CPI tiếp tục âm: Đối mặt suy giảm kép - Tạp chí Đẹp

CPI tiếp tục âm: Đối mặt suy giảm kép

Tin Tức

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành ví von nền kinh tế Việt Nam đang ở giữa mùa mưa bão, lũ lụt. Nếu tháng 6 CPI âm là báo động lũ cấp 1 thì giờ, CPI tháng 7 âm chính là hồi chuông báo động lũ cấp 2.

Và nếu như tháng 8, CPI lại âm, “thủy văn” của nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng báo động 3, là ở mức cao nhất. Giả sử như 3 tháng liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng tăng trưởng âm thì nghĩa là, nền kinh tế đã bị “lụt nặng”. Khi đó, cơn lũ này sẽ nhấn chìm mọi thành tựu nỗ lực kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng bền vững trước đây mà thay vào đó là khủng hoảng bắt đầu bùng phát.

Đây không phải là cái nhìn bi quan! Bởi tình trạng kinh tế đình trệ, khó khăn đã được cảnh báo suốt từ đầu năm nay vẫn không được khắc phục: sức mua cạn kiệt, doanh nghiệp vẫn phá sản, đóng cửa nhiều, sản xuất tiếp tục đình đốn, tồn kho cao, người lao động mất việc làm, các gia đình không có thu nhập… và hệ lụy lớn nhất là an sinh xã hội bị xáo trộn.

 

Sản xuất đình đốn, ách tắc đầu ra khiến giá giảm (ảnh mang tính minh họa: P.H)

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, ở các nước khác, nền kinh tế với những biểu hiện và nguy cơ trên thì nhà nước sẽ cần có biện pháp cần thiết để chống suy thoái, chống khủng hoảng chứ không đơn giản là chống giảm phát.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng bày tỏ sự lo lắng tương tự. Ông nói: “Cái gốc của việc CPI giảm liên tiếp như vậy không phải là nhờ mỗi chính sách kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết 11 hay gói cứu trợ doanh nghiệp ở Nghị quyết 13 được phát huy tác dụng. Bản chất giá giảm ở đây vẫn là câu chuyện hàng tồn kho rất lớn, sức mua của dân cạn kiệt, chi phí lãi vay cao… Vấn đề báo động tiếp theo là khả năng tăng trưởng kinh tế cũng suy giảm so với cùng kỳ nhiều năm.”

Theo phân tích của ông Ngô Trí Long, giả sử CPI giảm nhưng tăng trưởng kinh tế GDP vẫn giữ vững thì không đáng lo, đó là kết quả đáng mừng, giá giảm có lợi cho dân. Nhưng CPI giảm liên tiếp và đồng thời GDP cũng giảm như tình hình 6 tháng đầu năm thì đây chính là hiện tượng giảm phát.

“Giảm phát còn nguy hiểm hơn cả lạm phát. Đã là giảm phát thì sớm muộn trước sau gì nền kinh tế cũng sẽ khủng hoảng. Rõ ràng, việc kinh tế đang rơi vào suy giảm kép là sự thật không thể phủ nhận”, ông Long nhấn mạnh.

Lúc này, các nhà hoạch định chính sách phải sớm suy nghĩ xem, làm thế nào để ngăn chặn được đà suy giảm này một cách thực sự. Gói cứu trợ 29.000 tỷ đồng đang triển khai dường như không “thấm tháp” được gì so với tình trạng hấp hối của DN cũng như đồng thu nhập của các gia đình đang ngày càng eo hẹp.


Đâu là đáy?

Là Chủ tịch Hiệp hội các siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú nắm rõ như lòng bàn tay về sức mua suy kiệt trong nhiều tháng qua. Vì thế, CPI tháng 7 tiếp tục giảm không có gì bất ngờ và vẫn là lo nhiều hơn mừng. Theo ông Phú, vấn đề căn cơ nhất hiện nay là phải hồi phục sức mua đang cạn kiệt, giúp DN giải phòng hàng tồn kho bằng cách phải đẩy cầu lên, giải quyết thu nhập, công ăn việc làm cho người lao động.

“Gói cứu trợ 29.000 tỷ đồng của Chính phủ chỉ là “mồi”, không giải quyết được vấn đề cốt lõi khó khăn của doanh nghiệp. Vì kinh doanh có lợi nhuận đâu thì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất còn có ý nghĩa gì?” ông Phú nói.

 

Chỉ số giá tiêu dùng đang giảm sâu (ảnh: theo Tổng cục Thống kê)

Kiến nghị cụ thể của vị chuyên gia kinh tế này là Nhà nước cần hạ ngay thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, hạ lãi suất, đồng thời, kiểm soát giá các mặt hàng độc quyền như điện, xăng dầu.. của DNNN. Trách nhiệm trong câu chuyện này nằm chính ở việc điều hành kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp chỉ đóng góp một phần.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành thẳng thắn chỉ trích: gói 29.000 tỷ đồng là giải pháp tài khóa của Chính phủ, chỉ có giảm thuế, giãn thuế và tác dụng với một số DN còn hoạt động được. Nhưng giờ, có hàng chục nghìn DN dừng hoạt động, đang sống dở, chết dở thì Chính phủ vẫn không có giải pháp nào để vực dậy, hồi sức. Một lực lượng lớn DN gần như đã bị loại ra khỏi đợt giải cứu này và do đó, 29.000 tỷ không giúp gì cho nền kinh tế thoát khỏi suy thoái, hồi phục phát triển.

Theo ông, cuối đường hầm giờ vẫn chưa thấy có ánh sáng. Khi doanh nghiệp không tiếp cận nguồn vốn lãi suất giảm, không trả nợ được ngân hàng, chi phí sản xuất kinh doanh cao, hàng tồn kho không xả ra được thì mọi thứ đều tắc, không giải quyết được.

Chuyên gia Thành đề nghị, lãi suất cho vay cần phải hạ thấp hơn nữa, đưa về mức 6-7% và phải ổn định trong vòng ít nhất 3-5 năm. Trong bối cảnh nợ xấu cao, việc Ngân hàng Nhà nước chỉ đưa ra khuyến nghị mang tính tự giác cho các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay đối với nợ cũ về 15% là không khả thi. Theo ông, Ngân hàng Nhà nước cần làm đúng vai trò là một ngân hàng Trung ương, có thể cho các ngân hàng thương mại vay với lãi suất thấp 2-3%, các ngân hàng sẽ dùng cho vay lại với lãi suất 6-7%. Doanh nghiệp cần phải được tạo điều kiện cho vay “đáo nợ” một cách chính đáng, vay mới lãi suất thấp để trả nợ cho vay cũ lãi suất cao.

Dù nền kinh tế suy giảm nhưng Chính phủ cũng không nên dùng tiền ngân sách, kích cầu hỗ trợ lãi suất tới 4% như năm 2009 mà hoàn toàn có thể cứu doanh nghiệp, giải phóng sản xuất bằng những công cụ tài chính hoàn toàn theo mang tính kinh tế như trên.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, cứu DN chính là giải pháp trong ngắn hạn trước mắt cần thiết nhất. Song để khắc phục tình trạng khó khăn kép, tránh vòng luẩn quẩn cứ 2 năm lạm phát cao, 1 năm lại giảm phát thì cần có chính sách vĩ mô lâu dài hơn.

Như các chuyên gia kinh tế chia sẻ, lúc này Chính phủ cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã chạm đáy, đã qua thời kỳ khó khăn nhất thì có lẽ là quá lạc quan. Nếu khẳng định nền kinh tế chưa có gì đáng lo ngại, nhà quản lý nhìn về tương lai đầy màu hồng và chủ quan trong điều hành thì nền kinh tế sẽ còn chịu những hệ lụy lớn hơn.

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

25/07/2012, 07:51