COVID-19​ có thể kéo theo một làn sóng bệnh nhân gặp rối loạn tâm thần

Các nhà khoa học cho biết cứ 3 bệnh nhân bình phục sau khi mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thì có 1 người bị chẩn đoán mắc các rối loạn chức năng não hoặc tâm thần trong vòng 6 tháng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock.com)

Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Lancet Psychiatry ngày 6/4, các nhà khoa học cho biết cứ 3 bệnh nhân bình phục sau khi mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thì có 1 người bị chẩn đoán mắc các rối loạn chức năng não hoặc tâm thần trong vòng 6 tháng.

Phát hiện này cho thấy dịch COVID-19 có thể dẫn tới một làn sóng mắc các vấn đề về tâm thần và thần kinh trong thời gian tới.

Đó là kết quả một nghiên cứu với 236.379 bệnh nhân, hầu hết là người Mỹ. Có tới 34% bệnh nhân gặp chứng suy nhược thần kinh hoặc tâm thần trong vòng 6 tháng.

17% người mắc chứng lo lắng và 14% gặp tình trạng rối loạn cảm xúc. Những rối loạn này phổ biến ở bệnh nhân COVID-19 hơn nhiều so với các nhóm người từng mắc cúm hoặc các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp khác trong cùng thời gian nghiên cứu, chứng tỏ bệnh COVID-19 có một tác động đặc biệt. Tuy nhiên, các rối loạn trên không xuất hiện ở bệnh nhân thể nhẹ sau phục hồi.

Các nhà nghiên cứu cho biết hiện chưa rõ virus SARS-CoV-2 có liên hệ như thế nào đến các điều kiện tâm thần như sự lo âu và suy nhược, nhưng đây là những chẩn đoán phổ biến nhất trong số 14 loại rối loạn mà họ nghiên cứu.

Ngoài ra, trong số các bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tích cực, 7% bị đột quỵ trong vòng 6 tháng và gần 2% được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ.

Các nhà nghiên cứu cho biết những trường hợp đột quỵ, mất trí nhớ và các rối loạn thần kinh khác sau khi mắc COVID-19 hiếm thấy hơn, nhưng vẫn đáng kể, đặc biệt ở những người từng mắc bệnh này ở thể nặng.

Giáo sư tâm thần học tại Đại học Oxford, đồng chủ nhiệm nghiên cứu trên, ông Paul Harrison cho biết: “Dù các nguy cơ mắc các rối loạn phổ biến nhất đối với từng cá nhân là nhỏ, nhưng tác động trên quy mô toàn dân số có thể là lớn.”

Về phần mình, Max Taquet, một chuyên gia tâm thần học khác cũng thuộc Đại học Oxford, làm việc cùng Giáo sư Harrison, cho biết nghiên cứu trên chưa thể kiểm tra các cơ chế sinh học hoặc tâm lý học liên quan, nhưng cần có nghiên cứu thêm để xác định các cơ chế này “nhằm phòng tránh hoặc điều trị.”

Các chuyên gia y tế ngày càng lo ngại nguy cơ cao mắc các rối loạn về não bộ và sức khỏe tâm thần ở các bệnh nhân COVID-19 đã bình phục. Một nghiên cứu trước đó của cùng nhóm chuyên gia trên hồi năm ngoái đã phát hiện rằng có tới 20% bệnh nhân phục hồi mắc phải rối loạn tâm thần trong vòng 3 tháng.


From the same category