Con thèm nói chuyện!

tâm sự cùng con, nói chuyện cùng con, dành thời gian cho con, tâm lý trẻ

“Hội chứng” thèm tâm sự

Thực tế, điều khiến trẻ con quan tâm nhất không phải là chuyện chúng được ăn đồ nhập khẩu hay mặc hàng hiệu, được sống trong villa hay học trường quốc tế. Với chúng, quan trọng hơn cả là bầu không khí gia đình có đầm ấm không, cha mẹ có quan tâm đến chúng không, và biểu hiện dễ nhận thấy nhất là hàng ngày có hỏi han, lắng nghe chúng không.

Hẳn bạn từng đọc mẩu chuyện về một cậu bé sau khi biết mỗi giờ bố mình kiếm được 20 đô la, cậu đã cố dành tiền để hỏi mua một giờ của bố với đề nghị: bố về nhà sớm một giờ để cùng ăn tối và trò chuyện với con.

Chuyện trẻ con “khát” giao lưu với bố mẹ không chỉ có trong sách báo và ở tận trời Tây. Cô đồng nghiệp của tôi vừa bị con gái cưng (11 tuổi) “dọa dẫm”: “Mẹ cứ để Mun ở nhà một mình thế này, Mun sẽ bị tự kỷ đó… Vì không ai nói chuyện nên ngón tay phải toàn nói chuyện với ngón tay trái: ‘Chào bạn, bạn có khỏe không?’. ‘Ừ, chào bạn, mình khỏe. Bạn có thích T-ara không?’. Đấy, Mun toàn tự hỏi, tự trả lời thế, sắp tự kỷ rồi…”.

Tôi còn gặp rất nhiều bé khác cũng mắc “hội chứng” thèm tâm sự. Bé Su (8 tuổi) vừa mới gặp tôi lần đầu đã “tám” đủ thứ chuyện. Từ chuyện “Mẹ cháu còn xinh hơn cháu cơ”“Cháu rất bực vì ông nội toàn gọi nhầm tên cháu”, đến sở thích “hát nhạc đỏ” và ước mơ “sau này hát hay như Mỹ Tâm”… Đến lúc phải chia tay tôi, bé Su không quên xin số điện thoại “Để khi nào buồn thì cháu nói chuyện với bác”.

Chuyện trò, chia sẻ, để cảm thấy mình được quan tâm, che chở là nhu cầu của bất cứ đứa trẻ nào. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng đủ bản lĩnh để “dọa” mẹ như Mun, hay đủ bạo dạn để tìm “bạn tâm giao” như  Su. Trong khi đó, vì bị guồng quay của cuộc sống hiện đại cuốn đi, nhiều phụ huynh không hề nhận thấy nhu cầu thiết yếu này của con trẻ, không  nghe được tiếng kêu thầm tuyệt vọng: “Ba mẹ ơi, con thèm nói chuyện, hãy nói chuyện với con!”.

Vẫn biết các bậc phụ huynh thời hiện đại vô cùng bận rộn, căng thẳng… Nhưng, dù gì đi nữa, khi đã quyết định sinh ra một đứa trẻ, cần phải chịu trách nhiệm không chỉ về sự phát triển thể chất mà cả việc hình thành nhân cách của con. Ta cần giúp trẻ chuẩn bị một hành trang nhất định để sau này chúng đủ tự tin vững bước vào đời. Ngoài kiến thức văn hóa từ nhà trường, kỹ năng sống và nhân cách lành mạnh mà bạn truyền dạy cho con thông qua giao tiếp hàng ngày sẽ làm nên giá trị của con và tương lai của con tùy thuộc vào chính giá trị đó.

Vì sao nên “tám”?

Trò chuyện – đó chính là công cụ rất quan trọng để chúng ta giáo dục con trẻ. Nhưng, hãy nhớ rằng chỉ đơn giản là trò chuyện thôi, chứ không phải răn dạy, đe nẹt, giáo huấn. Hãy trò chuyện bằng cả trái tim và tâm hồn cởi mở. Trò chuyện về đủ mọi đề tài, thậm chí cả về những chuyện nho nhỏ xảy ra ở trường con hay ở cơ quan bố mẹ.

tâm sự cùng con, nói chuyện cùng con, dành thời gian cho con, tâm lý trẻ

Những cuộc “tám”dù là vặt vãnh nhất cũng có thể hữu ích cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con. Chính nhờ được “tám” thường xuyên với cha mẹ mà trẻ trở nên thân thiết, tin cậy cha mẹ, sẵn sàng chia sẻ những vấn đề của mình. Nếu chờ đến khi con “có vấn đề” mới gọi lại để hỏi chuyện thì phụ huynh khó mà nhận được câu trả lời cần thiết. Đơn giản là bởi chiếc cầu giao tiếp giữa họ với con quá mỏng manh khiến con rất e dè khi bước lên đó. Không e dè sao được khi lâu nay con luôn thấy bố mẹ tỏ ra coi thường những chuyện “trẻ nít” của con, luôn ngắt lời và gạt phăng chúng đi.

Trò chuyện với con, trước tiên là để xây dựng một mối quan hệ tin cậy. Khi con đã tin tưởng bạn rồi thì mọi sự bảo ban mà bạn đưa ra (từ chuyện học hành, giải trí cho đến ăn uống, giữ sức khỏe…) sẽ được con tiếp thu dễ hơn. Còn ngược lại, những gì bạn nói sẽ chẳng khác gì “nước đổ đầu vịt”.

“Tám” như thế nào?

Để những cuộc trò chuyện của bạn với con không tẻ ngắt, ngoài việc nhắc nhở con về nhiệm vụ học hành, nề nếp sinh hoạt, bạn đừng quên đề cập đến những “món” khoái khẩu với con – về những phim hoạt hình đang “hot”, về bạn bè của con hay nhân vật nào đó mà con đang yêu thích. Hãy lắng nghe một cách chăm chú để con cảm thấy bạn thật sự quan tâm đến con.

Khi nói chuyện, trẻ thường hay đặt ra những câu hỏi. Bạn đừng nghĩ con còn nhỏ và trả lời qua quýt. Hãy cố gắng trả lời một cách nghiêm túc, như với một người trưởng thành. Trẻ con rất nhạy cảm, qua những câu trả lời của bạn, chúng sẽ cảm nhận được bạn có tôn trọng chúng hay không và chúng có ý nghĩa ra sao đối với bạn. Rồi cùng với thời gian, những lời nói cũng như cách ứng xử của cha mẹ sẽ thấm dần vào trẻ, hình thành nơi con nhận thức về giá trị của bản thân và trên cơ sở đó hình thành nên tính cách: tự tin và lạc quan hay mặc cảm và bi quan trước cuộc sống.

Xin nhắc lại rằng nếu bố mẹ thường xuyên giao tiếp từ khi con còn nhỏ, khi lớn lên, chúng sẽ có thói quen chia sẻ với bố mẹ. Ngoài ra, muốn có nhiều cơ hội trò chuyện với con, bạn hãy cùng con tham gia những hoạt động chung: từ chơi búp bê, xem hoạt hình đến tập bơi, luyện võ hay cùng nấu ăn, trang trí nhà cửa… Qua những hoạt động ấy, bạn sẽ dễ dàng trò chuyện với con hơn và dạy được cho con nhiều điều bổ ích.

Một điều nên lưu ý là khi trò chuyện với con, bạn đừng khăng khăng “trứng khôn hơn vịt” rồi đòi con phải nghe theo mình. Thái độ này sẽ là chiếc barrie vô hình cản trở con bạn phát triển một nhân cách độc lập, tự tin. Trẻ con không thể nhìn nhận cuộc sống xung quang như kiểu người lớn, vậy tại sao bạn lại buộc con phải luôn tán đồng với mình?  

Cuối cùng, đừng tranh cãi với con và đừng hiếu thắng. Bạn càng điềm đạm bao nhiêu thì càng giúp con bình tĩnh bấy nhiêu và con càng dễ nhìn rõ đúng sai hơn, càng tôn trọng bạn hơn. Dẫn dắt, động viên và khen ngợi – đó là những “từ khóa” quan trọng mà bạn nên ghi nhớ nếu muốn có những cuộc chuyện trò chất lượng với con.  

Bài: Bình Minh Mưa

logo


From the same category