Tối giản mà rất mực sang trọng, quyền lực nhưng vô cùng gần gũi, giờ đây làng mốt đang đón nhận làn sóng xu hướng mới, xuyên không từ thập niên 80 – yuppiecore, theo một phiên bản hiện đại hơn.
Trước khi khám phá phiên bản hiện đại của phong cách yuppiecore trông như thế nào, chúng ta phải quay ngược thời gian, chính xác hơn là trở về những năm 1980, thập niên mà những “yuppie” hay “young urban professionals” nổi lên như một hiện tượng. “Yuppie” là thuật ngữ được rút ngắn và kết hợp từ các từ: Young (trẻ trung) – Urban (đô thị) – Professional (chuyên nghiệp) – hipPIE (lập dị, nổi loạn). Ở các quốc gia có nền kinh tế thịnh vượng, thuật ngữ này còn trở nên phổ biến gấp bội.
Những năm 1980 đánh dấu cột mốc chứng kiến màn chuyển đổi lớn về kinh tế, chất lượng cuộc sống và cả thời trang, nhất là sự phát triển của tầng lớp trung lưu lúc bấy giờ. Trong số đó, xã hội xuất hiện nhóm người trẻ “tài không đợi tuổi” vừa giỏi giang, vừa giàu có. Họ đích thị là những yuppie chính hiệu. Họ là thế hệ mới đảm nhận các vị trí chủ chốt như giám đốc điều hành trẻ tuổi năng động, hướng ngoại, có thu nhập cao, xây dựng cuộc sống dư dả ở phố thị, và thường làm việc trong ngành tài chính. Yuppie còn phản ánh cả thái độ và phong cách sống của nhóm văn hóa tách biệt này.
Những người trẻ yuppie sống thiên về vật chất. Họ chứng minh cho thế giới thấy họ đã thành công như thế nào bằng lối tiêu tiền thả ga. Yuppie lái BMW hoặc những chiếc xe thể thao đa dụng (SUV) phổ biến. Họ đeo những chiếc đồng hồ Rolex đắt giá. Còn gì nữa? Họ chỉ uống nước khoáng có ga đóng chai Perrier. Lối sống phô trương và hào nhoáng của họ được phản ánh rõ nét thông qua ngôn ngữ thời trang.
Trang phục xa xỉ, trang trọng và toát ra khí chất chuyên nghiệp là trung tâm của tủ quần áo của những người theo đuổi phong cách yuppiecore, từ suit đến áo sơ mi trắng, cà vạt đến giày tây. Họ khoác lên những bộ suit lịch lãm của Ralph Lauren hoặc Hugo Boss. Tất cả đều đến từ những nhà mốt xa xỉ lớn thời bấy giờ, những nhãn hiệu mà những người theo chủ nghĩa yuppie lựa chọn để thể hiện địa vị xã hội của họ một cách đầy phô trương và tự hào. Họ đầu tư chất liệu vải cao cấp cho trang phục. Kiểu dáng trang phục đơn giản, không họa tiết và cũng không có màu sắc sặc sỡ. Nhưng những món đồ thời trang của hội yuppie phải có đường cắt may gọn gàng, và tinh xảo.
Đương thời, tủ quần áo yuppiecore của nam giới được lấp đầy những chiếc áo khoác hai hàng khuy, quần âu dài màu xám, đen hoặc khaki, áo sơ mi bên trong thường có họa tiết sọc hoặc màu nhạt. Họ chuộng mang giày tây bóng loáng với tất trắng, trên cổ áo lúc nào cũng được điểm xuyết bằng chiếc cà vạt được thắt khéo léo và chỉn chu.
Đối với nữ giới, yuppiecore tạo ra một bước ngoặt ấn tượng cho thời trang công sở. Những năm 1980 còn chứng kiến bước chuyển giao của phụ nữ trong vai trò mới trong cuộc sống. Họ không còn là những người vợ chỉ ở nhà, lo chuyện nội trợ, mà đã có thể đi làm hoặc trở thành doanh nhân như nam giới. Bước chuyển vai trò này đã tạo nên một phong cách ăn mặc hoàn toàn mới. Áo blazer đệm vai rộng, chân váy bút chì phủ qua gối, quần tất, giày cao gót mũi tròn và mái tóc đánh phồng tạo nên một hình mẫu hoàn hảo của phụ nữ yuppie. Chỉn chu, thanh lịch nhưng đầy uy quyền, phong cách thời trang yuppiecore của nữ giới còn được gọi là “power dressing” (phong cách ăn mặc quyền lực).
Những người đàn ông và phụ nữ yuppie đều thể hiện địa vị xã hội, vị trí trong công việc thông qua những bộ suit may đo chỉnh tề, quyền lực với phần vai rộng. Đặc biệt, phần vai áo thường được lót một lớp đệm dày, phồng nhằm tạo vẻ oai vệ. Nếu không để ý phần chân váy bút chì, bạn sẽ nhận ra điểm khác biệt giữa đồng phục đến văn phòng của các yuppie nam và nữ. Giữa nguyên phần vai đệm rộng, chi tiết buộc nơ to ở cổ của áo blouse sẽ giúp phụ nữ trông nữ tính và mềm mại hơn so với các bộ suit yuppiecore nam giới.
Lối sống phô trương và phong cách ăn mặc của các yuppie đã phản ánh rõ nét tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế thế giới suốt những năm 1980.
Những tín đồ am hiểu thời trang đương đại chắc chắn sẽ nhận ra sự đối lập giữa phong cách yuppiecore và quiet luxury. Một bên là cố gắng thể hiện gia thế, quyền lực của mình qua cách ăn mặc; bên còn lại khiến mọi người tò mò về sự giàu đó của bạn bằng những món đồ trong tối giản, nhưng giá trị của chúng không hề tầm thường. Cách diện trang phục hàng hiệu thả ga của hội yuppie khiến thuật ngữ này bị hiểu sai lệch thành hoang phí. Cho đến khi trang phục thể thao, thời trang đường phố, và xu hướng “quiet-luxury” xuất hiện, đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế suy thoái, phong cách yuppiecore trở nên giản dị hơn, nhưng vẫn giữ được bản chất sang trọng cốt lõi.
Đại dịch Covid-19 cộng thêm sự đề cao sự đa dạng, bứt phá mỗi khuôn mẫu đã góp phần vào sự phát triển của thời trang trong những năm gần đây. Yuppiecore phiên bản mới được cập nhật trở nên thoải mái hơn, để phù hợp với sở thích và thói quen của các thế hệ mới. Sự hồi sinh của thẩm mỹ này trở nên ít gò bó, ít phô trương hơn nhiều so với bốn thập kỷ trước. Nhìn chung, yuppiecore là sự kết hợp hoàn hảo của ba xu hướng thời trang chính trong dòng chảy đương đại hiện tại: normcore, recession core và quiet luxury.
Phiên bản mới của phong cách yuppiecore vẫn giữ áo khoác blazer và áo sơ mi trắng làm chủ đạo, sau đó kết hợp với quần jeans, quần bermuda shorts và giày thể thao năng động. Sau khi bị lãng quên trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, bộ suit trang trọng bắt đầu lấy lại vị thế của mình nhờ sự lên ngôi mạnh mẽ của yuppiecore.