Con nuôi & stress - Tạp chí Đẹp

Con nuôi & stress

Sống

 

 

Những yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý có thể là do mong muốn của bản thân trong vai trò mới, cái tôi của người phụ nữ, và quan trọng nhất là sự gắn kết tình cảm với đứa trẻ mà họ nhận nuôi, bởi thường đó là yếu tố quyết định. Nếu tìm cảm giữa bé và mẹ không tốt như mong đợi, họ sẽ nhanh chóng cảm thấy tội lỗi và buồn tủi. Thường thì các bà mẹ luôn có suy nghĩ mình có thể mang lại mọi thứ tốt đẹp cho bé. Tuy nhiên không phải tất cả các bé đều có nhu cầu về tình cảm như nhau. Đặc biệt với những bé đã phát triển về tâm lý.

Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng hiện tượng suy nhược, thất vọng thường xảy ra với những phụ nữ không chuẩn bị tốt kiến thức về nuôi dạy trẻ, và không tìm hiểu kỹ về đứa trẻ mà họ nhận nuôi. Ngoài ra tình trạng hôn nhân và đời sống vợ chồng cũng có ảnh hưởng không nhỏ.

Với các gia đình khi quyết định nhận con nuôi, lý do chủ yếu là do hiếm muộn. Vì vậy quan hệ tình cảm giữa vợ và chồng trong các gia đình này thường không được mặn nồng. Người vợ muốn có một chỗ dựa tâm lý khác và quyết định nhận con nuôi như một cách để làm tròn bổn phận người phụ nữ. Điều này thực sự nguy hiểm cho họ vì việc nuôi dạy con cái là trách nhiệm của cả cha và mẹ. Nếu người đàn ông trong gia đình không chấp nhận việc có thêm một đứa trẻ trong nhà thì tình hình sẽ càng xấu đi, và thậm chí sẽ kết thúc bằng sự tan vỡ hạnh phúc gia đình vốn đã rất mong manh.

Một số dấu hiệu suy nhược tâm lý thường gặp như cảm thấy chán nản, không còn hứng thú làm việc hay giải trí, thay đổi về cân nặng, mất ngủ hoặc thậm chí ngủ li bì, dễ nổi nóng, không thể quyết định được vấn đề gì trong nhà, luôn cảm thấy xấu hổ và tự tin. Khi đã có ý định con nuôi, bạn nên chuẩn bị thật kỹ về mặt tâm lý, và luôn có “kế hoạch B”. Thường thì lúc đứa trẻ đã về đến gia đình cũng là lúc các bà mẹ nuôi nhận ra mình vẫn chưa sẵn sàng. Ngay cả việc vận động hành lang cho tâm lý của các thành viên khác trong gia đình cũng là một yếu tố cần lưu ý. Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau cũng góp phần quan trọng cho hạnh phúc của gia đình bạn. Đừng để họ bất ngờ và đặt ra những câu hỏi kiểu: “Anh chị mất bao nhiêu tiền để nhận nuôi đứa trẻ này vậy?”.

Hiện nay pháp luật nước ta cũng đã có những quy định rõ ràng cho việc nhận con nuôi. Vì vậy ngoài yếu tố tâm lý bạn cũng nên tìm hiểu về luật để đảm bảo con nuôi của bạn được pháp luật bảo hộ. Khi bạn có người thân trong gia đình, bạn bè nhận con nuôi, bạn cũng nên chú ý quan tâm đến họ nhiều hơn để giúp họ vượt qua được những khó khăn trong thời gian đầu. Các bà mẹ nhận nuôi nếu cảm thấy những dấu hiệu mệt mỏi về tinh thần nên đến gặp ngay các bác sĩ tâm lý để có hướng giải quyết từ sớm. Hãy cởi mở tấm lòng để nhận được sự giúp đỡ từ phía các chuyên gia. Khi bạn cảm thấy hạnh phúc thì cả gia đình và đứa trẻ cũng sẽ được hạnh phúc.

 

Theo Mỹ thuật

Thực hiện: depweb

04/06/2012, 15:56