30% trong số 2,8 triệu công chức, tức có tới 840.000 vị “ăn” ngân sách mà ngày ngày phất phơ, đôi khi còn “chọc ngoáy” mệt mỏi.
Đuổi, sa thải… khó là khó cái “cơ chế”, phải có “lý do chính đáng” mới bứng được. Nóng vội, bị “phản đòn”, lôi thôi còn rước thêm rối. Thế nên, quan trên trông xuống, người ta trông vào đều thấy, nhưng cứ lờ đi, cơ chế đẻ ra, cơ chế lo.
Trừ phi phát hiện con sâu nào đó chạy chọt…chứ không, ai cãi được: tuyển người qua đủ vũ môn, nâng lên đặt xuống mỏi cả tay. Ma mới, e dè phấn đấu, rồi cũng như ma cũ, được đào luyện trong “môi trường cơ chế”, tinh quái dần, quái có nghề.
Đến hẹn, vẫn oang oang báo cáo, thành tích kín kẽ mọi bề. Và vẫn tiên tiến, xuất sắc… Tập thể chả nỡ trị, trị là lộ, “mất thi đua”.
Ù xoẹ cả làng và vẫn hiên ngang đủ tốt. Môi trường nào tạo ra sản phẩm ấy. Trẻ hăng phấn đấu, nằm trong nôi mãi rồi nản dần, thối chí nhận ra trẻ người non dạ. Râu dài ra là mũ ni che tai, mặc mọi thứ miễn an thân. Chất xám chảy đi, cục chì nằm lại, bộ máy vẫn đông nhưng không còn tinh, hết sinh khí, khiến kẻ chột mừng leo lên vua xứ mù…
Biên chế phình, hô mãi chưa xuống được, nay đang có đề án đến năm 2015 có 70% các cơ quan xác định từng vị trí, cơ cấu công chức theo ngạch.
Phấn đấu quyết liệt, nhưng triển khai vào cuộc sống còn nhiều cái khó. Làm sao dọn được “vườn trẻ” đầy con ông cháu cha, làm sao giải tỏa được các cụ non sáng cắp ô đi tối cắp về, bằng chân như vại “hưu tại chức”.
Quen rồi, sáng mài cưa, trưa mài đục: túm tụm trà lá, đọc báo, nghe đài, bình phẩm vu vơ như chim hót. Trưa “đi khách”, làm tý cay cay, rồi “ngả bàn đèn” chém gió… Chiều lơ mơ, tà tà nắn ô sửa gọng…
Nhiều lần cưỡng lại nếp ấy vẫn chưa thành, chỉ nuôi thêm ấm ức vì bất công, phi lý. Nay có vẻ thêm một lần quyết liệt, đổi mới từ cơ chế: cạnh tranh công khai, lành mạnh đã bắt đầu khởi sự. Khoán lương rồi sẽ mở rộng, hướng tới hiệu quả công việc.
Rà soát để loại người ngồi chơi xơi nước. Tuyển chọn, đào tạo, cọ sát, cạnh tranh, đào thải…đang tạo ra một xu hướng mới, theo cơ chế thị trường nhắm mục tiêu hiệu quả. Năng lực đang được chú ý hơn, cải tiến việc họp hành, báo cáo, chỉ tiêu, danh hiệu, thi đua hão…
Quản lý lao động hành chính, theo năng suất, chất lượng, sử dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiêu chuẩn đánh giá công việc là những hỗ trợ cần thiết.
Cứ đằng thẳng thế, hẳn hơn 30% công chức ngại, khó “giả vờ bận”, đối phó. “Xử” tình trạng “có cũng như không” này, biết cả đấy, chỉ là đợi xử “không mà có” cho êm.
Trần Giang Phương