Cover nhạc ngoại và bản lĩnh ca sỹ

Hát nhạc ngoại là chuyện… xưa như Trái đất, bàn lui bàn tới vẫn là những phàn nàn về việc không biết ngoại ngữ mà dám hát, hoặc phát âm sai be bét… Mà bây giờ, phong trào hát nhạc ngoại cũng dần… trôi vào quên lãng. Nhân dịp năm mới, ngồi ngẫm lại chuyện xưa, để khơi lại “một thời oanh liệt” nhạc ngoại trên đất Việt mà tránh gây nhàm chán cho quý độc giả, xin được bàn về một khía cạnh khác: thể loại âm nhạc các ca sĩ của chúng ta lựa chọn để hát lại (cover) và cover như thế nào.
 
Hương xưa

Là loại nhạc dễ hát và dễ được chấp nhận nhất, bởi từ tuổi trung niên đến hoa niên, ai chả biết mấy bài của Abba hay The BeeGees, The Carpenters… Dạo một vòng quanh các phòng trà, thấy ngay từ ca sĩ có chút tên tuổi đến người vô danh đều chủ yếu hát những ca khúc country pop hoặc rock nhẹ quen thuộc: “Sealed with a kiss”, “Scaborough Fair”, “Words”… Phải nhận định rõ, mục đích ca hát chính của dạng ca sĩ phòng trà là kiếm sống, cat-sê không cao, không có điều kiện (thời gian, tiền bạc, tài năng) đầu tư cho một tiết mục. Vì vậy, không hy vọng gì nhiều đến việc đổi mới hay sáng tạo ở họ. Chỉ mong họ hát tròn bài, không sai nhạc, không mắc lỗi phát âm (lỗi vẫn đầy) là tốt lắm rồi.

Không thể không nhắc đến một mảng ca khúc đã gắn bó khá sâu đậm với người yêu nhạc: ca khúc Pháp. Hiện tại, tiếng Pháp không còn thông dụng, ca sĩ hát nhạc Pháp cũng hiếm hoi. May ra còn Thanh Hoa vẫn biểu diễn thường xuyên tại 2B với phong cách gợi nhớ đến Thanh Lan ngày xưa, hát những “Maman”, “Oh mon amour”, “La Maritza”… nhẹ nhàng ngọt ngào. Cũng có thể tìm đến phòng trà Lido trên đường Phạm Ngũ Lão – Q.1 để nghe tay guitar vừa đàn vừa hát “Mal”, “Sans elle”, “Comme toi”… bảo đảm ra chất Pháp, không nửa Tây nửa ta “giả cầy” như Mỹ Tâm hay Quang Dũng.

Một thể loại mà ở Việt Nam hiện hiếm có ca sĩ trẻ nào dám hát vì… khó quá: Jazz! Trước, Trần Thu Hà, Thu Hồng… và một số ca sĩ trẻ Hà Nội từng đeo đuổi jazz nhưng rồi cũng từ bỏ vì cho rằng không có tương lai (điều hiển nhiên). Lạ là ca sĩ chỉ hát jazz cổ điển, không “Misty” thì cũng “Lullaby of birdland”, “The girl from Ipanema”… mà chẳng hề thấy bóng dáng ca khúc jazz hiện đại nào. Nhìn lui đếm tới, ca sĩ jazz nổi danh chỉ thấy mỗi Tuyết Loan hằng đêm chạy show từ Tiếng Tơ Đồng qua 2B và vài bar của các khách sạn lớn, bây giờ chỉ còn hát ở mỗi Sax’n’Art của saxo Trần Mạnh Tuấn, chuyên trị Frank Sinatra với những “Come fly with me”, “New York New York”, “Sway”… hoàn toàn mang tính chuẩn mực, không sai một nốt nhạc với phong cách rất xứng danh… Jazzlady. 
 
Phong cách diva

Một dạo, ca sĩ nữ toàn “đụng hàng” nhau khi phong trào hát lại những ca khúc nổi tiếng của các diva thế giới nổi lên rầm rộ. Được chăm sóc nhất là hits của Whitney Houston, Mariah Carey, Céline Dion và Toni Braxton. Chuyện bình thường khi cách đây mấy năm, ở phòng trà, bạn vừa nghe Khánh Du trình bày “To love you more” thì nửa tiếng sau, Thu Minh sẽ biểu diễn lại chính ca khúc ấy (chương trình hằng đêm ở phòng trà thông thường không được biên tập, ca sĩ chạy sô không biết đồng nghiệp trước mình đã hát bài gì).

Trên sân khấu lớn, Mỹ Tâm và Thu Phương cũng thi nhau xem ai hát “To love you more”… to hơn và giống Céline Dion hơn. Đáng khen (!) là tất cả đều hát … y chang Céline Dion (tất nhiên không thể hay bằng), không một chút sáng tạo, hòa âm thì lấy lại từ bản gốc. “Chuyên gia” về Whitney Houston có thể kể đến Phi Thúy Hạnh cover khá tốt tuy có vẻ lên gân quá, hét nhiều hơn hát. Thu Minh sôi động với “Queen of the night”, xúc cảm với “All by myself” nhưng chưa thấy được cá tính riêng.

Nói vậy để nhớ về một Hồng Hạnh ngày xưa hát “I wanna dance with somebody” rất tuyệt, không dẫm lên bước chân Whitney. Trần Thu Hà hát lại “My all” và “My heart will go on” tinh tế, khác biệt. Thanh Lam càng tuyệt khi cover “I will always love you” và “Unbreak my heart” đậm chất Lam trên nền hòa âm mới sáng tạo của Quốc Trung, mặc dù Thu Phương trước nổi tiếng nhờ bài hit này vì hát… giống Toni Braxton hơn, nghĩa là quen tai, dễ chấp nhận hơn. Hồng Nhung ít cover nhạc ngoại. Cô rất kén chọn ca khúc để cover. Bù lại, “Everything I do”, “I’ll be there”, “Beauty and the Beast”… Hồng Nhung hát lạ lẫm, mang một hơi thở mới, và hay! Đặc biệt “Don’t cry for me Argentina” cô thể hiện với hai bản phối khác nhau, một dịu dàng tự sự, một mãnh liệt ngẫu hứng hoàn toàn không có bóng dáng của Sinéad O’Connor hay Madonna. “All out of love” Thanh Lam và Hồng Nhung song ca đã khiến nhiều khán giả trẻ nức lòng bởi hay và biểu cảm hơn cả bản gốc của Air Supply. Thế mới biết, cover cũng cần một bản lĩnh. 
 
Rock, pop, dance, latin, hip-hop…

Nói đến rock, lạ một điều, các nữ rocker Việt có vẻ khoái The Cranberries – ban nhạc Ireland với giọng ca nữ chính Dolores O’Riordan mảnh nhưng mạnh. Những Phương Đài, Thạch Hà, Tố Phương (ca sĩ hát ở Bar-café Yoko Sài Gòn)… thay nhau thể hiện “Zombie”, “Promises”, “Animal instinct”… khá “bốc” dù còn bị ảnh hưởng nhiều cách hát giọng mũi của Dolores. Kế đến, ca khúc của các giọng rock nữ Alanis Morrissette, Sarah McLachlan, Tracy Chapman và Sheryl Crow, ban nhạc No Doubt với hit “Don’t speak” cũng rất được ưu ái chọn biểu diễn. Chỉ có điều, hát nhạc của ai, người nghe lại thấy lẩn khuất hơi hướm ca sĩ ấy trong bài hát, không thoát ra được. Tương tự Hà Nội, Sài Gòn cũng có quán Seventeen saloon chuyên chơi nhạc ngoại hiện đại đa thể loại, từ rock, pop, dance, đến latin, hip-hop…, ca sĩ chủ yếu người Philippin và giọng nữ Ngọc Xuân hát khá hay, thêm một giọng nam tên Đình Cường hát rock rất vui, từ “Bohimean Rhapsody” của Queen đến “It’s my life” (Bon Jovi), rồi “Sweet child of mine” (Guns ‘n’ Roses) nghe loạn cả tai.

Ở cái thời boyband, girlband Việt mọc lên như nấm sau mưa, tiêu biểu là Quả Dưa Hấu và TikTikTak, các ca khúc pop của Backstreetboys, N’Sync, Steps, Aqua, MLTR .v.v. được tận dụng cover triệt để. Thu Phương, Phương Thanh, Lam Trường, Bằng Kiều tha hồ khoe trình độ Anh ngữ khi khai thác dòng nhạc này. Nhớ những năm cuối 90, Lam Trường nổi đình đám với “Lemon tree” mặc dù phát âm tiếng Anh không phân biệt được “s” và “sh”. Phương Thanh gào khản tiếng với “What’s up”, Thu Phương & Huy MC chuyên trị những bản dance, Bằng Kiều “I swear” trong khi Trung Kiên mải miết với “Candle in the wind”… Xem như một món ăn lạ, không có gì hơn! Nhưng một phần cũng nhờ những bản nhạc ngoại ấy (bên cạnh ca khúc tiếng Việt) mà sân khấu ca nhạc và các hãng băng đĩa đã có một thời tươi đẹp.

Cũng dễ hiểu với tình trạng “đụng hàng”, bởi thường thì bài gì đang hot, được nghe nhiều sẽ được chọn hát nhiều. Phần nữa, ca sĩ ta thường hùa nhau nghe nhạc, ít ai có sở thích riêng độc lập, “đụng hàng” là đương nhiên.

Bây giờ, trên sân khấu lớn và băng đĩa, nhạc ngoại tiếng Anh không còn chỗ đứng, một phần do hiệu lực của công ước Berne về luật bản quyền. Việc không được phép hát nhạc ngoại khiến nhiều ca sĩ đau đầu, bởi đối với họ, ca khúc quốc tế là một nguồn khai thác tưởng chừng vô tận lại bị ngăn chặn bất ngờ. Muốn đưa bài hát vào album thì cũng phải vất vả bỏ một đống tiền như Mỹ Tâm mua bản quyền ca khúc “Harem”, rồi thủ tục giấy phép rườm rà. Mặt khác, trong thời buổi hip-hop lên ngôi, xem ra ca sĩ trẻ của chúng ta chẳng còn hứng thú mấy với nhạc ngoại lời Anh (mà dù có mặn mà cũng không thể hát), chỉ chăm chú xài những từ “oh yeah, check it, come on…” đặt vào trong những bản hip-hop & dance Việt, bởi như thế có lẽ đã là sáng tạo! Cũng đúng, cung phải theo cầu thôi. Trong khi ấy, một điều nghịch lý là thế hệ ca sĩ đàn em ngày càng giỏi tiếng Anh so với lớp đàn anh đàn chị đớt đát.

 Minh Thư, Mai Khôi, Nguyệt Ánh, Kiên Di… phía Nam, Lưu Hương Giang, Phương Liên, Triệu Hồng Ngọc… phía Bắc phát âm rất tốt, hát chuẩn ca khúc Anh, từng bươn chải nuôi thân nhờ nhạc ngoại. Tuy nhiên họ chẳng mặn mà gì, bởi hát nhạc ngoại, thích đấy, nhưng sẽ không có đường tiến, chỉ những ai yên phận và xem ca hát như nghề tay trái mới chấp nhận sống và hát với nhạc ngoại, như Tố Phương, Phương Đài… không ngại ngần thừa nhận, mà hát “chui” mới khổ.
 
Nhạc ngoại lời Việt Hoa, Thái, Hàn…

Chịu nhiều điều tiếng, nhưng phải thừa nhận mảng nhạc này có lượng công chúng cực kỳ lớn, tung hoành không đối thủ, từng làm cho sân khấu nhạc trẻ sôi động về bề nổi, giúp lăng-xê nhiều ngôi sao như Minh Thuận – Nhật Hào với album “Chàng trai Beijing” thời kỳ đầu thập niên 90, Đan Trường – “Kiếp ve sầu” (Hoa), Mỹ Lệ – “Vầng trăng đêm trôi” (Hoa), Thanh Thảo – “Ôi tình yêu” (Thái)… Một loạt gương mặt khác cũng trông mong vào đó mà giữ vững tên tuổi: Lam Trường, Cẩm Ly, Nguyễn Phi Hùng… Cùng chịu chung số phận với nhạc Anh khi “cơn lốc dữ” Berne tràn vào, chỉ trong giây phút, sân khấu, băng đĩa thiếu nhạc Hoa, Thái… lâm vào tình cảnh chợ chiều trống vắng, ca sĩ bơ vơ chẳng còn ca khúc nào mà hát. Tuy nhiên, cũng nhờ Berne mà giới nhạc sĩ trẻ ta trở nên “mắn đẻ” khi sinh nở sòn sòn vô số “anh em họ” với nhạc Hoa, Thái, được ca sĩ tranh nhau đặt hàng bởi thiếu bài trầm trọng, vừa đỡ lo về bản quyền, lại được tiếng sáng tác chứ không chỉ mải miết cày bừa đặt lời Việt cho ca khúc ngoại. Duy Mạnh là bằng chứng sinh động nhất về khoản sáng tác này.
 
Bản lĩnh cover

Vâng, thì hát là xong. Thường thì người ta muốn nghe ca sĩ hát càng giống bản gốc càng tốt. Tuy nhiên, với những ca sĩ thực sự là nghệ sĩ, để cover thành công một ca khúc đã được hát quá hay bởi một giọng hát quốc tế quá nổi tiếng, không có gì khác hơn là phải làm mới ca khúc. Làm mới bằng chính cá tính và phong cách hát của cá nhân ca sĩ, bằng tài năng và sự sáng tạo mà rất tiếc không phải ca sĩ nào cũng có, dù là diva hay mấp mé diva. Thử đến Yoko nghe Phương Đài hát “Imagine” (John Lennon) một lần, cảm giác rờn rợn nổi da gà trên tay, sẽ thấy cover khác với hát lại ra sao.

Kêu ca thì vẫn kêu ca, chứ người viết không hy vọng gì lắm về những thay đổi tích cực (nếu có) trong chuyện cover nhạc ngoại của ca sĩ Việt. Nói cho cùng, trong một nền âm nhạc, ca khúc nước ngoài cover không bao giờ đạt được vị trí vững chắc trong lòng khán giả như những bài hát Việt. Có chăng chỉ là sự ham thích nhất thời theo một trào lưu bùng phát nào đấy, rồi lặng lẽ chìm đi khi trào lưu hạ nhiệt. Tuy vậy, nghe một ca sĩ hát nhạc ngoại, cảm giác mang lại chỉ là “Được, ok, giống bài gốc” thôi thì chán lắm. Lại bình phẩm giá mà thế này, giá mà thế kia. Âu cũng là những mong muốn mang tính xây dựng của một người nghe nhạc và yêu nhạc không chịu nổi với những gì nhàm chán và lặp lại./.


From the same category