Một số chất dinh dưỡng tập trung nhiều và đa dạng nhất được tìm thấy trên bộ phận trái cây và rau quả mà chúng ta thường hay bỏ đi trong quá trình chế biến. Thay đổi thói quen chế biến của mình để không bỏ qua những phần tốt của thực phẩm nhé.
Lá cà rốt
Vì có nồng độ kali cao trong cả củ và lá cà rốt nên để tránh vị cay, đắng, bạn có thể băm nhỏ hoặc xay mịn khi thêm vào các món ăn yêu thích.
Vỏ khoai tây
Vỏ khoai tây chứa nhiều chất dinh dưỡng bao gồm kali, vitamin C, sắt và chất xơ. Thực phẩm nhiều chất xơ giúp cân bằng hệ tiêu hóa, giảm nguy cơ bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường. Thêm vào đó, chất xơ giúp bạn cảm thấy no lâu hơn sau bữa ăn. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), phụ nữ bổ sung thực phẩm có hàm lượng chất xơ từ 12 đến 24g sẽ hấp thụ ít hơn 90 calo mỗi ngày.
Lá cây thì là
Vitamin C trong lá cây thì là cần thiết với quá trình xây dựng collagen trong xương, sụn, cơ và mạch máu, đồng thời giúp hấp thu sắt. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, lá cây thì là giàu kali, giúp đào thải natri dư thừa ra khỏi cơ thể.
Vỏ táo
Theo Trung tâm Y tế Đại học Maryland, vỏ táo (có màu đỏ hoặc màu xanh lá cây) chứa hàm lượng chất xơ dồi dào làm giảm cholesterol và tăng cường quercitin – hoạt chất phytochemical giúp kháng viêm và đẩy lùi quá trình oxy hóa.
Cuống củ cải
Theo nghiên cứu từ Viện Công nghệ Thực phẩm Đức, cuống củ cải bao gồm axit amin glutamine giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng khả năng phục hồi của cơ thể sau chấn thương.
Cùi của quả cam
Phần vỏ màu trắng bao quanh quả cam chứa hàm lượng chất xơ cao gấp 4 lần so với phần ruột bên trong. Nghiên cứu từ Trung tâm Ung thư Arizona cho biết d-limonene, thành phần chính trong phần vỏ màu trắng này làm giảm sự xuất hiện của ung thư biểu mô tế bào vảy – một hình thức nguy hiểm của ung thư da. Thêm vào đó, cùi cam giàu tangeretin và nobiletin – flavonoid có đặc tính chống ung thư, ngăn ngừa bệnh đái tháo đường và chống viêm hiệu quả. Antixodants có trong phần cùi trắng này còn làm giảm cholesterol xấu (LDL) hiệu quả hơn một số thuốc đặc trị.
Lá cần tây
Lá cần tây chứa hàm lượng magie và canxi nhiều gấp 5 lần so với phần thân, thêm vào đó là các hợp chất chống oxy hóa, chống viêm như vitamin C và phenolics. Magie cần thiết cho hơn 300 phản ứng sinh hóa trong cơ thể, bao gồm cả quá trình chuyển hóa năng lượng và tổng hợp protein. Canxi giúp xương chắc khỏe, phát triển cơ bắp, mở rộng hoạt động của mạch máu, đẩy mạnh sản xuất kích thích tố cần thiết cho các chức năng sinh học cơ bản và tăng hiệu quả làm việc hệ thần kinh.
Lớp cùi của quả dưa hấu
Lớp cùi của quả dưa hấu cung cấp hàm lượng citrulline – một loại axit amin khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành arginine – axit amin giúp cho tim, hệ tuần hoàn và hệ thống miễn dịch làm việc hiệu quả. Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Phát triển Thực vật A&M, Texas cho biết các axit amin được chuyển hóa làm mạch máu giãn nở để cải thiện lưu thông, hỗ trợ điều trị rối loạn cương dương. Citrulline còn có đặc tính chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các gốc tự do gây bệnh.
Lá của bông cải xanh (hay súp lơ)
28 gam lá bông cải xanh cung cấp đến 90% lượng vitamin hàng ngày cơ thể bạn cần (trong khi bông cải xanh là 3%). Theo Viện Y tế Quốc gia, hàm lượng vitamin C trong lá bông cải xanh giúp tăng cường hệ miễn dịch (1 khẩu phần ăn 28g có chứa 43% nhu cầu vitamin C trong ngày của bạn), đồng thời vitamin A có trong lá giúp duy trì chức năng làm việc của hệ miễn dịch, thị lực, sinh sản và thần kinh.
Vỏ hành
Màu nâu cùng lớp vỏ mỏng ngoài củ hành giàu hợp chất phenolic giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch vành và có đặc tính chống ung thư. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tìm thấy trong vỏ hành có chất xơ không hòa tan trong nước như quercetin và chất chống oxy hóa bennies flavonoids làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch, giải quyết các vấn đề tiêu hóa, ung thư ruột kết, bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh béo phì.
Phí Minh Tân
Biên dịch từ Fitbie