Khủng hoảng bởi thừa tiền
Cô bạn tôi làm trưởng phòng kinh doanh tại ngân hàng ACB kể rằng, vào ngày báo chí công bố thông tin bầu Kiên bị bắt, cô nhận được hàng ngàn cuộc điện thoại của cả khách hàng lẫn người thân về việc làm thế nào để rút tiền khỏi ngân hàng. Nhưng điều buồn cười nhất là ngay sau khi rút tiền khỏi hệ thống, không ít người trong số họ lại đặt câu hỏi: “Bây giờ làm gì với tiền đây? Mua vàng? Mua ngoại tệ? Hay gửi qua ngân hàng khác? Mua vàng thì giá cao quá, nên liệu có “mua hớ” không? Mua USD thì liệu có lời không? Gửi tiền qua ngân hàng khác liệu có an toàn? Hay đi mua bất động sản, biết đâu sau khi hết đóng băng, ta lại có khoản tiền kếch xù?
Rõ ràng, những người đặt câu hỏi ngay từ đầu đã hỏi sai người! Là trưởng phòng kinh doanh, đương nhiên cô sẽ phải trả lời để tiền tại ngân hàng là tốt nhất. Thế mới thấy, khoản tiền nhàn rỗi đi liền khúc ruột, nhưng gửi tiền theo hình thức nào, dùng loại tiền nào, gửi ở đâu,… vẫn là khái niệm xa lạ, mù mờ với hầu hết những phụ nữ tay hòm chìa khóa. Nên chuyện như cơm bữa ở xứ ta là người dân gửi tiền chỉ vì lãi suất, rút tiền và chấp nhận mất hết khoản lãi xuất tham lam trước đó chỉ bởi tin đồn, rồi loay hoay nhận những lời khuyên mông lung nhưng lại đóng vai trò quyết định trong việc xử lý khoản tiền thừa cầm lại trong tay.
Cô bạn tôi tâm sự: “Khách hàng của tớ cứ lo lắng ngân hàng khủng hoảng do không có tiền chi trả. Tớ thì không thấy ngân hàng khủng hoảng vì thiếu tiền, chỉ thấy khách hàng khủng hoảng trước đống tiền nhàn rỗi mà không biết làm gì với nó”.
Quả là nghích lý bởi thiếu tiền thì không biết xoay xở đã đành mà đến lúc thừa tiền trong tay cũng khốn khổ chẳng kém. Vậy mới thấy tiếng Việt thật là thâm thúy. Đồng tiền nhàn rỗi đúng là “nhàn rỗi” quá, chỉ có chủ nó lúc nào cũng bận rộn và lo âu như thể có con mọn quặt quẹo, không biết lúc nào sẽ ra đi.
Tiền nhàn rỗi, đem đầu tư hay tiết kiệm?
Là người đàn bà thông minh và hiện đại, bạn nên hiểu việc cư xử với tiền nhàn rỗi là một trong những kiến thức không thể bỏ qua. Tiền nhàn rỗi được tích lũy sau thời gian dài làm việc, là thành quả, là niềm tự hào, và giờ đã đến lúc nó phải bắt đầu công việc của tay đầy tớ trung thành: giúp bạn an tâm hơn và giàu có hơn.
Những khoản tiền thừa của bạn cần được chia làm 2 phần: dùng cho tiết kiệm và dùng cho đầu tư, với hai mục đích hoàn toàn khác nhau. Hãy nhớ tiết kiệm giúp bạn “an tâm”, còn đầu tư là khoản làm cho bạn “giàu có”. Với khoản đầu tư, hãy suy nghĩ đầu tiên đến hiệu quả đồng tiền. Có nghĩa trong khoảng thời gian xác định, bạn phải tính toán chi tiết số tiền đầu tư có thể sinh ra bao nhiều lợi nhuận và tìm mọi cách để tác động, điều chỉnh sao cho sinh được lợi nhuận nhiều nhất. Chẳng hạn, đầu tư vào vàng, bạn phải theo dõi và thực hiện nghiệp vụ mua bán để không lỗ to mà phải lời lớn. Đầu tư vào doanh nghiệp, bạn phải cầm chắc trong tay khả năng tác động và quản lý để nó ngày càng ăn nên làm ra. Đầu tư vào một căn nhà, hãy chắc chắn bạn biết cách tu sửa, nâng cấp và tìm cách bán với giá hời.
Ngược lại, khoản tiết kiệm luôn là tấm nện êm ái trong trường hợp rủi ro xảy ra. Bởi ta cần phải sống thoải mái ít nhất là 6 tháng tiếp theo. Với khoản tiết kiệm này, bạn không cần phải quan tâm nhiều đến lợi nhuận, mà quan trọng nhất là nó phải khiến bạn ngủ ngon mỗi đêm và sẵn sàng phục vụ bất kỳ lúc nào bạn cần. Đó là lý do người ta thường để tiền tiết kiệm trong ngân hàng với lãi suất tượng trưng vì ngân hàng là thể chế bền vững nhất được đảm bảo bởi chính quyền, nên bất kỳ lúc nào cần tiền, họ đều dễ dàng sử dụng được. Bởi chính quyền, bằng mọi cách, sẽ không cho phép ngân hàng từ chối trả lại tiền cho bạn. Bởi chỉ cần một ngân hàng từ chối trả tiền, rất có thể niềm tin vào cả hệ thốn ngân hàng quốc gia sẽ lung lay, kéo theo việc rút tiền hàng loạt, làm gãy đổ cả nền kinh tế.
Hiểu biết về kỳ hạn và mức sinh lời mong muốn
Dù đầu tư hay tiết kiệm, kỳ hạn và mức sinh lời mong muốn vẫn là yếu tố cần quan tâm hàng đầu, bởi chúng chính là biển số để bạn quyết định đặt tiền vào VND, USD, vàng, chứng khoán hay bất động sản. Đừng vô duyên vô cớ đặt câu hỏi: “Bây giờ để tiền vào đâu?”, bởi ngay từ đầu, bạn không thể xác định thời hạn và mức sinh lời mong muốn thì làm sao ai có thể trả lời câu hỏi đó đây?
Nếu quyết định số tiền nhàn rỗi chỉ “rỗi” trong thời gian ngắn và sẽ sử dụng nó trên lãnh thổ Việt Nam, bạn chỉ nên chọn VND và đặt nó vào tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng. Suất sinh lời mong đợi của bạn chỉ bằng đúng lãi suất nhưng biết làm sao hơn, bạn sẽ cần số tiền đó rất sớm và bạn cần chắc chắn nó đem lại lợi nhuận ít nhiều từ lãi suất. Bạn cũng hoàn toàn có thể chọn ngoại tệ, nếu khoản tiền sau thời gian nhàn rỗi sẽ được sử dụng ở nước ngoài. Nhưng hãy chú ý, mọi giao dịch tích trữ ngoại hối đều có luật pháp chi phối, và nếu không đủ am hiểu, xin bạn đừng dại dột chơi với lửa, nếu không muốn có ngày dính líu với cán cân công lý.
Nếu tiền nhàn rỗi dài lâu hơn, hãy nghĩ đến các công cụ có khả năng đem lại số tiền kếch xù hơn. Hãy xác định thời gian tiền rỗi và đặt con số sinh lời cụ thể, bạn sẽ rất dễ lựa chọn công cụ. Vàng có thể là lựa chọn thông minh trong dài hạn, một kiểu tiết kiệm truyền thống được luật pháp cho phép, miễn bạn không bị đau tim khi nhìn những con số tăng giảm đến chóng mặt mỗi ngày. Bất động sản có thể là lựa chọn không tệ, nếu bạn am hiểu thị trường này và tự tin với khả năng chào bán sản phẩm để thu hồi vốn.
Nếu tiền nằm trong khoản mục đầu tư, một khi đã được mức sinh lời mong muốn, bạn hãy thu hồi vốn ngay. Đối với khoản mục đầu tư, ngoài suất sinh lời, bạn còn phải xác định cả mức chịu lỗ cho phép. Bởi một khi khoản đầu tư chạm đến mức chịu lỗ, là lúc bạn cũng phải “ra tay đau đớn” để đảm bảo mình không mất mát thêm. Nên nhớ đối với khoản đầu tư, yếu tố sinh lời và mức chịu lỗ quan trọng hơn cả kỳ hạn. Những cô nàng xem đầu tư như mốt thời thượng thường phá sản, bởi nàng không chịu xác định thời hạn và suất sinh lời của khoản đầu tư mà ra tay quyết định đúng thời điểm. Thế nên mới có chuyện, nàng tính toán 3 tháng nữa chiếc túi Chanel mới nhất của mình sẽ ra mắt, và đáng ra nàng phải có lời 100% từ số tiền mua chứng khoán. Nhưng đến hết kỳ hạn, nó đã rớt đến 50%, và nàng đành mơ về chiếc túi trong 3 tháng tiếp theo!
Ngược lại, với tiền tiết kiệm thì yếu tố kỳ hạn đáng quan tâm hơn, bởi mục đích của nó là giải quyết nhu cầu “cần tiền là phải có” của bạn. Nếu không rõ mình cần vào tiền lúc nào, hãy chọn loại tiền gửi lãi suất thả nổi. Một điểm lưu ý: vì suất sinh lời không phải yếu tố quan tâm hàng đầu, nên xin bạn đừng chỉ chăm chăm vào lãi suất công bố mà hãy chú ý các dịch vụ cộng thêm nhằm giúp bạn am tâm nhất. Giữa ngân hàng cho bạn thêm 0,5%/năm lãi suất và ngân hàng tặng thêm dịch vụ bảo hiểm đi kèm, đảm bảo số tiền có thể tăng lên gấp 10 lần nếu đau ốm, tai nạn xảy ra, hãy chọn ngân hàng thứ hai. Bởi vài đồng lãi suất không thể khiến bạn an toàn hơn nhưng dịch vụ bảo hiểm đi kèm thì có thể.
Theo Style