời, văn học nghệ thuật ở ta chỉ có “cái ta” mà thiếu vắng “cái tôi”, nhưng một mặt, “cái tôi” nếu như không nằm trong “cái ta” thì cũng chả ra làm sao, như chúng ta đã thấy sau đó! Đáng buồn, những cái tôi “chả ra làm sao” ấy lúc này lại tràn ngập trên mặt báo, khi mọi bí mật riêng tư đều dễ dàng nhìn qua lỗ khóa!
– Có thế thì Thành Chương mới biết Angela Phương Trinh là ai chứ! Không lại nhầm với Angelina Jolie thì chết dở!
– Tôi biết …là do báo mạng cứ “giới thiệu” hàng ngày mà. Nó cứ đập vào mắt!
– Thôi có vợ đẹp rồi để dành tiền mà xây tiếp “Việt Phủ 2” đi bác! “Phụ nữ đoan trang” giờ có giá lắm, bác không “có cửa” đâu!
– Mất giá thì đúng hơn …