Con yêu, mẹ nghe con đây!

Trong hành trình làm mẹ của mình, tôi có rất nhiều những buổi chiều trở về nhà trong tình trạng kiệt sức và rối bời. Có những ngày căng thẳng tột cùng khi hai đứa trẻ cùng lên cơn khó bảo, ăn vạ, gào khóc trong khi đồ chơi vương vãi khắp phòng, sàn nhà tung tóe nước, bữa tối chưa nấu xong và điện thoại từ đồng nghiệp thì liên tục đổ chuông. Thật không may, tần số những ngày “loạn lạc” như thế lại khá thường xuyên.

noi-chuyen-cung-con-gai-2

Những lúc như vậy, tôi thường cố gắng dồn hết năng lượng ít ỏi còn lại để biến thành một cơn thịnh nộ, xả hết mọi tức giận đang tích tụ vào lũ trẻ bằng những lời la mắng hay hình phạt “time-out”, hoặc đầu hàng và chấp nhận mọi yêu sách của chúng, đổi lấy vài phút yên thân ngắn ngủi. Có một sự thật là cả hai lựa chọn đó đều khiến tôi cảm thấy có lỗi với lũ trẻ và thất vọng về chính mình. Cho đến khi tôi đọc được một câu nói trên diễn đàn của các bà mẹ Mỹ: “Con tôi không mang đến cho tôi sự phiền muộn, mà chính con đang trải qua điều đó”. Khi cha mẹ học cách sống chậm lại, đặt mình vào vị trí của con thì sẽ hiểu con hơn. Bằng cách đó, cha mẹ cũng không áp đặt cảm xúc, mong muốn của mình vào con, rồi khiến cả hai bên cùng tổn thương trong những tình huống con thể hiện cảm xúc (hoặc cha mẹ cho là) tiêu cực như giận dữ, thất vọng, chống đối, ăn vạ, mè nheo…
Điều đó thực sự đánh thức trái tim và tâm trí tôi.

– Đừng nói với con những điều lạnh lùng như: “Nín ngay! Có đau đâu mà khóc!”, “Đừng có xị mặt ra thế!”, “Có gì đâu mà phải sợ!”…

– Thay vào đó, hãy bắt đầu bằng những cụm từ như: “Bố mẹ thấy con/hiểu con/nghe con/biết con…”

Trong các bài giảng về làm cha mẹ trên khắp nước Mỹ, PGS – TS giáo dục Robin Berman, tác giả của những cuốn sách nổi tiếng, luôn nhấn mạnh: “Làm cha mẹ là trở thành huấn luyện viên cảm xúc của con. Quản lý cảm xúc là một kỹ năng trẻ cần phải học và luyện tập”. Vì thế, cách cha mẹ xử lý những cảm xúc tiêu cực của mình chính là bài học vô cùng có ý nghĩa với trẻ. Dưới đây là những lời khuyên dành cho bố mẹ:

Đừng cố cứu con ra khỏi cảm xúc tiêu cực!

Mà hãy dạy con cách đi qua những cảm xúc đó. TS Robin Berman cho rằng, hầu hết cha mẹ đều có một mong muốn là cứu con mình ra khỏi những cảm xúc tiêu cực càng nhanh càng tốt. Ngay khi con tỏ ra không vui, chán nản, khóc lóc…, chúng ta sẽ lao vào xử lý, phục vụ, đe nẹt, quát tháo, thậm chí là trao đổi cảm xúc tiêu cực của con bằng đồ ăn, những món quà hay trò chơi điện tử, miễn sao để con “đừng có như thế nữa”. Bố mẹ không biết rằng bằng hành động đó họ đã gửi cho con thông điệp: “Con không thể tự xử lý được cảm xúc của mình đâu!” hay “Cảm xúc này của con thật đáng xấu hổ!”, tệ hơn nữa là “Con không được phép thể hiện những cảm xúc như vậy!”, “Con làm bố mẹ không vui/phát điên lên rồi!”… Theo cách đó, chúng ta đang làm cho sức mạnh bên trong và sự dẻo dai của trẻ dần chết đi.

Vượt qua những cảm xúc khó khăn của bản thân là một kỹ năng sống vô cùng quan trọng trong xã hội hiện đại. Trẻ chỉ có thể làm tốt việc đó khi chúng được bố mẹ cho phép rèn luyện. Nếu bố mẹ không đủ bình tĩnh, tỉnh táo và kiên nhẫn để lắng nghe và an ủi con, thì hãy làm một việc đơn giản nhất, đó là “lùi lại và đứng ra xa”, cho con thời gian và cơ hội để tự xoa dịu. Đó chính là món quà tuyệt vời bố mẹ tặng con trong hành trình lớn lên của trẻ.

noi-chuyen-cung-con-gai-4

Đồng cảm với con

Khi bố mẹ phủ nhận cảm xúc tiêu cực của con, những cảm xúc đó không biến đi mà ẩn sâu, trở thành một vết thương trong lòng trẻ. Sự đồng điệu cảm xúc của bố mẹ sẽ tạo ra cảm giác an toàn cho trẻ. Các ông bố bà mẹ thường bỏ qua phần lắng nghe, ghi nhận cảm xúc của con và đi thẳng tới “dạy bảo”. Chính sự cảm thông của cha mẹ giúp trẻ giải mã và quản lý cảm xúc của mình.

Đừng nói với con những điều lạnh lùng như: “Nín ngay! Có đau đâu mà khóc!”, “Đừng có xị mặt ra thế!”, “Có gì đâu mà phải sợ!”… Thay vào đó, hãy bắt đầu bằng những cụm từ như: “Bố mẹ thấy con/hiểu con/nghe con/biết con…” thể hiện sự lắng nghe, quan tâm và tôn trọng cảm xúc của con. Theo một cách đầy yêu thương, bố mẹ vừa thừa nhận cảm xúc của con, vừa giữ được lập trường của mình như: “Mẹ biết con muốn chơi thêm chút nữa, nhưng đến giờ chúng ta phải về nhà rồi”, “Mẹ hiểu là con khóc vì con đang rất mệt, mình sẽ nghỉ một chút nhé!”, hay “Bố thấy là con đang sợ. Con có muốn bố ôm con không?”… Sự đồng cảm đó sẽ làm dịu đi những khó khăn, căng thẳng mà trẻ đang phải trải qua.

Hãy trở thành tấm gương cho con!

Nếu bạn thấu hiểu cảm xúc của mình và kiểm soát tốt bản thân thì hành trình làm cha mẹ sẽ dễ dàng hơn cho cả bạn và con. Hãy dừng lại việc quát nạt con, bắt chúng bình tĩnh. Nếu không thể làm gì tốt hơn, hãy nhớ nguyên tắc “lùi lại và đứng ra xa” trước khi bạn khiến mình và con tổn thương. Khi bố mẹ tự cho mình một khoảng thời gian vừa đủ để bình tình, họ sẽ xử lý vấn đề một cách thấu đáo, sáng suốt và bao dung hơn. Làm cha mẹ chính là cơ hội tuyệt vời để bạn học cách cân bằng và hoàn thiện bản thân.

Một điều rất thú vị là trong từ “emotion” (cảm xúc) có từ “motion” (sự chuyển động). Hãy để các con tự đi qua những cảm xúc tiêu cực, thay vì tìm cách ngăn chặn chúng. Đó chính là cơ hội để cả con và bố mẹ cùng trưởng thành. Cảm xúc là một phần quan trọng của sức khỏe tinh thần, vì thế, khi bố mẹ dành cho cảm xúc của con sự tôn trọng, kiên nhẫn và thấu hiểu, con sẽ được lớn lên trong trạng thái cân bằng, tự tin và hạnh phúc.

noi-chuyen-cung-con-gai-3

 


From the same category