Thương hiệu thời trang xa xỉ Pháp Chloé đã phát triển thành công công cụ đo lường tác động xã hội đầu tiên. Bước tiến này được kỳ vọng sẽ ứng dụng rộng rãi trong nền công nghiệp thời trang tương lai.
Công cụ được chế tạo nhằm giúp các nhà mốt đo lường, đánh giá và hình dung những tác động xã hội của họ. Thực tế cho thấy nền thời trang có rất nhiều công cụ đo lường tác động môi trường, nhưng vẫn chưa có thiết bị nào tính toán tác động xã hội trong toàn bộ chuỗi giá trị.
Compagnie Financière Richemont (hay Richemont), công ty sở hữu của Chloé, chia sẻ rằng công cụ sẽ là một phương pháp nguồn mở có thể sử dụng trong toàn ngành sau khi hoàn tất quá trình nghiên cứu và thử nghiệm. Hơn hết, công cụ còn hỗ trợ các thương hiệu trong việc đưa ra quyết định về chiến lược cung ứng và thiết kế sản phẩm.
Dự án phát triển công cụ đo lường tác động xã hội của nhà mốt Pháp đi vào hoạt động cách đây 18 tháng, thể hiện tuyên ngôn và cam kết lâu dài của thương hiệu trong việc đề cao người phụ nữ, xóa bỏ sự bất bình đẳng giới và thúc đẩy tính toàn diện để tạo ra các sản phẩm thời trang có tác động tích cực đến giới mộ điệu.
Được biết, công cụ này thực hiện song song với Báo cáo Tác động Môi trường do Chloé công bố hồi tháng 7/2021 và sẽ huy động hoạt động kiểm toán xã hội, tích hợp phân tích rủi ro và xác định các tác động tích cực tiềm ẩn trong toàn bộ chuỗi giá trị. Chloé cũng nhấn mạnh rằng đánh giá tác động xã hội và môi trường một cách toàn diện sẽ trở thành bước ngoặt phát triển chiến lược bền vững của thương hiệu.
Công cụ đo lường tác động xã hội là kết quả của cuộc hợp tác giữa thương hiệu thời trang Chloé với Học viện Institut Français de la Mode và Nhạc viện Conservatoire National des Arts et Métiers (Ban Dự báo và Phát triển Bền vững). Ngoài ra, thước đo của công cụ dựa trên các báo cáo tạo nên giá trị bền vững do Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Hội đồng Kinh doanh Quốc tế phát hành.
Công cụ đang trong giai đoạn phát triển nâng cao, đảm bảo các điều kiện duy trì các hoạt động xã hội tích cực, với thang đo 6 chỉ số: bình đẳng giới, mức lương, sự đa dạng và toàn diện, đào tạo, sức khỏe và chất lượng công việc.