Ngày 7.3, Chủ tịch UBND huyện Đô Lương Nguyễn Tất Thành đã có Công văn số 239/UBND-TTr gửi UBND tỉnh giải trình về sự việc này nhưng lại bao che cho hành vi vi phạm của cán bộ xã Thượng Sơn.
Cơ sở chế biến hạt nhựa Luận Phượng được huyện Đô Lương cho thuê đất và chấp thuận đầu tư từ năm 2008 tại Khu tiểu thủ công nghiệp xã Thượng Sơn. Trong lúc đó, khu tiểu thủ công nghiệp này cho đến nay vẫn chưa được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch. Bà con xung quanh khu vực có ý kiến về việc cơ sở gây ô nhiễm, các đoàn thể trong xã đều có ý kiến đề nghị UBND huyện có biện pháp xử lý cơ sở này.
UBND huyện Đô Lương đã có nhiều văn bản về việc giải quyết tình trạng ô nhiễm ở cơ sở Luận Phượng. Nhưng, văn bản quan trọng nhất là quyết định đình chỉ sản xuất đối với cơ sở này lại không có. Lý do – theo ông Nguyễn Tất Thành – Chủ tịch UBND huyện – là: Huyện không đủ thẩm quyền đình chỉ, trong lúc Khu tiểu thủ công nghiệp Thượng Sơn thì tỉnh lại chưa phê duyệt nên huyện không thể tham mưu UBND tỉnh ra quyết định đình chỉ được.
Dù không ra được quyết định đình chỉ sản xuất nhưng huyện Đô Lương vẫn giao cho xã Thượng Sơn tiến hành đình chỉ hoạt động của cơ sở Luận Phượng. Và, chiều 5.12.2012, một đoàn cán bộ xã đã… vượt rào vào cơ sở này để lập biên bản. Đoàn yêu cầu những người làm công ký vào biên bản nhưng không ai ký, công an xã lập tức còng tay 3 phụ nữ, giải về trụ sở xã. Trong đó, chị Nguyễn Thị Trúc bị còng riêng, hai người khác là Nguyễn Thị Lan và Lê Thị Hải bị còng chung.
Báo cáo của UBND huyện Đô Lương viết: “Riêng bà Nguyễn Thị Trúc là người làm công cho gia đình ông Luận Phượng có thời gian dài nhất trong số người làm công; đã được giải thích, vận động nhiều lần, đồng thời biết rõ việc tạm đình chỉ của UBND huyện đối với cơ sở chế biến hạt nhựa Luận Phượng… Nhưng bà Trúc vẫn không chấp hành yêu cầu của đoàn công tác. Bà Trúc đã ngồi soài ở góc sân nhà ông Luận, buộc công an phải dùng công cụ hỗ trợ đối với bà Trúc…”.
Báo cáo này không đả động đến hai trường hợp khác cũng bị còng tay là em Nguyễn Thị Lan và Lê Thị Hải, trong đó Lê Thị Hải bị thiểu năng trí tuệ.
Thật khó hiểu cho cách lý giải và báo cáo với cấp trên của Chủ tịch UBND huyện Đô Lương.
Thứ nhất, bà Trúc hoàn toàn có quyền làm việc cho cơ sở Luận Phượng, đó là lao động chính đáng và hợp pháp. Thứ hai, huyện không dám ra quyết định đình chỉ, thì tại sao lại ép dân không được làm việc cho cơ sở Luận Phượng? Thứ ba, bà Trúc không vi phạm bất kỳ quy định nào của pháp luật, chỉ “ngồi soài ở góc sân” mà công an có quyền còng tay giải về trụ sở, liệu có phải là lý giải hợp pháp và hợp lý?…
Trong lúc đó, trả lời báo Lao Động, ông Nguyễn Tất Thành khẳng định, sẽ có hình thức xử lý đối với các cán bộ xã Thượng Sơn. Tuy nhiên, trong báo cáo gửi UBND tỉnh, ông Thành không những không nhắc đến hành vi chà đạp quyền con người của cán bộ xã Thượng Sơn, mà còn cho rằng bà Trúc phản ánh sai sự thật.
Vậy, đâu là lời nói thật của Chủ tịch UBND huyện Đô Lương Nguyễn Tất Thành(?!).
Theo Lao động