Đứa con trai 3 tuổi của tôi luôn luôn làm ngược lại những điều tôi bảo nó làm. Chẳng hạn, đến giờ ăn, thằng bé thường “chống lại” mẹ bằng cách nhả thức ăn ra. Thằng bé còn rất nhiều chiêu trò khác như tự… đánh mình, dùng chân đá vào tường, la hét…
Cứ tiếp tục nhé con!
Tôi từng rất đau đầu và cảm thấy dường như mình đã thua con. Vì tôi đã hết cách, từ năn nỉ, đe dọa, đánh đòn đều không thể khiến thằng bé sợ mà dừng lại những việc sai trái nó đang làm. Cuối cùng, tôi gọi điện cho cô bạn thân, nhờ cô ấy tư vấn xem nên làm gì với thằng bé. Và tôi thật sự ngạc nhiên khi cô bạn tôi bảo, cứ để con làm những điều sai trái. Nếu lúc trước, tôi luôn luôn hốt hoảng khi con tự làm đau mình, tôi năn nỉ con ăn uống với vô vàn lời giải thích, để rồi chẳng có tí hiệu quả nào, thì bây giờ tôi sẵn sàng để con làm điều nó muốn. Và tôi luôn chờ cơ hội để áp dụng cách mới của cô bạn.
Khi thằng bé phun thức ăn ra ngoài, tôi không la mắng con, cũng chẳng năn nỉ con phải ăn nữa, mà: “Hãy cứ tiếp tục đi con, cứ phun thức ăn hết đi”. Thằng bé dừng lại: “Con không lạ đâu”. “Con cứ la hét nữa đi!”. “Không”. Khi thằng bé tự làm đau mình, tôi thay vì la mắng, sẽ bảo con: “Con thấy thích như vậy à, vậy thì con cứ làm như vậy nữa đi nhé!”. Thằng bé nói: “Con không làm vậy đâu”. Khi thằng bé khóc lóc, rên rỉ vì không có được thứ mà nó muốn, tôi sẽ để con ở một mình trong phòng (tất nhiên là đứng canh ngoài cửa) trong khoảng 5 phút sau khi đã khuyến khích con: “Mẹ nghĩ là con khóc chưa đủ lớn đâu, con phải khóc lớn hơn nữa đấy”. Thằng bé khóc nhỏ dần rồi nín hẳn.
“Mình sẽ không làm”
Tôi thắc mắc điều này với cô bạn, tại sao khi tôi càng khuyến khích con tiếp tục các hành vi sai trái, thì nó lại dừng ngay hành vi ấy; bạn tôi giải thích rằng: Khi con cái chúng ta có hành vi sai trái, nếu bố mẹ la rầy chúng, chúng sẽ nghĩ, lỡ rồi, đã vậy mình cứ sẽ tiếp tục, rồi bố mẹ sẽ thua mình thôi. Còn nếu chúng ta đe dọa chúng, có thể chúng sợ, nhưng vẫn tìm cách làm cho được điều chúng muốn. Nhưng khi chúng ta khuyến khích chúng tiếp tục các hành vi sai trái, chúng sẽ dừng ngay hành vi ấy lại vì chúng nghĩ rằng: “Mẹ muốn mình tiếp tục la hét, vậy thì mình sẽ không la hét nữa. Mình chỉ la hét khi mình muốn mà thôi”.
Cứ áp dụng cách của cô bạn, thật nhẹ nhàng, không mệt mỏi, không phải tỏ ra quyền lực với con, tôi vẫn có thể bắt con dừng ngay hành vi sai trái của bé lại.
Khi con có hành vi sai trái – Hãy khuyến khích con tiếp tục điều sai trái bé đang làm, bé sẽ dừng ngay lại. – Đừng chế giễu con sau khi bé đã dừng hành vi sai trái, kiểu như “Nín rồi à, rồi cũng phải chịu thua sao con?”. – Không nên hỏi bé rằng: “Bài học của con sau chuyện này là gì” sau khi bé đã dừng hành vi sai trái vì bé cũng đã biết suy nghĩ về những việc làm của mình rồi đấy. |
Theo Mẹ yêu bé
Bạn có đồng tình với phương pháp giáo dục này?