Cứ chờ Lý Nhã Kỳ kể về… phim ở Cannes

Chị cũng cho biết, cứ chờ Lý Nhã Kỳ kể về phim ở Cannes mà không thấy

Cannes thì lúc nào chả… hot

– Khi dư luận đang rối rắm với từ khóa hot “Cannes”, thì dường như Hoàng Điệp cũng đang “sốt” trở lại với “Đập cánh giữa không trung”, khi bộ phim này lần nữa được giới thiệu trở lại với công chúng. Và quan sát thì thấy, cứ có phim là Hoàng Điệp như tràn sức sống, sau những ngày ủ rũ! Điều này diễn ra thế nào, trong chị?

– Vâng, phim làm mình tươi cũng làm mình héo được, làm mình tròn đầy cũng khiến mình méo mó được. Ngày mỗi ngày tôi nhận ra tôi và cảm xúc bản thân lệ thuộc hơi quá vào phim ảnh. Và lệ thuộc thì thật ra khó có thể nói rằng tốt lành, hạnh phúc.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp

“Đập cánh…” trở lại cũng âm thầm thôi, tôi thử một cách khác, thay vì lao vào hệ thống rạp chính, thay vì truyền thông quảng bá theo đúng chuẩn, thay vì nhiều “rì viu” chia sẻ của những người nổi tiếng… Giờ thử đưa một phim cũ đến với công chúng theo kiểu bán hàng online đơn giản, tiết kiệm nhất xem sao. Tôi phát hiện ra là… phim của mình cũng không khó bán vé và cũng không kén khán giả lắm!

– Nếu mà Điệp không làm phim, thì bây giờ… Điệp có gì?

– Chắc tôi “chết” lâu rồi, hay nói văn hoa như trên Facebook vẫn thường gặp: sống đến 75 mà đã chết từ thuở 25.

– Chị say sưa để “đập cánh” trở lại, vậy chị có nghe ngóng được về từ khóa đang “hot” với cư dân mạng là “Cannes” không? Chị thấy có điều gì đặc biệt về sự “hot” của từ khóa này ở Việt Nam?

– Dạo này Facebook của tôi say sưa hơi nhiều thứ: tinh dầu, cá chết, xuống đường, “Soy Cuba” nữa… “Đập cánh giữa không trung” tôi ít đưa tin, vì tôi muốn thử chứ cũng không đặt mục đích nào rõ ràng cho việc quay lại này cả.

– Cannes thì lúc nào chả “hot”. Ở mình tôi thấy hơi nguội, chứ bạn bè trong giới làm phim ngoài biên giới, từ cuối tháng 4 đã nháo nhác “Can – Can”… Nó là sức hút toàn cầu, kiểu như Oscar vậy đó. Còn hỏi tôi thấy điều gì đặc biệt tại Việt Nam hả? Tôi thấy mọi người quan tâm hơn đến các hoạt động nghệ thuật mang tính toàn cầu. Tôi nhớ hồi mình đi học, chả biết LHP quốc tế nào luôn, mà mình học trường điện ảnh đấy nhé. Cannes lúc bấy giờ mấy ai biết nữa là quan tâm, Cành cọ vàng nghe oai oai, hay hay chứ chả phải ai cũng hiểu thực chất giải thưởng ấy cao quý thế nào, xác lập vị trí cho nhà làm phim và nền điện ảnh có nhà làm phim đó ra sao…

Báo chí quan tâm, truyền thông cũng bắt đầu chịu khó hiểu đúng về Cannes hơn, nhờ thế khán giả, độc giả cũng có những thông tin không vô bổ và sai lầm quá. Tất nhiên, cũng chưa được như ý ngay nhưng từ từ rồi sẽ tốt. Quan trọng là các cây viết cũng cố gắng tìm hiểu, học hỏi và đưa thông tin cập nhật cho người đọc chính xác một chút. Lắm khi, đọc một bài nào đó, tôi cứ bị cảm giác người viết như muốn nói: “Ôi, cái thằng Can í mà, tao chả lạ gì nó…”, rồi bắt đầu những chuyện râu ria, ngoài lề, theo lối tự trào mai mỉa rất ta đây. Như thế thật không nên, vì độc giả người ta cần hiểu đúng đã. 

Hoặc, lại có những nhóm thông tin đưa nhằm mục đích quảng bá, quảng cáo quá liều, người viết cũng không có ý định đưa tin chính xác mà cứ theo đà kể những chuyện rất xa và rất sai. Tôi đọc xong cũng buồn, tại vì hiểu sai cái gì thường thiệt thòi và để lại hậu quả khó lường lắm, nhất là hiểu sai về Cannes.

Hãy tưởng tưởng mai này, một phim của ta đến Cannes, công chúng lại trót bị đầu độc sai từ trước, họ lại: “Muốn vào Cannes khó gì đâu – cứ rót tiền vào là có giải”; Hay: “Ối xời, nó lừa đảo đấy, ban tổ chức có thèm chụp ảnh nó đâu, có cho nó xe ô tô đâu”. Trong vòng quay đó, những nhà báo thật, họ lại chán, họ chả muốn tham gia viết nữa, họ cũng chán không muốn cải chính thông tin sai nữa… thế là thôi, chợ được đà, “gà vịt” cứ tha hồ “cục tác”. Chỉ có nhà làm phim, người yêu điện ảnh và công chúng là thiệt, thiệt đủ đường.

Rượu bia hay đồ lót mời đến Cannes cũng là… cơ hội

– Kể ra thông tin về Cannes của mình cũng thay đổi liên tục trên báo chí đó chứ, từ thời đến Cannes nhờ tài trợ, đến nay thì đã có hẳn nhà tài trợ cho Cannes đấy!

– Ngày xưa, mọi người cứ lên án các nghệ sĩ mình đến Cannes nhờ hãng rượu bỏ tiền, tôi lúc ấy thì chả là ai nên có bênh vực hoặc nói ý kiến của mình chắc cũng chả tác động gì đến chung chung. Nhưng tôi vẫn nói, vì tôi nghĩ, nghệ sĩ có tự trọng, thì rượu hay bia hay đồ lót mời đến Cannes cũng là cơ hội hay cả, vì sao ư, ít nhất để biết nó thực chất thế nào. Và họ sẽ kể lại cái thực chất đó dưới nhãn quan của họ. Chứ chúng mình, có phải lúc nào cũng tự nhiên lại tạt qua Cannes? Nên nghệ sĩ mình, dù bạn đến chỉ để du lịch, dạo chơi, chụp vài tấm kỉ niệm, cũng tranh thủ “kể” về Cannes một chút, miễn là kể trung thực chứ lại mải hư cấu thì đúng là chỉ làm mọi chuyện nhiễu sóng thêm.

Lý Nhã Kỳ trong bộ ảnh giới thiệu các bộ trang phục cô chuẩn bị để đến Cannes

Mà tôi cũng thấy lạ, chuyện chính của Cannes thì rất ít, nhưng chuyện váy vóc sao cứ ồn ào? Chả hạn là các bạn diễn viên có vì vui quá khoe về chuyện mình mặc váy ra sao, tờ báo có thể không đăng mà? Hoặc đăng ít thôi chẳng hạn? Đằng này… như chuyên mục dài kì – như “đặc sản” của tờ báo.

Ví dụ nhé, hôm trước đọc báo thấy bạn Lý Nhã Kỳ xinh đẹp lộng lẫy ở Cannes, tôi chỉ quan tâm mỗi việc bạn ấy đến xem phim abc thì phim đấy của đạo diễn nào, khi xem phim bạn ấy thấy sao? Vì mình không được xem thì mình hóng lắm. Đằng này, suốt cả tuần, chả ai đưa tin về những bộ phim ở Cannes, cứ quanh quẩn chuyện vẻ đẹp thanh tao gần hở ngực, bộ váy táo bạo, ai được ban tổ chức dọn thảm nhiều hơn ai, sao phóng viên không hướng ống kính vào… Và dạo này còn có mốt là cứ có anh Tây nào chĩa máy vào chụp thế là thành “truyền thông quốc tế” săn đón quan tâm. Tôi thấy như vậy không nên đâu (ý tôi nói các tờ báo đăng bài ấy).

– Chị từng chia sẻ, đến Cannes là mang những vali tiền đến đó để… đốt. Nhưng cũng ở đó, chị đã tìm thấy nguồn tiền đầu tư cho “Đập cánh giữa không trung”. Kỷ niệm đặc biệt của chị về những lần xuất hiện ở Cannes liên quan thế nào trong việc làm nghề?

– Tôi có nhiều việc phải làm phải nhớ quá nên thú thật Cannes không chiếm vị trí đặc biệt trong bộ nhớ của tôi. Nhưng tối qua, khi chiếu “Đập cánh giữa không trung” trở lại, tôi có nói mình phải cảm ơn Cannes, vì đó là LHP quốc tế đầu tiên của tôi (2010), là Hội chợ dự án quan trọng nhất với “Đập cánh…” (2012). Và từ Cannes, quả thực những gì “Đập cánh…” cần đều đến rất nhanh chóng. Nhanh chóng đến nỗi, từ bấy đến giờ, La Fabrique du Monde thường xuyên mời tôi quay lại để làm trường hợp báo cáo điển hình (2013). Tôi đang kể lại thông tin chứ không khoe gì đâu nhé.

– Nếu bây giờ hỏi: Chúng ta có gì ở Cannes (đặt trong sự so sánh với các nước Đông Nam Á), thì theo chị, Việt Nam có gì và thứ đang có ấy khiến chị nghĩ gì?

– Mình chưa có gì.

Việc đó khiến tôi nghĩ rằng các nhà làm phim nên quên Cannes đi và vui sống. Làm phim mà cứ nghĩ chăm chăm trong đầu phải đến Cannes, không có phim ở Cannes thì là quá là xấu hổ tôi thấy không ổn tẹo nào. Phim ảnh phải bắt nguồn từ những gì trong sáng và thuần khiết nhất, không thế, chúng chỉ là những thứ na ná như phim.

– Chị từng kể, đến Cannes lần thứ hai vẫn mặc lại nguyên chiếc áo dài lụa đỏ – cổ thuyền mà chị đã mặc đến đó lần thứ nhất, khi nhận giải thưởng cho “Bi, đừng sợ”. Thậm chí, chị còn nghĩ đến việc… bán tóc. Vậy nhìn những người nổi tiếng Việt Nam xuất hiện trong những bộ đầm hàng hiệu ở Cannes hiện tại, chị có… chạnh lòng?

– À, chuyện bán tóc thì tôi nói đùa thôi. Còn chuyện váy áo, hồi đó cũng ngây thơ và hơi sĩ diện buồn cười. Bạn bè tôi cũng nhiều người chơi với các nhà thiết kế, váy áo đẹp cũng nhiều, nhưng tính mình cũng dở dở, lúc ấy cứ nhủ, thôi, đi mượn thì ngại chết, làm thế người ta cười cho. Tôi thì chỉ thích áo dài, váy dài thanh lịch, chứ hàng hiệu… tôi thích ngắm thôi.

– Chị nghĩ thế nào về sự khác biệt của nhà sản xuất – đạo diễn và các ngôi sao khi xuất hiện ở chốn phù hoa ấy?

– À, tại chị quen nhìn đạo diễn nhà quê như tôi nên chị mới hỏi thế, chứ thực ra đạo diễn hay các nhà sản xuất quyền lực cũng “ngôi sao” lắm. Trông họ cũng chả khác các cô đào nổi tiếng là mấy đâu, cũng long lanh trên thảm, cũng paparazi rình rập khắp nơi, cũng mọi nơi săn đón chào mời….

Mà ở Việt Nam mình, thế hệ đạo diễn mới thành danh giờ cũng “bóng mướt lắm”, đi cạnh họ nhiều khi tôi còn phải tự hỏi, họ là diễn viên hay người mẫu ấy nhỉ. (cười)

– Chị có tin vào những thông tin kiểu: sao Hoollywood đến Cannes để làm gái mại dâm?

– (Cười). Tôi nghĩ tin hay không có gì quan trọng đâu. Tôi thấy mình nên nhìn vào những gì cốt lõi của Cannes. Hãy giúp và góp phần để công chúng nhìn vào điện ảnh, yêu điện ảnh chứ đừng khiến liên hoan phim danh giá bậc nhất thế giới này trở thành nơi xô bồ, đàng điếm, dối trá, phét lác, chỉ cần tiền là được hết, như những ngày gần đây!

Bài: Thục Khôi

Ảnh: Đẹp, Nhân vật cung cấp


logo


From the same category