Câu hỏi khá nhạy cảm của Đại biểu Đỗ Văn Đương đước 2 Bộ trưởng trả lời tương đối thoải mái. Ảnh: TTXVN
Chuyện giá xăng giảm 500 đồng chiều qua được đại biểu của đoàn TPHCM bất ngờ “cập nhật” trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương sáng 12 – 11. Nhắc lại chuyện giá xăng giảm liên tục 3 lần trong thời gian Quốc hội họp kỳ trước, đại biểu này đặt câu hỏi phải chăng 2 vị Bộ trưởng Công Thương và Tài chính đã “linh hoạt” điều chỉnh giá xăng ngay trước thềm phiên chất vấn tại Quốc hội.
Câu hỏi này làm bất ngờ khá nhiều đại biểu có mặt tại hội trường cũng như bản thân người trả lời là Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Dẫu vậy, sau khi trả lời một loạt các chất vấn khác của đại biểu, người đứng đầu ngành Công Thương vẫn tiếp cận câu hỏi tưởng như khá nhạy cảm này một cách tương đối thoải mái.
Theo Bộ trường, việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện theo Nghị định 84 cũng như diễn biến giá thế giới. Do vậy, việc giảm giá, theo ông chỉ là một sự trùng hợp, giá thế giới giảm trước khi Quốc hội tiến hành phiên chất vấn. “Với trách nhiệm chính trị cũng như điều hành, tôi tin rằng không có động thái linh hoạt ở đây”, ông Hoàng nói.
Được phân công phát biểu thêm, người đồng nhiệm của Bộ trưởng Công Thương tại Bộ Tài chính – Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng khá vui vẻ khi trả lời câu hỏi này.
Ông Huệ cũng thừa nhận sự trùng hợp khi tại kỳ họp trước của Quốc hội, giá xăng cũng giảm 3 lần.
“Đúng là cứ Quốc hội họp, giá xăng lại giảm. Anh em trong tổ điều hành giá cũng nói vui là giá Quốc hội họp suốt thì khỏe”, người đứng đầu ngành tài chính nói.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng tái khẳng định là không có chuyện “linh hoạt” ở đây, cơ quan điều hành chỉ thực hiện theo tư tưởng “ngay khi giảm giá được thì giảm ngay”. Riêng với lần điều chỉnh giá lần này, ông cho biết do giá thế giới giảm trong thời gian qua, nên giá bán lẻ trong nước đã có cơ hội giảm, cùng với việc hạ mức trích quỹ bình ổn để bù lỗ cho xăng dầu.
Phần trả lời của 2 Bộ trưởng, sau đó được Quốc hội – Nguyễn Sinh Hùng bình luận “may mà không hiểu nhầm câu hỏi của đại biểu”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, ý của đại biểu Đỗ Văn Đương là hỏi vui, nhưng cũng là cơ hội để cơ quan quản lý khẳng định việc điều hành giá là đúng với các quy định hiện hành.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trong phiên chất vấn sáng 12/11, nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự quan tâm tới lộ trình sửa đổi Nghị định 84.
Theo Bộ trưởng Công Thương, các cơ quan soạn thảo đã có tổng kết việc thực hiện nghị định và báo cáo với 2 Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và Vũ Văn Ninh. Trong phiên họp tháng 12 sắp tới, Bộ Công Thương và Tài chính sẽ báo cáo việc tổng kết này trước Chính phủ và đề xuất hướng chỉ đạo.
Liên quan đến vấn đề tạm nhập – tái xuất xăng dầu, theo báo cáo của Bộ trưởng Công Thương và Tài chính, đây là hoạt động bình thường và không bị cấm ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian qua, đây là hoạt động bị nhiều doanh nghiệp lợi dụng, “nhập rồi nhưng không xuất hết, để lại tiêu thụ trong nước”.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, tổng lượng xăng dầu chưa xuất, còn tồn lại ở Việt Nam hiện chiếm khoảng 15% tổng tiêu thụ xăng dầu cả nước (ước khoảng 15 triệu tấn, m3 một năm). Đại diện cơ quan quản lý cho biết đang tiến hành nhiều biện pháp, sửa đổi các quy định để hạn chế tình trạng gian lận, trốn thuế của các doanh nghiệp.
Một vấn đề khác cũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm là thông tin kết quả kiểm toán năm 2011 tại Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) cho thấy lỗ lớn nhưng lương thưởng vẫn cao.
Bộ trưởng Công Thương cho biết, chưa nhận được báo cáo kiểm toán này qua đường chính thức mà chỉ nghe thông tin trên báo chí. Tuy nhiên, trong phần báo cáo thêm theo đề nghị của Chủ tịch Quốc hội, Tổng kiểm toán Đinh Tiến Dũng cho biết đã phát hành báo cáo và gửi Bộ Công Thương: “Có lẽ do văn bản này mới quá nên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chưa nhận được”, ông giải thích.
Về kết quả cụ thể, Tổng kiểm toán cho biết năm 2011, Petrolimex lỗ 1.423 tỷ đồng. Riêng khối kinh doanh xăng dầu lỗ 2.358 tỷ, trong đó xăng lỗ 1.814 tỷ. Các hoạt động kinh doanh khác lãi 935 tỷ đồng. “Lương bình quân tại tập đoàn là trên 6 triệu đồng một người một tháng. Tuy nhiên, vấn đề mà dư luận quan tâm có lẽ là lương của lãnh đạo tập đoàn”, Tổng kiểm toán nhận định.
Theo báo cáo, năm 2011, lương bình quân của chủ tịch tập đoàn là 58 triệu đồng một tháng, ủy viên hội đồng quản trị là 42 triệu đồng, trưởng ban kiểm soát là 41 triệu và phó tổng giám đốc là 40 triệu. Tuy nhiên, mức lương này cũng đã giảm khá nhiều so với mức trung bình của năm 2010 (năm Petrolimex có lãi). Năm đó, lương của Chủ tịch Hội đồng quản trị là 70,7 triệu đồng, trong khi 3 vị trí còn lại đều nhận 54,9 triệu đồng một tháng.
Theo VnExpress