Cứ xây, cứ bày biện cho nó... công bằng! - Tạp chí Đẹp

Cứ xây, cứ bày biện cho nó… công bằng!

Tin Tức

Trả lời báo chí về việc nên hay không xây “siêu bảo tàng” 11.000 tỉ, GS Lê Văn Lan cho rằng: “Có và phải xây ngay… Chúng ta đã bị thất thoát số tiền còn nhiều hơn rất nhiều so với tiền xây bảo tàng này, thế thì phải đối xử một cách công bằng. Không thể vì bọn phá hoại làm mất rất nhiều tiền gây ra suy thoái kinh tế mà lại không cho xây bảo tàng.

Tôi nghĩ phải dùng việc xây bảo tàng này để chữa lại suy thoái kinh tế kia… Vấn đề lúc này là phải tập trung lo bày biện vận hành cái bảo tàng to ấy như thế nào”... Và “Việc trưng bày thế nào là cả 1 vấn đề lớn…, cho nên lo cho việc xây nhà 1, thì phải chuẩn bị kỹ lưỡng lo cho việc trưng bày ở trong đó gấp 3″…

Những câu trả lời đó đã làm cho không ít người bức xúc, khó hiểu. Bởi không thể nào tin được GS Lê Văn Lan lại có thể phân tích 1 sự kiện lịch sử rất quan trọng như việc xây bảo tàng lịch sử Việt Nam bằng cách tầm thường hóa, chủ quan hóa, và phi logic hóa hàng loạt vấn đề liên quan…

Ông cho rằng nhiều kẻ xấu đã làm thất thoát hàng tỉ đồng vậy thì bây giờ cần phải xây bảo tàng cho nó công bằng? Tư duy logic như vậy phải chăng GS Lê Văn Lan muốn xây bảo tàng để cho nó tương đồng, tiếp tục thất thoát?

Người đọc không hiểu nổi là căn cứ vào đâu để GS Lê Văn Lan kết luận rằng chỉ cần xây một cái bảo tàng là có thể “chữa lại suy thoái kinh tế kia”(!)

Ai cũng biết việc tham nhũng và xây bảo tàng là hoàn toàn khác nhau và một công trình văn hóa của một dân tộc thì không bao giờ “có quyền” đóng vai trò chữa cháy cho một nền kinh tế.

GS Lê Văn Lan cho rằng việc xây bảo tàng tốn một thì việc bày biện trong bảo tàng đó phải gấp ba. Ông còn nhấn mạnh rằng đó là thông lệ của quốc tế. Ở đây chưa vội bàn về hai chữ “thông lệ” mà chỉ xin hỏi GS rằng tỉ lệ 1/3 là tương quan gì?

Phải chăng GS muốn nói tiền xây bảo tàng 1 thì phải tốn gấp 3 lần số tiền đó để trưng bày? GS cho rằng trí tuệ của những người trưng bày gấp 3 lần trí tuệ của những người xây bảo tàng. Hoặc thời gian để trưng bày dài gấp 3 lần thời gian xây bảo tàng?…

Toàn những câu hỏi rất khó trả lời nhưng theo tôi, nếu được mời tư vấn cho công tác trưng bày thì tiền công cho tôi dứt khoát phải gấp 3 lần tiền công tư vấn xây bảo tàng.

Phối cảnh công trình Bảo tàng nghìn tỷ. Ảnh:Đoàn Loan/VNE

Hội chứng “ngụy biện”

Trong thời gian gần đây, bất kỳ cuộc tranh luận nào dù là thơ, chùa Trăm Gian, bảo tàng, thi hoa hậu, tuyển sinh đại học…, thì các TS, PGS, GS rất hay đăng đàn và gần như đa số họ khi bảo vệ cho những cái sai, sắp sai, đang sai, nhất định sẽ sai, đều chung một vũ khí duy nhất đó là ngụy biện.

Đánh tráo khái niệm hoặc dùng uy của mình để “cả vú lấp miệng em”, dùng cái hao hao đúng, gần đúng để bảo vệ cho cái đúng trong khi họ quên mất rằng 99,9% sự thật vẫn chưa phải là sự thật.

Và, họ cũng quên luôn rằng chỉ cần một ít tình cảm đã là biểu hiện đủ của sự chân thành còn mọi ý đồ nhân danh sự chân thành để ngụy biện cho sự sai trái thì không bao giờ đủ.

Xin dẫn chứng. GS Lê Văn Lan cho rằng: “Chúng ta đang có một hệ thống bảo tàng vừa thiếu vừa yếu. Chính sự vừa thiếu vừa yếu ấy đã tạo ra nhiều nét tiêu cực trong công cuộc phát triển của đất nước. Phải có 1 bảo tàng chính thống ra trò để duy trì sự nghiệp bảo tàng của đất nước ta”.

Chỉ trong một câu mà GS Lê Văn Lan sai nhiều, liên tục như enegigez.

Một là, căn cứ vào đâu để GS kết luận gần 1000 bảo tàng trên cả nước hiện nay là yếu kém?

Hai là, GS đổ lỗi cho sự yếu kém đó của bảo tàng là một trong những nguyên nhân gây nên sự trì trệ của đất nước.

Là GS sử học, tại sao ông lại dùng từ không chính xác một cách thoải mái như thế? Bởi vì nếu bảo tàng có thiếu và yếu thì cũng chỉ yếu và thiếu ngành bảo tàng thôi chứ không phải làm yếu toàn bộ đất nước.

Ba là, tại sao phải “chính thống, ra trò thì mới làm tốt được công tác bảo tàng?

Đất nước đang nghèo không thể vung tay quá trán bằng cách xây dựng những công trình to lớn đồ sộ, xây xong rồi để đó, trong khi không biết tiền dân của nước thất thoát ở đường nào.

GDP Việt Nam ước tính vào năm 2012 chỉ khoảng 130 tỉ USD. Tại sao có thể bỏ 5% tổng số tiền đó để xây nhà bảo tàng cho đẹp, cho oai. Tại sao không chờ khi GDP của Việt Nam lên đến 500 tỉ đô la thì có thể bỏ ra 1% để xây nhà bảo tàng hiện đại hơn?

GS Lê Văn Lan cho rằng “bày biện” phải công phu phải khó nhọc. Thử hỏi sau 1000 Bắc thuộc, hàng trăm cuộc chiến tranh, trong đó có 130 năm chiến tranh với Pháp, Nhật, rồi Pháp, Mỹ, Trung Quốc; thử hỏi hiện vật bảo tàng đáng giá tin cậy chúng ta có bao nhiêu để lấp đầy hàng trăm căn phòng trống của bảo tàng hiện đại? Một kết quả như bảo tàng Hà Nội là rất dễ nhìn thấy…

Trong bài trả lời của mình GS Lê Văn Lan đã nhấn mạnh rằng nếu được mời tư vấn cho công tác trưng bày ở siêu bảo tàng “thì tôi sẽ phải suy nghĩ rất kỹ trước khi đóng góp ý kiến (quy hoạch việc trưng bày thế nào cho chuẩn)”.

Xin hỏi GS, giả sử trong 2 năm nữa bảo tàng xây xong, ông có thể bỏ ra 6 năm để suy nghĩ (gấp ba)? Trong thời gian chờ đợi ông suy nghĩ, những cán bộ yếu kém của bảo tàng hiện nay (như ông nói) sẽ làm gì.

Nói lấy được đang là một căn bệnh khá phổ biến trong cả nước. Không ít vị có tiếng ưa chi nói nấy, ưng chi làm nấy đến nỗi người dân không biết đường nào mà lần.

Rất mong mỏi rằng những vị lãnh đạo có trách nhiệm và những vị trí thức có chút ít tên tuổi nên biết cách phát ngôn cẩn trọng, đúng mức, đúng tầm và, thật tuyệt nếu, đúng tâm…

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

21/09/2012, 09:12