Cứ thoải mái mắc lỗi đi con nhé! - Tạp chí Đẹp

Cứ thoải mái mắc lỗi đi con nhé!

Sống

Trẻ không cố tình mắc lỗi

Con trẻ coi thế giới là sân chơi, và mọi thứ con chạm tay vào đều là thử nghiệm. Từ bữa ăn đến việc tắm rửa, đi ngủ hay mặc quần áo đều là những “trò chơi” mới lạ. Chính vì là những trò chơi nên khi bố mẹ muốn con làm theo cách này, con sẵn sàng làm theo cách khác. Thậm chí cố tình để ý xem bố mẹ làm cách nào, để còn làm ngược lại?! Con vui với điều đó, hạnh phúc và khôn ngoan hơn với điều đó, nhưng sẽ không ít lần con làm cho bố mẹ bực mình. Hãy thật bình tâm, để công nhận rằng con không hề cố tình mắc lỗi, không có lý do gì con trẻ ngây thơ, non nớt và trong trẻo như vậy lại bị bố mẹ phán xét là nào là: láo, hư, bướng… Hãy nhìn vào khía cạnh tích cực nhất của vấn đề, hạn chế la mắng và nhồi nhét vào đầu con những từ ngữ tiêu cực và quy chụp!

 

Trẻ cần được “mắc lỗi” trong môi trường an toàn

Một chị bạn của tôi đã chia sẻ trên facebook câu chuyện của con mình (4 tuổi) ở lớp mẫu giáo. Trong giờ chơi cháu bắc ghế, đu lên cánh cửa sổ trong lúc cô giáo không để ý, và cánh cửa sổ bị rơi ra. Rất may cháu không sao vì cánh cửa cũng khá thấp và kịp thời nhảy xuống. Cô giáo gọi điện, “mắng vốn” và nhắc mẹ cháu mang tiền đến nộp vì cô đã phải gọi thợ thay bản lề cửa sổ. Mẹ cháu kể cho bạn bè nghe, như một kỷ niệm vui về sự nghịch ngợm của con mình! Trong khi tôi lo lắng hỏi xem cháu có bị cô giáo phạt không, thì có một chị bạn khác lại bảo, lẽ ra nhà trường phải chịu trách nhiệm chứ, sao lại bắt mẹ cháu nộp tiền thay bản lề cửa sổ? Cửa sổ cho trẻ em mẫu giáo, lại ở tầm thấp, nghĩa là phải đủ an toàn, kể cả khi trẻ có trèo lên chứ. Chị bảo, trẻ con mà, việc gì chẳng có thể xảy ra! Nếu là chỗ con chị ấy đang học thì nhà trường có thể bị kiện vì đã lắp đặt những thiết bị thiếu an toàn cho trẻ!

Tôi ngạc nhiên trước điều chị ấy nói vô cùng. Quả là lần đầu tiên tôi được nghe lối suy nghĩ tiến bộ và tích cực đến vậy! Đúng là lũ trẻ có quyền được vui chơi thoải mái, trong môi trường lành mạnh và an toàn! Chứ không phải là ngồi thật im và đầy sợ hãi, để giữ cho cánh cửa sổ “hàng mã” khỏi bị rơi.

Mọi lỗi lầm của con đều đáng giá

Nếu coi sự trưởng thành của con là những bậc thang, thì những lần mắc lỗi được coi như những “bản nháp” giúp trẻ hoàn thành tốt hơn công việc của mình. Có thể trẻ sẽ phải nháp đi nháp lại nhiều lần, kỹ lưỡng hơn người khác, nhưng ai mà dám chắc kết quả sẽ tuyệt vời đến mức nào! Tôi biết sẽ khó nghe, nhưng thật ra, trẻ có quyền mắc lỗi, có quyền vi phạm quy định của nhà trường, có quyền làm trái ý bố mẹ, và có cả quyền… học dốt! Tôi không có ý định dung túng cho những sai trai, nhưng tôi cổ vũ trẻ thử nghiệm, để tự suy xét, cân nhắc về kết quả. Khi ấy, nếu tự soi chiếu những điều mình đã làm, kết quả đã đạt được với khả năng, sức lực của mình, trẻ sẽ bộc lộ rõ khả năng, phẩm chất, và sẽ lao động chân chính với những gì mình có. Thay vì loay hoay với bản thành tích “chưa bao giờ mắc lỗi” mà vẫn không nhận ra khả năng và thiên hướng thật sự của mình là gì.

 

Hồi bé, cô bạn tôi bị đúp, và mẹ bạn ấy tuyệt nhiên không hề mắng mỏ gì. Cô ấy bảo, nếu con gái cô ấy không hoàn thành năm học trong vòng 9 tháng như bạn khác, thì cứ cho thêm thời gian cũng được! Cách diễn đạt ấy nghe thật tuyệt, nó hoàn toàn không giống cái cách mà cô giáo chủ nhiệm tôi cay nghiệt rằng bị đúp là hình phạt nặng nề nhất, chứng tỏ đó là đứa trẻ “không bình thường”. Lớn lên, cô bạn tôi không theo nổi chương trình học phổ thông vì quá nặng với sức của cô ấy. Đặc biệt là môn tiếng Anh, cứ hễ vào lớp là cô ấy ngủ. Ngủ chán, cô thường khóc vì sợ khi bị cô giáo dạy môn tiếng Anh kỳ thị, phê bình. Trong lúc chúng tôi tung tăng đến các trường phổ thông thì cô ấy quyết định đến trung tâm giáo dục thường xuyên, học chương trình bổ túc. Cô ấy có nhiều thời gian rảnh hơn chúng tôi rất nhiều, và thường xuyên đi làm từ thiện, tham gia cứu trợ lũ chó, mèo bị người ta quăng bỏ. Mẹ tôi sẽ giết tôi nếu tôi có cái tư tưởng khác người lạ lùng kiểu đó, nên tôi chẳng để ý gì đến bạn của mình, lao đầu học hành và vào đại học.

Rồi tôi nghe tin bạn tôi được một giải thưởng lớn dành cho những người yêu động vật. Và trong lúc chúng tôi đang học tiếng Anh trầy trật thì bạn với khả năng ngoại ngữ tự học dã trở thành trưởng đại diện cho tổ chức yêu động vật ấy ở Việt Nam. Tôi và cả mẹ tôi rốt cục đã nhận ra rằng nên để bọn trẻ có quyền mắc lỗi, cũng như có quyền phản kháng tự nhiên với những gì mình cho là không hợp với mình!

Bài: Trúc An
logo

Xem thêm: Con là báu vật, cất kỹ tốt hơn khoe ra


Hãy gửi cho chúng tôi những tâm sự của bạn về chuyện gia đình, chăm sóc con cái tại đây, và đừng quên theo dõi những ý kiến chia sẻ của độc giả với bạn trên Đẹp Online nhé. 

Thực hiện: depweb

16/07/2014, 15:26