Cụ bà gần 100 tuổi vẫn "lướt" Facebook, làm thơ, viết sách, yêu đời - Tạp chí Đẹp

Cụ bà gần 100 tuổi vẫn “lướt” Facebook, làm thơ, viết sách, yêu đời

Sống

Cụ kể rằng, từ khi còn nhỏ cụ đã thích văn học. Cụ được đọc vô số sách Đông Tây kim cổ. Tên của những cuốn thơ, tiểu thuyết hay các tác giả nổi tiếng cũng được cụ đọc lên vanh vách. Tình yêu đối với văn học của cụ được nuôi nấng qua những năm tháng khó khăn nghèo đói, tự học chữ, tự sưu tầm nâng niu khi có được một cuốn sách hay, một mẩu truyện đẹp. 

cụ bà,hiện đại,facebook,cụ Lê Thi,tiểu thuyết Ngược dòng,những người mẹ đặc biệt

Niềm vui luôn ánh lên trong đôi mắt của cụ mỗi khi nhắc đến nghệ thuật

Là người phụ nữ sinh ra trong một gia đình phong kiến đông anh chị em, cụ bảo rằng mình thích học nhưng lại không được đi học, thích viết văn nhưng ước mơ văn chương lại từng bị xé vụn và bị coi là nhảm nhí bởi người anh cả gia trưởng. Cho đến năm 2010, cuốn tự truyện “Ngược dòng” của cụ được NXB Lao Động xuất bản mới chính thức biến giấc mơ văn học của cụ thành hiện thực. Cũng chính cuốn tự truyện này là động lực cho cụ tiếp xúc với máy vi tính và những phương tiện truyền thông hiện đại. Cụ lý giải: “Ấy là do tuổi cao sức yếu, vì tay đã quá run, nếu không gõ máy tính thì những chữ viết ra sẽ không ai đọc được”.

cụ bà,hiện đại,facebook,cụ Lê Thi,tiểu thuyết Ngược dòng,những người mẹ đặc biệt

Cuốn tiểu thuyết “Ngược dòng” chính là động lực khiến cụ tiếp cận với máy vi tính và Internet

Cách đây chừng mười năm, báo chí viết về cụ như một “hiện tượng lạ”, một câu chuyện hy hữu về một cụ bà hơn 80 tuổi không qua một trường lớp nghệ thuật nào lại có thể vẽ được những bức tranh rất sinh động và có hẳn một triển lãm của riêng mình. Và rồi gần đây, công chúng lại có dịp thấy cụ trên khắp các trang tin, lại ngạc nhiên trước sự thức thời của cụ đối với máy vi tính và internet. 

Yêu nghệ thuật bất kể tuổi tác


Trên nhiều trang báo, người ta viết về “cụ bà U100 lướt Facebook chém gió khiến con dâu bái phục”, có người thì gọi cụ là “bà già xì teen”, “bà còng hiện đại”…


Có lẽ, yếu tố khiến cụ trở nên “nổi tiếng” bất ngờ giữa thời đại công nghệ số này cũng bởi cái chất “tân tiến” có trong con người cụ. 

Trong căn phòng nhỏ của cụ ở còn một buồng riêng chất đầy những bức tranh, bảng màu, cọ vẽ và một cái ghế. Cụ cười đùa và bảo: “Người ta đứng để vẽ nên dùng giá còn tôi thì lưng còng rồi nên dùng ghế để ngồi”

Quả thực, không ai có thể tin nổi những bức tranh tươi sáng có hồn kia lại được thực hiện theo một cách hết sức đặc biệt như vậy. Cụ dùng hai chiếc ghế sắt làm điểm tựa, đặt bức tranh lớn kê vào một cái bục gỗ bên dưới, nhoài tấm lưng còng để đưa từng nét cọ vào tấm toan rộng lớn. Khi được hỏi tại sao không học qua một trường lớp nào, cụ lại có thể biết cách pha màu và tưởng tượng ra những hình khối chân thực đến vậy? Cụ chỉ mỉm cười, móm mém trả lời: “Tôi xem tranh, bắt chước và có khi vẽ nhiều rồi tự khắc mình sẽ biết cách phối màu, tạo khối”.

cụ bà,hiện đại,facebook,cụ Lê Thi,tiểu thuyết Ngược dòng,những người mẹ đặc biệt

Cụ sử dụng máy vi tính hàng ngày để đọc truyện online và xem tin tức

cụ bà,hiện đại,facebook,cụ Lê Thi,tiểu thuyết Ngược dòng,những người mẹ đặc biệt

Mỗi ngày, cụ đều dành thời gian để vẽ tranh

cụ bà,hiện đại,facebook,cụ Lê Thi,tiểu thuyết Ngược dòng,những người mẹ đặc biệt

Có những bức vẽ phải mất đến hàng tháng, thậm chí cả năm trời mới hoàn thành

Cụ nói rằng người ta dùng quá nhiều mỹ từ để nói về việc vẽ tranh và viết sách của cụ, “đam mê hay gì đó thật “quá”, tôi chỉ đơn giản là đang làm những gì mình yêu thích và thực sự muốn làm nó. Còn bây giờ có nhiều người lạ lắm, cái gì họ cũng thích nhưng lại chẳng biết mình thích gì. Hôm nay muốn làm anh họa sĩ, ngày mai muốn làm ông nhà văn, nhà thơ…”.

Những năm tháng một mình nuôi con

Sống qua gần một thế kỷ, cuộc đời của cụ đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Nếu cứ nhìn vào những nụ cười móm mém và hồn nhiên của cụ bây giờ, chắc hẳn rất ít người có thể tin được người phụ nữ này đã từng phải trải qua một cuộc đời sóng gió đến nhường nào.

Thời xuân sắc, cụ Lê Thi có một tình yêu đẹp và mối lương duyên hạnh phúc với một thầy giáo. Sau khi lập gia đình, vợ chồng họ sinh được một người con trai. Con ra đời chưa được bao lâu thì người chồng đột ngột qua đời sau một vụ ném bom. Bàng hoàng và hụt hẫng, người vợ trẻ đã có những năm tháng trầm cảm nặng nề. Cụ bảo, khi ấy chưa “hóa điên” nhưng dường như cụ đã mắc phải một hội chứng tâm thần, luôn cáu gắt và xua đuổi mọi người. Nếu không có đứa trẻ và tình yêu con vô bờ bến có lẽ cụ sẽ không thoát khỏi tình trạng ấy.

cụ bà,hiện đại,facebook,cụ Lê Thi,tiểu thuyết Ngược dòng,những người mẹ đặc biệt

Cụ đã dành những năm tháng trẻ khỏe nhất để chăm cho cho con, cho cháu

Một mình nuôi con khi cả đất nước đang chao đảo vì chiến tranh, cụ đã phải làm đủ nghề để kiếm sống từ dệt vải, đan lát cho đến bán hàng rong, việc gì cụ cũng không nề hà. Cụ tự nguyện chịu mọi nhọc nhằn, chỉ mong con mình được hưởng một cuộc sống no đủ và bình yên. 

Trong cuốn tự truyện “Ngược dòng” của mình, cụ kể rằng, đã từng có thời điểm, cụ bị hiểu lầm là “địa chủ”, bị giải đi và bắt để con cho người khác nuôi. Nhưng cụ đã bất chấp tất cả để có thể được ở bên con. Vừa làm cha, vừa làm mẹ, cụ nuôi nấng con trai trưởng thành, dựng vợ cho con. Và cụ vẫn tiếp tục lao động, mưu sinh cùng con cháu khi sức khỏe còn cho phép. Cụ kể: “Khi ấy nhà còn nghèo, con trai tôi còn đang đi bộ đội, tôi chuyển sang làm bánh gato. Tôi còn vừa làm bánh và làm thơ để tặng cháu nội…”.

Tôi là ai mà yêu quá cuộc đời này…



Cụ Lê Thi vui vầy cùng con cháu

Thuở hàn vi đã qua, giờ đây, cụ đã có thể sống những ngày tháng an nhàn, thảnh thơi bên con cháu. Con trai cụ giờ cũng đã ở tuổi về hưu, các cháu cụ ai nấy cũng đều trưởng thành và thành đạt. Nhưng có một điều chắc chắn họ sẽ luôn khắc sâu trong tim là sự biết ơn và tình thương bao la vô bờ bến với người mẹ, người bà nghị lực, tài hoa của mình. 

Cụ vẫn hay nói rằng:“Bí quyết để sống khỏe và minh mẫn đến tuổi này có lẽ bởi con người ta luôn luôn phải lao động cả chân tay lẫn trí óc và hơn hết là yêu lấy mọi thứ xung quanh. Vì tình yêu mà con người ta mới có thể vượt qua những khó khăn mà không buông bỏ cuộc sống. Tôi vẫn rất thích câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết và lấy đó làm câu nói về mình: ‘Ta là ai mà yêu quá cuộc đời này’…”

Bài: Hoàng Mỹ Hà

Ảnh & clip : Nhật Anh


logo


“Những người mẹ đặc biệt”

Họ là những người mẹ. Họ đặc biệt vì con họ đặc biệt. 
Đẹp đã vào bên trong cánh cửa những ngôi nhà đặc biệt để nghe những người mẹ kể về những câu chuyện hết sức “bình thường” về tình mẹ…
Con của họ là người của công chúng, từng ở đỉnh cao hay vực sâu của danh vọng, tiền tài, sự nghiệp.
Con của họ là đứa trẻ họ không dứt ruột đẻ ra nhưng họ chăm bẵm nâng niu còn hơn cả máu thịt của mình.
Con của họ có thể không may mắn, có thể lầm đường lạc lối, thất bại, ương ngạnh, nhưng ngôi nhà của họ luôn mãi là chốn nương náu bình yên nhất đối với các con sau mỗi cơn giông bão của cuộc đời.
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi hết đời lòng mẹ vẫn yêu con”


Các bài viết trong chuyên đề “Những người mẹ đặc biệt”:

* Mẹ cô giáo Hoàn trong Điều ước thứ 7: Sống và cười để mang lại nghị lực cho con

Mẹ bé Thiện Nhân: Các con sinh ra từ trái tim của mẹ

* Mẹ Ánh Hồng của “kình ngư” Ánh Viên: Đi bơi đi con nhé, nhưng rồi phải…lấy chồng!

Người ta gọi cụ là “Cụ bà U100 lướt Facebook chém gió khiến con dâu bái phục”, có người lại gọi cụ là “bà già xì teen”, “bà còng hiện đại”…

Thực hiện: depweb

27/06/2015, 11:01