Con trai phố cổ - Tạp chí Đẹp

Con trai phố cổ

Sống

Một ông quê tít tận bên Tôkyô nói được chút chút tiếng Việt nhưng say mê bún chả Hàng Mành thì khăng khăng là có. Những người nồng nhiệt bênh ông, khi lập luận đại loại thường căn cứ vào nôm na ca dao hoặc mông lung lời kể của các bậc trọng tuổi. Ví như họ dẫn “Rủ nhau chơi khắp Long thành. Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai. Hàng Bồ Hàng Bạc Hàng Gai. Hàng Buồm Hàng Thiếc Hàng Bài Hàng Khay…”. Rồi nữa, đến thời văn học rực rỡ Tiền Chiến, nhà văn Thạch Lam đã từng viết hẳn một quyển “Hà Nội 36 phố phường” với vô số những chuyện kể hóm hỉnh về ẩm thực Tràng An, ngầm khẳng định phố cổ là có thật. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu khó tính hơn thì cho rằng Hà Nội bây giờ chỉ còn phố cũ. Đến ngay cái nhà 87 phố Mã Mây được coi là cực cổ thì sau khi phục dựng cũng mang vẻ nhang nhác mới. Năm 2008, đạo diễn lừng danh Thanh Vân quay phim “Lều Chõng” dựa theo tiểu thuyết của cụ Ngô Tất Tố ở đấy, thì ngoại trừ mấy nàng diễn viên đóng vai đào nương châm rượu chắc chắn là không tân, còn đâu nội thất tuốt tuột đều mất hẳn mùi xưa cũ.

Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc “Ở trung tâm nội thành có hai khu vực làm lên niềm tự hào của cả Hà Nội mà không thành phố nào ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác có nổi. Đó là “khu phố cổ” và “khu phố cũ”. (Hà Nội, thành phố nghìn năm – NXB Trẻ, trang 125). Thuyết của ông Phúc mang vẻ “lưỡng lự nhị nguyên” vì ngay sau đấy ông cẩn thận chú “Thực ra chữ “cổ” và chữ “cũ” là một cách gọi ước lệ”. Chẳng biết “cổ” thì oách hơn “cũ” ở chỗ nào, chỉ biết con giai ở những phố mang tên “Hàng…” là đương nhiên đặc sản sang trọng rất Kẻ Chợ. Đám lóc nhóc đang lớn ấy tuổi khoảng từ mười sáu đến hai mươi và cho đến bây giờ vẫn hầu hết là con nhà buôn bán. (Từ Điển Hán Việt chua nghĩa gốc của chữ phố là chỗ bán hàng). Vào thời miền Bắc đang sục sôi xây dựng chủ nghĩa xã hội không mang định hướng thị trường thì những người buôn bán cho dù nhỏ lẻ cũng bị rụng rơi vơi đi nhiều. Sách giáo khoa thời ấy cho rằng, đó là lực lượng từng ngày từng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản. Vì hay dính dáng tới buôn bán, thậm chí chỉ là chứng kiến, nên đám con giai phố cổ tất thẩy đều hoạt bát khoáng đạt lẫn lộn cả tiểu xảo lưu manh, nhất là những đứa “không gia đình” sớm bị vứt ra vỉa hè kiểu như thằng Xuân tóc đỏ. (Nhân đây cũng rụt dè xin được bàn, “Số Đỏ” hoàn toàn không phải là kiệt tác, văn chương tiểu thuyết thua xa “Giông Tố” cũng của chính ông Phụng. Nó vĩ đại vì đơn giản nó là cuốn sách hiếm hoi hay viết về người Hà Nội).

Con giai phố cổ thời tem phiếu đều nồng nàn thiết tha yêu Bờ Hồ. Đó là nơi lý tưởng để câu cá trộm với trùng điệp hầm “tăng xê” làm chỗ giấu cá. Rồi hòa bình nó có cái khách sạn dở dang trung lưu mang tên đúng như thế bán bia hơi tuyệt ngon, hơn hẳn Thủy Tạ nhờ đồ kèm là phở xào tử tế hoặc thịt lợn nướng rất biết cách tẩm ướp. Nỗi nhớ hồ Hoàn Kiếm luôn đọng thành vũng trong tim những kẻ trót bất hạnh đi xa và kể cả những người may mắn còn ở lại. Nhạc Phú Quang hay tranh Lê Thiết Cương nhiều lúc day dứt ám ảnh cũng chỉ vì bọn họ là những thằng con trai đứt ruột của phố cổ. Và có điều khá thường, nhất loạt bọn này đều mê gái sớm, thảng thốt mới có đứa vào học đại học nhưng thông minh tài hoa lãng tử kiêu bạc thì không một thứ giai của vùng nào sánh nổi. Chỉ trong vài buổi cóp nhặt học truyền tay đã lập tức bập bùng ghita điêu luyện tán gái. Phải xem một thằng con giai xõa sợi tóc dài khàn khàn cầm đàn “quạt chả” hát: “Đau, từ đáy trái tim ta buồn đau… Đau…” thì mới hiểu được thế nào là sự quyến rũ.
Hồi bao cấp, con giai phố cổ không thích chơi thành hội như ở các “quân khu” Lý Nam Đế hay 1A Hoàng Văn Thụ, chúng thỉnh thoảng cặp đôi và có thể học cùng nhau từ năm cấp Một. Khoảng cuối năm cấp Ba đã nhiều đứa đi xe đẹp, “Phượng Hoàng” hoặc “Mi Pha”, lác đác có đứa được bố mẹ chiều dám chơi hẳn “Pơ giô” cổ cao phanh rút. Những đứa đi “Lơ” (xe đạp Peugeot) thường ở Hàng Đào, Hàng Ngang, cố một tý là bọn ở Hàng Gai, Hàng Bông, phong độ hao hao bắt chước đàn anh khét tiếng Thông “chả cá”. Đạp xe không chậm lắm, mặt lành lạnh nửa như vui nửa như bất cần. Bọn có xe đẹp là bậc thầy của “cưa đường”, một kiểu tán gái chỉ riêng có ở Hà Nội. Đa phần là chúng cưa đổ, vì ngoài chuyện xông xênh dư dật, bọn chúng đều thật sự chân thành. Và các nàng khi bị cưa gần đứt, không hiểu sao thường đổ sầm về phía thằng đi cưa. Bọn con giai phố cổ khi có vợ bỗng trở nên hiền lành, tuy gia trưởng nhưng bọn chúng chung thủy ít “mèo mỡ”, hầu hết đều sống chung với hôn nhân cho đến khi cuối đời, mặc dầu cái thứ lãng mạn trót cưa được kia có khi là một của nợ. Rồi ngày qua ngày, tất cả giờ đây đã quá trung niên. Bọn họ thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống. Có bọn họ, Hà Nội hôm nay mới có nổi dăm bẩy hàng phở ngon, vài ba quán cà phê thị dân sâu lắng. Bọn họ chẳng chịu là gì, sống nghệ sĩ nửa mùa, rồi trả ơn Hà Nội bằng cách quyết liệt tự nuôi cho mình những thói quen của bao đời Hà Nội.
Một đô thị đã nghìn tuổi thì đương nhiên phải có linh hồn. Hoặc hay hoặc dở đâu có quan trọng, chỉ biết nó thăm thẳm mơ màng rêu phong tạo riêng một bản sắc. Phố cổ chính là nơi giữ gìn được đôi chút những mảnh hồn độc đáo ấy. Có phải thế chăng mà cho dù bị dung tục phát triển các phố cổ đến nay vẫn chưa chịu mất.

Mà mất làm sao được, khi trong từng ngôi nhà của nó vẫn luôn có mấy thằng con trai.

Thực hiện: depweb

08/07/2010, 15:47