Công nghiệp game Việt: Viên ngọc thô - Tạp chí Đẹp

Công nghiệp game Việt: Viên ngọc thô

Tin Tức
Tại một cuộc hội thảo về phát triển trò chơi trực tuyến cách đây ít ngày do công ty Vinagame (VNG) tổ chức, ông Tetsuya Mori, Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương của DeNA – một trong những nhà sản xuất game lớn nhật của Nhật Bản – đã ví ngành sản xuất game của Việt Nam như viên ngọc quý chưa được mài giũa.

Tìm ngọc trong đá

Minh chứng cho hình ảnh ví von sinh động đó, ông Tetsuya Mori cho biết, từ năm 2010 Việt Nam đã là thị trường game online lớn nhất khu vực Đông Nam Á với 45,2% thị phần, con số này được dự đoán sẽ tăng lên 69% vào năm 2014. Thế nhưng, ngành công nghiệp sản xuất game của Việt Nam hiện vẫn đang ở giai đoạn hết sức sơ khai.

 

Có lẽ thấy trước được triển vọng thị trường, nhiều công ty đã bắt đầu nhảy vào sản xuất game. Kết quả là, năm 2011 và nửa đầu 2012 được coi là một năm khởi sắc của game thuần Việt. Nếu như năm 2009 chỉ có VNG đưa ra Thuận Thiên Kiếm, 2010 cũng chỉ có đơn vị này sản xuất Khu Vườn Trên Mây, thì sang năm 2011 số lượng game được sản xuất đã được nâng lên, với sự tham gia của nhiều đơn vị sản xuất. VTC Studio với các game như Generation 3, Squad, Showbiz, Tour 247, Tung Chảo online; VNG với các game Ủn ỉn, MyFish, Hàng Rong Online, Ani World, My Farm; FGame với Jay Online; SSGame với SSGarden.

Đầu năm 2012, ngoài VTC Studio (với các game Sắc Màu Đại Dương và Xạ Kích (kết hợp với Nexus), VNG (Đáo Rồng, Cấm Giới), thị trường game Việt còn ghi nhận thêm nhiều tên tuổi mới như EGame (Khu Vườn Vũ Môn), Sunsoft (Tranh Hùng Online), bạch tuộc số (Xạ thủ Online), Music King (Vua nhạc Online), Emobi Game (2112), SSGame (SSolymopia)…

Mặc dù các game thuần Việt đã có sự chuyển biến tích cực về lượng nhưng nếu đặt trong bức tranh chung của toàn thị trường thì đó vẫn chỉ là hạt cát nhỏ trên sa mạc mà thôi. Trả lời cho câu hỏi game made – in – Vietnam đang đứng ở đâu trên bản đồ thị trường, ông Lê Hồng Minh, TGĐ VNG, ước tính: nếu như doanh thu toàn ngành game Việt Nam năm 2012 là 4.600 tỷ đồng, trong đó game máy tính đạt 4.000 tỷ đồng và game cho điện thoại di động là 600 tỷ đồng thì các nhà sản xuất game trong nước chỉ chiếm 6% thị trường game máy tính và 30% đối với game mobile.

Vẫn câu hỏi trên đem hỏi ông Võ Bằng Phan, phó giám đốc VTC Online, lại được một nhận định bi quan hơn: “Có thể nói là con số 0. Hiện tại, ở Việt Nam mới chỉ có một số game nhỏ được người chơi chấp nhận và có doanh thu”.

Muôn trùng khó khăn…

Điều gì đã khiến game Việt chưa thể có chỗ đứng trên thị trường trong nước, chưa nói tới nước ngoài? Hầu hết đại diện các đơn vị phát triển game Việt Nam đều nhận định: tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan đã đẩy ngành công nghiệp phần mềm nói chung, trong đó có công nghiệp sản xuất game, vào tình thế khó khăn, không thể phát triển. Nạn vi phạm bản quyền đã khiến cho hầu hết các hệ máy console (điều khiển) như Xbox360, pS3, Wii… không hỗ trợ thị trường Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất không có cơ hội làm game cho thị trường trong nước – vốn là sân chơi mà đáng lẽ các nhà sản xuất game Việt Nam phải có nhiều lợi thế do hiểu văn hóa và ngôn ngữ bản địa.

Với mảng game online, tuy tránh được hiện tượng vi phạm bản quyền vì mô hình kinh doanh là thu tiền người chơi qua đồ ảo, nạp thẻ, nhưng hiện các game online do nước ngoài sản xuất hợp thời hơn và chi phí nhập cũng rẻ hơn nhiều so với việc phát triển game trong nước. Vì vậy các nhà phát hành thường chọn phương án nhập game nước ngoài chứ không tổ chức sản xuất, vừa mất thời gian, vừa tốn tiền bạc. Đã vậy,  khi tự tổ chức sản xuất, nhà phát triển game trong nước không biết được liệu game mình sản xuất ra có thể thành công hay không, vì các công cụ sản xuất game hầu hết đều phải mua lại từ nước ngoài, khi phát triển xong thì game đã lạc hậu, không còn hợp với thị hiếu của người chơi.

Bên cạnh những yếu tố bên ngoài, nguồn lực chính là bài toán đau đầu nhất của các nhà sản xuất game trong nước hiện nay. Ông Phạm Quang Hưng, Giám đốc Công ty trò chơi Việt, cho hay: hiện nguồn nhân lực phát triển game của Việt Nam khá manh mún.

Hầu như không có lập trình viên được đào tạo chuyên sâu về game, người thiết kế đồ họa, hoạt cảnh trong game cũng “tay ngang”, thiếu chuyên nghiệp. Thêm vào đó, Việt Nam hiện không có công cụ game tự viết mà tất cả đều được mua từ nước ngoài, do đó các game Việt thường thiếu tính đột phá, thiếu nét riêng. Ông Hưng cho biết thêm: “Do không sáng tạo được ý tưởng kịch bản nên game mà Việt Nam làm ra vẫn na ná giống một game nào đó mà người chơi đã từng trải nghiệm, không có nét mới cũng như sự độc đáo riêng để người chơi có thể nhận ra ngay”.

Không được chuyên môn hóa cũng là một rào cản lớn. Ở Việt Nam hiện nay không có công ty chuyên về đồ họa game, hoạt cảnh (animation), tạo hình nhân vật (modeling)…, vì vậy một xưởng sản xuất game nội thường phải làm toàn bộ quá trình, từ lên kịch bản, lập trình, tạo hình, làm hoạt cảnh… đến cả phân phối và vận hành game. Chính vì thiếu chuyên môn hóa như vậy nên việc sản xuất game tốn kém và mất nhiều công sức nhưng lại khó thành công do lỡ mất cơ hội thị trường. Đơn cử như VTC Studio, mặc dù đã thành lập được 3 năm nay, với hơn 100 nhân lực, nhưng tính đến nay mới chỉ sản xuất được 6 game gồm cả thể loại FPS, Webgame và Social game. Số game mà VNG – nhà phát triển game số 1 tại Việt Nam – phát triển được cũng đếm chưa hết được số ngón tay của hai bàn tay.

Không chịu bó tay

Tuy phải đối diện với muôn trùng khó khăn như vậy, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam không chịu bó tay, ngồi nhìn cơ hội đi qua. Quay trở lại năm 2009, VNG đã chấp nhận bỏ ra một khoản tiền không nhỏ (khoảng 25 tỷ đồng) để cho ra đời đứa con đầu lòng với tên gọi Thuận Thiên Kiếm. Theo đánh giá của các chuyên gia, vào thời điểm đó game này sở hữu rất nhiều yếu tố thuận lợi khi game RPG (game nhập vai) đang ở giai đoạn đỉnh cao, với những cái tên đình đám như Võ Lâm Truyền Kỳ, MU, Thiên Long Bát Bộ… Sản phẩm đầu tay này của VNG được giới chuyên môn đánh giá là có chất lượng không tồi và là game thuần Việt đầu tiên, được người dùng kỳ vọng rất nhiều. Thế nhưng chỉ sau khi ra đời không lâu, Thuận Thiên Kiếm dần bị trôi vào quên lãng, VNG cuối cùng phải thừa nhận doanh thu của game này không được như họ mong đợi. VNG là người hiểu rõ nhất đâu là nguyên do.

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia ngành game, sự thoái trào nhanh chóng của Thuận Thiên Kiếm chính là do tâm lý sính ngoại của các game thủ Việt. Từ bài học của Thuận Thiên Kiếm, sau đó VNG đã cho ra đời một game RPG nữa nhưng không mang màu sắc Việt mà được khoác bộ áo 3D hợp thời. Tới năm 2010, VNG cho ra mắt Khu Vườn Trên Mây và ngay lập tức game này đã mang về doanh thu 6 tỷ đồng/tháng. Một năm sau đó, năm 2011, VNG đưa ra game Ủn Ỉn (Pig Farm). Rất nhanh chóng game này đã lọt mắt của DeNA, và cuối năm 2011 Pig Farm đã được DeNA nhập khẩu vào thị trường Nhật. Năm 2012, trong chiến lược kinh doanh của mình VNG dự tính phát triển thêm các dòng game cho mạng xã hội và thiết bị di động tại Nhật bản với mục tiêu 10 triệu USD, tức khoảng 0,2% phân khúc trò chơi mạng xã hội và di động của Nhật Bản.

Không chịu kém cạnh, tháng 3/2012, VTC đã đạt được hợp đồng xuất khẩu game Squad và Generation 3 sang 10 nước châu Phi, Tây Ban Nha, Mexico, Argentina, Chile, Colombia, Venezuela, Peru, Brazil, Ecuador và Paraguay. Đại diện của VTC cho biết, game này còn có thể được mở rộng ra các nước nói tiếng Tây Ban Nha khác.

Ngoài việc trả tiền bản quyền, Công ty Nvia – đối tác kinh doanh của VTC Online, có trách nhiệm chia sẻ doanh thu với VTC. Ngược lại, VTC Online cũng có trách nhiệm phát triển sản phẩm, thường xuyên cập nhật những phiên bản mới và hỗ trợ nhà phát hành. Đại diện VTC Online tiết lộ, doanh số xuất khẩu game dự kiến trong năm đầu của đơn vị này là 5 triệu USD.  

Hiện chỉ có VTC và VNG có xưởng sản xuất game với quy mô trên 100 người và có nhiều điều kiện nhất để phát triển game thuần Việt. Tuy nhiên, không vì thế mà những doanh nghiệp nhỏ khác chịu từ bỏ ước mơ sản xuất và xuất khẩu game ra thị trường thế giới. Giám đốc Công ty Tầm Tay, ông Trần Thanh Sơn, cho biết, trong thời gian tới công ty ông cũng có kế hoạch xuất khẩu game sang các nước châu Á. Công ty trò chơi Việt cũng đang sản xuất một số tựa game nhỏ để “xuất khẩu tại chỗ”. Gọi là “xuất khẩu tại chỗ” vì các game này sẽ được đưa lên các cửa hàng trên mạng thuộc hệ thống của Apple và Google cho các nền tảng di động iOs và Android.

Với năng lực hiện có, Trò Chơi Việt chỉ có thể sản xuất các mini game thực sự thuần Việt cho nền tảng di động cho người tiêu dùng Việt.

Để giải quyết bài toán nhân lực, hầu hết các doanh nghiệp đều chấp nhận phải đào tạo từ đầu đội ngũ làm game chuyên nghiệp. VTC Online đã mở hẳn học viện đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực chuyên về sản xuất game, với các khóa đồ họa 2D, 3D, lập trình game, lập trình ứng dụng mobile…

Cơ cấu thị trường giải trí online

(Nguồn: Cimigo NetCitizens)

Vẫn có tương lai

Với những nỗ lực đó của các nhà sản xuất game, bức tranh game Việt đã bắt đầu định hình, mặc dù chưa thực sự rõ nét. Thay vì hoàn toàn lạ lẫm như trước đây, giờ đây những câu hỏi mang tính chất cụ thể hơn như game nào, thể loại nào là phù hợp nhất với Việt Nam đã được đưa ra cân nhắc.

Để có thể sản xuất và phát triển game thuần Việt, chiếm lĩnh thị trường nội địa và vươn dần ra thế giới, ông Võ Bằng Phan cho rằng, các doanh nghiệp cần có sự đầu tư mạnh và lâu dài để có được nguồn nhân lực và sản phẩm tốt. “Doanh nghiệp phải chấp nhận chịu lỗ một thời gian dài, vì khi mới bắt đầu sản xuất, chi phí bao giờ cũng cao hơn rất nhiều so với đối thủ dày dạn kinh nghiệm”, ông Phan nhắn nhủ. Thêm vào đó, những hỗ trợ của cộng đồng, nhà nước, như giảm thuế, cho phát hành thử nghiệm trong nước… cũng là điều mà các doanh nghiệp sản xuất game mong mỏi.

Nhận định về tương lai của thị trường game Việt, ông Lê Hồng Minh cho rằng, đến năm 2020 lượng người chơi game sẽ tăng gấp 5 lần so với thời điểm hiện tại, đạt khoảng 75 triệu người. Điều này không phải là không có cơ sở khi lượng người sử dụng internet của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng lên mạnh mẽ từ năm này qua năm khác. Theo kết quả nghiên cứu gần đây của Công ty nghiên cứu FTA, 66% số người được hỏi cho biết họ sử dụng internet là để chơi game, trong đó Hà Nội là 77% và Tp.HCM là 59%.

Như vậy, mảnh đất canh tác dành cho các nhà phát triển game vẫn còn rất lớn. Nhưng để có thể đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất, các doanh nghiệp cần tìm ra được đâu là lựa chọn thích hợp nhất cho mình. Sau sự thất bại của Thuận Thiên Kiếm, những game nhập vai RPG vẫn cần có thêm một thời gian nữa để chứng minh được sức hút của mình trên thị trường game Việt. Tựa game FTS (bắn súng góc nhìn thứ nhất) được đánh giá là hấp dẫn và kịch tính nhất, và đã mang lại thành công cho VTC Online qua game Squad. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, việc sản xuất và phát hành tựa game này tại thị trường Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do tính bạo lực của game. Do vậy, để phát triển được những tựa game tại thị trường Việt Nam, nhà sản xuất cần phải có những thay đổi và cải tiến về mặt nội dung. Các tựa game casual (game phổ thông trên các trình duyệt web bằng máy tính hay điện thoại) có lợi thế là dễ chơi và dễ làm. Tuy nhiên, chính vì sự dễ dàng đó mà tính cạnh tranh tại phân khúc này lại cao. Vì lẽ đó, nếu không có một chiến lược phù hợp, rất có thể doanh nghiệp sẽ rơi vào vũng lầy do chính mình tạo ra.

Đối với câu chuyện xuất khẩu game, ông Võ Bằng Phan nhấn mạnh: “Phải xác định rằng, trên thị trường quốc tế, chúng ta là quá nhỏ, không đủ lực vào thị trường chính thống. Vì thế, chúng ta phải chọn thị trường ngách, chưa có người đi”.

VTC Online đã dành được hợp đồng xuất khẩu Squad từ một hội chợ game tại Hàn Quốc. Vì thế, những ngày cuối tháng 7 vừa qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sang tham dự triển lãm game Chinajoy tại Trung Quốc để học hỏi kinh nghiệm và mở rộng cơ hội hợp tác, kinh doanh quốc tế của mình. Vào tuần cuối của tháng 9 này, một triển lãm game quốc tế đình đám khác cũng sẽ được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản. Được biết, nhiều doanh nghiệp game Việt Nam sẽ không bỏ lỡ cơ hội này.

Sẽ còn một chặng đường dài để Việt Nam có thể ghi tên lên bản đồ game quốc tế. Cần thêm nhiều thời gian nữa để viên ngọc thô được gọt giũa tinh xảo, trở thành một món trang sức quý và có giá trị. Tuy nhiên, với nỗ lực bền bỉ của chính mình, các doanh nghiệp phát triển game của Việt Nam có quyền hy vọng có được miếng bánh thị phần lớn hơn tại thị trường nội địa và quốc tế. 

Để giải quyết bài toán nhân lực, hầu hết các doanh nghiệp đều chấp nhận đào tạo từ đầu đội ngũ làm game chuyên nghiệp.

4600 tỷ đồng nếu như doanh thu toàn ngành game Việt Nam năm 2012 là 4.600 tỷ đồng, trong đó game máy tính đạt 4.000 tỷ đồng và game cho điện thoại di động là 600 tỷ đồng.

Các bạn đón đọc bài viết tiếp theo về Công nghiệp game Việt:

>> Công nghiệp game Việt: Tự tin xuất ngoại

 Bài: Bích Ngọc

Thực hiện: depweb

08/08/2012, 17:43