Nhắc đến chữ “cồn” là bạn có thể thấy nhăn mặt ngay, nhưng thành phần này lại chia thành “hai phe” đối lập: cồn béo giúp dưỡng ẩm, cồn khô làm da ráo mịn, bớt dầu và giúp mỹ phẩm thấm vào da nhanh hơn. Tùy vào nhu cầu chăm sóc da mà bạn nên chọn cho mình sản phẩm có thành phần cồn và hàm lượng cồn phù hợp.
Cồn béo
Cồn béo được sản xuất từ các acid béo, được sử dụng để làm chất hút ẩm trong các sản phẩm dưỡng da. Những loại cồn béo này không hề làm khô da, thậm chí còn có khả năng cải thiện độ đàn hồi cho da. Nếu bạn thấy trong thành phần mỹ phẩm có chứa Glycol, Cetyl alcohol, Stearyl alcohol, Cetearyl alcohol, bạn có thể yên tâm rằng đây là các loại cồn béo.
Tuy cồn béo không làm khô da, nhưng lại có một số nghiên cứu chứng minh rằng cồn béo có thể gây bít tắc lỗ chân lông, hoặc phá vỡ kết cấu của lớp màng lipid trên da. Vì vậy, nếu da bạn thuộc nhóm nhạy cảm, da nhờn, dễ nổi mụn, nên tránh tuyệt đối cả cồn béo. Nếu da thuộc nhóm da khô, da hỗn hợp hoặc da thường, muốn sử dụng mỹ phẩm chứa cồn béo để dưỡng ẩm, chỉ nên chọn mỹ phẩm mà cồn béo không nằm trong nhóm 5 thành phần đầu tiên. Các sản phẩm chỉ sử dụng dầu hay bơ thực vật sẽ giúp dưỡng ẩm dịu nhẹ, tự nhiên hơn mà vẫn hiệu quả, không cần đến cồn béo, tuy nhiên kết cấu sản phẩm có thể không được mịn nhẹ dễ chịu.
Cồn khô
Cồn khô là những dạng cồn có chuỗi phân tử ngắn, được sử dụng trong mỹ phẩm thường với mục đích kiềm dầu, hoặc giúp các thành phần hoạt chất thấm sâu hơn vào trong da. Tuy nhiên, cồn khô dễ khiến da bị kích ứng, khiến da mất đi phản xạ tự cân bằng. Những thành phần như SD alcohol, Isopropyl alcohol, Ethanol, Ethyl alcohol có thể khiến da mất đi lớp dầu cần thiết, từ đó càng có phản xạ tiết nhiều dầu hơn, khiến tình trạng mụn càng khó kiểm soát.
Những người có da nhiều dầu thường rất khó cưỡng lại sức hút của mỹ phẩm chứa cồn khô, vì những loại kem dưỡng hay kem nền chứa cồn khô thường tạo độ khô ráo, không dính, da hết nhờn ngay khi thoa kem, cảm giác mỏng nhẹ dễ chịu. Nhưng phải chịu tác động lâu dài của cồn khô có thể khiến da mất đi cả khả năng tự thay mới tế bào, da càng ngày càng xỉn màu, nhanh lão hóa. Sữa rửa mặt hoặc toner chứa cồn khô khiến da sạch “kin kít”, nhưng công cuộc bù lại độ ẩm mất đi sẽ vất vả hơn nhiều.
Cồn khô không phải là thành phần không thể thay thế trong mỹ phẩm nữa. Công nghệ mới đã tìm ra được nhiều nguyên liệu giúp tăng khả năng thẩm thấu của mỹ phẩm vào da, không gây nhờn dính mà không cần dùng đến cồn khô. Thay vì dùng một loại kem nền hay kem lót chứa cồn khô để kiềm dầu trên mặt, bạn còn có thể dùng các loại phấn phủ tự nhiên để có làn da mịn lì không bóng nhờn mà cũng không làm hại cho da.