Hà Nội những ngày hè, nóng như thiêu đốt mọi thứ trên mặt sân vận động Mỹ Đình – nơi Công Vinh đang thoăn thoắt những bước chạy tăng cường thể lực cho các vòng đấu còn lại của lượt về giải V-League. Hôn đôi giày, phủi áo đấu và không quên nghịch trái bóng tròn – những hành động khá duy tâm của giới “quần đùi áo số”, chứng tỏ tình yêu và sự thành kính với nghề. Vinh như lửa nên chịu được lửa, cái thứ nóng bỏng giúp Vinh thành công và vượt qua nhiều sóng gió. Nhưng lạ thay, các câu chuyện Vinh tâm sự lại đều gửi gắm sự bình yên như nước.
Tôi chưa làm người thân thất vọng
– Hà Nội những ngày chớm Hè nóng thật! Tôi mời Vinh một chai bia nhé!
– Cảm ơn anh nhưng cho phép tôi từ chối. Tôi biết uống bia, một ít thôi, nhưng tuần này tôi phải đá bóng nên không uống được.
– Đó có phải là lý do thật sự không?
– Nói thật nhé, cuộc sống của tôi là thế này: Ăn sáng xong, tôi uống một cốc nước cam, rồi ăn trái cây. Tôi không hút thuốc. Những ngày đặc biệt như Tết, sinh nhật tôi hay các cuộc vui, tôi sẽ uống 1 đến 2 chai bia. Còn những ngày phải đá bóng cùng đội thì không.
– Vậy nếu một hãng bia muốn mời anh làm đại sứ thương hiệu sẽ phải nghĩ lại khi biết thông tin này đấy!
– Người ta hay nhầm lẫn khái niệm uống bia và biết uống bia. Việc thưởng thức một chai bia khác hoàn toàn với việc uống 10 chai mà chẳng có cảm giác bia đó ngon hay không. Khi uống bia, tôi cảm nhận được độ đậm hay nhạt, ngon hay không của loại nước uống này. Với tôi, đó mới là biết uống bia chứ không phải uống được nhiều bia.
– Còn khi anh vào bar thì sao?
– Tôi cũng uống chứ, nhưng ít thôi. Đi bar cũng là một cách thư giãn mà, phải thoải mái và vui vẻ nên dù có bị người ta quan sát, tôi cũng kệ thôi! Mình có làm gì sai đâu.
– Đến bar, anh sẽ chọn phong cách ăn mặc phóng khoáng, trẻ trung của quần jeans, áo phông hay lịch lãm với áo vest và quần tây?
– Tôi mặc quần tây, sơ mi và giày đen. Đó cũng là trang phục tôi mặc mỗi khi ra ngoài. Tôi không thích quần jeans vì mình mặc không đẹp. Tôi cũng chẳng để ý đến những triết lý, quy tắc, phong cách… quần áo. Đơn giản vì tôi cảm thấy mình hợp, lịch sự và thoải mái với những trang phục này.
– Anh kiếm được nhiều tiền và gần đây người ta thấy anh tiêu tiền có phần hơi ngông. Không ít người bảo anh là trọc phú?
– Tôi có đọc sách Phật và thấy câu này rất hay: “Đối cảnh vô tâm”. Khi đạt đến “Đối cảnh vô tâm”, người ta không quan tâm đến những gì đang diễn ra nữa. Tôi không quan tâm người ta nói gì và tôi hiểu mình đang làm cái gì, đang sống ra sao, gia đình mình đang hướng về điều gì. Tôi chưa làm những người thân yêu thất vọng. Tôi vẫn là chính tôi.
– Anh có mê tín không?
Không! Nhưng tôi luôn có sự thành kính. Tôi cũng hay đi chùa, cầu sức khỏe, cầu cho bản thân và gia đình bình an.
– Và sự bình an đó đã đến với anh?
– Tôi có sự bình an, trong công việc, gia đình và tình yêu.
Tôi có hai ông bố, hai bà mẹ
– Anh đã từng mong bố anh được bình an sau những biến cố đáng quên. Hiện giờ, mong ước đó đã thành sự thật?
– Bố mẹ tôi chia tay khi tôi còn bé. Tôi luôn mong bố tìm được người chia sẻ để đỡ cô đơn. Năm ngoái, tôi đã tổ chức một lễ cưới nho nhỏ cho bố và hiện 2 người vẫn đang sống rất hạnh phúc. Chính mẹ là người giới thiệu vợ mới cho bố tôi. Dì có một con gái riêng đang sống ở Hà Nội, và tôi xem như em gái mình.
Cả bố và dì, mẹ và dượng đều không có thêm con. Bốn người vẫn hay gặp nhau, ăn uống và trò chuyện vui vẻ. Nhìn cảnh đó, tôi vui lắm! Bố mẹ đã sống và hi sinh cho chúng tôi cả đời rồi. Là con, tôi cũng phải hiểu tâm tư và làm những điều tốt đẹp cho bố mẹ.
– Có bao giờ anh thấy tội nghiệp bố vì rất lâu sau ngày mẹ anh đi bước nữa, bố anh mới tìm được người bạn đời?
– Nhìn bố cứ sống một mình, tôi lo lắm. Chuyện kết hôn này của bố là do mong muốn của tôi. Không chỉ tôi, mà chị và em gái tôi đều thấy yên tâm khi bố tìm được hạnh phúc riêng.
Ngày còn bé, chứng kiến cảnh gia đình như vậy, tôi chỉ mong mình lớn hơn để gánh vác trách nhiệm gia đình, hàn gắn mối quan hệ của bố mẹ. Nhưng tôi cũng hiểu người lớn có những lí do riêng nên phải chấp nhận thôi. Tôi chỉ biết phải cố gắng sống thật tốt, tự lo cho bản thân để bố mẹ không phải phiền lòng, lo lắng và tự hào về con. Tôi thấy cuộc sống như vậy mới có ý nghĩa.
– Vậy đã bao giờ anh khiến bố mẹ lo lắng chưa?
– Mẹ tôi luôn hiểu tôi mà. Tôi nhớ, năm 2008, ở vòng bảng AFF Cup, tôi đá không ổn. Lúc đó, bóng đá là tất cả đối với tôi. Từ Thái Lan về, tôi tắt điện thoại và nghĩ mình chẳng cần ai nữa, cả bố mẹ cũng không cần. Thế là mẹ tìm cách liên lạc, nhắn nhủ rằng không đá bóng nữa thì về với mẹ, chẳng sao cả. Lúc đó, tôi mới nghiệm ra, bóng đá chỉ là một phần nhỏ, gia đình mới là số 1 của đời mình. Sau này khi già đi, không thể đá bóng nữa, tôi còn lại gì? Chắc là gia đình. Tôi buồn một, chắc mẹ tôi phải buồn gấp đôi. Bây giờ làm gì, tôi đều hướng về bố mẹ. Nghe một lời nói ấm từ đấng sinh thành, tôi có thêm động lực.
Tôi có nỗi sợ và tôi phải chiến đấu
– David Beckham từng phát biểu: “Muốn hạnh phúc, hãy đơn giản hóa cuộc sống”. Cuộc sống của anh có đơn giản không?
– Đơn giản hay phức tạp là do góc nhìn của mỗi người. Tôi thấy cuộc sống của mình đơn giản lắm!
– Nhưng hạnh phúc của anh còn có cả sự may mắn!
– Có thể nói tôi may mắn trong nghề. Nhưng còn những thứ thuộc về tinh thần, đó là cả một quá trình khao khát và xây dựng. Trước đây, tôi ước mơ thành sĩ quan quân đội nếu không đi đá bóng. Tôi hay tưởng tượng mình trong bộ quân phục, trông đẹp trai và thật oách, oách một cách nam tính…
– Theo đuổi nghiệp bóng tròn, đó là sự may mắn hay khao khát?
– Vừa may, vừa khao khát, nhưng may hơn là khi gặp những khó khăn trong sự nghiệp, tôi đã vượt qua được. Nhưng thường thì may mắn không đi liền với những kẻ lười nhác mà chỉ đến với những người làm việc và chiến đấu hết mình. Ngày bé, tôi cũng như lứa trẻ con 8X thời đó, mê bóng đá Anh và các cầu thủ Việt Nam như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Phi Hùng, Hữu Thắng… Thích cầu thủ nào thì lấy bút ghi lên áo tên cầu thủ đó, tôi ghi nào là Klinsmann rồi Zola, Beckham, Hồng Sơn, Huỳnh Đức…
– Tôi thấy anh rất hồ hởi nhắc đến những tên tuổi đã phai nhạt…
– Phai nhạt hay không còn phụ thuộc vào sự cống hiến của họ cho bóng đá. Với anh, họ có thể là những tên tuổi phai nhạt nhưng với tôi thì không. Có thể, đó còn là nỗi sợ… Trong bóng đá, không có gì là mãi mãi. Tôi cũng luôn suy tính trong đầu sau này mình sẽ làm gì.
– Một người chịu được “lửa” như anh, sẽ phải chiến đấu chứ sao lại sợ…?
– Tôi rất thích phim Chiến binh xanh (Green Lantern). Chính sự sợ hãi làm nên sức mạnh của gã ác thú khổng lồ chuyên hút nỗi sợ hãi của con người. Nỗi sợ hãi của con người. Nỗi sợ càng lớn, sức mạnh của nó càng kinh khủng. Khi chiến đấu với gã, người chiến binh dũng cảm cũng bị ám ảnh bởi sự sợ hãi, bởi bố anh – một phi công – đã chết ngay trước mắt anh. Nhưng anh khảng khái: “Tôi có nỗi sợ nhưng tôi sẽ chiến đấu”. Và anh đã chiến thắng nỗi sợ đó.
– Cảm ơn Công Vinh vì cuộc trò chuyện!
Theo Elle Man