Thiên hướng tính cách
Cũng giống như Tin, cháu Sâu đã 6 tuổi, nghịch ngợm luôn chân luôn tay. Cháu tỏ ra thích thú với việc khám phá thế giới xung quanh. Chị Nguyễn Hồng Nhung (mẹ cháu Sâu ở 14 Lý Nam Đế, Hà Nội) lại lấy làm phiền lòng vì khả năng kém tập trung của con mình, gây ảnh hưởng đến việc học tập.
Tuy nhiên, theo ông Trần Mạnh Hoàng, chuyên gia giáo dục kỹ năng sống, Câu lạc bộ Bồi dưỡng kỹ năng, những biểu hiện tính cách của cháu Sâu thiên về tính hướng ngoại cũng không phải là điều không tốt. Mỗi đứa trẻ sinh ra với một thiên hướng tính cách nhất định. Trẻ hướng ngoại thường nghịch ngợm hơn, ưa hoạt động, thích giao tiếp với thế giới xung quanh và không ngại các giao tiếp xã hội dù là những mối quan hệ mới.
Trong khi đó, trẻ hướng nội thường tránh né tiếp xúc, đặc biệt là với người lạ hoặc các nhóm đông người. Những trẻ hướng nội thường có khả năng hoạt động tĩnh tại và tập trung tốt hơn vào một việc gì đó mà theo đánh giá truyền thống, những trẻ đó là ngoan.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, những người có tính hướng nội lại được đánh giá là những người dễ bị cô lập và thường là những người gặp khó khăn trong việc giải quyết những va vấp trong cuộc sống. Ngược lại, tính hướng ngoại được cho là tốt hơn.
Vì những trẻ có tính hướng ngoại thiên về giao tiếp với thế giới bên ngoài, khiến trẻ năng động hơn, dễ thích ứng với môi trường mới, hoàn cảnh mới. Ở một số trẻ hướng ngoại khả năng tập trung còn hạn chế, nhưng không phải vì thế mà trẻ sẽ không thành công trong cuộc sống sau này.
Trẻ có tính cách hướng ngoại thường là các em ồn ào hiếu động hơn.
Giáo dục giúp trẻ hoàn thiện tính cách
TS Giáo dục học Trương Thị Kim Oanh, nguyên cán bộ nghiên cứu Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, mỗi kiểu tính cách đều có những giá trị riêng của nó và khó có thể thay đổi được. Nhưng với sự giúp đỡ của cha mẹ, con cái sẽ có những biến đổi phong phú về tính cách để có được một cuộc sống hạnh phúc. Giáo dục và môi trường sống là những yếu tố vô cùng quan trọng để tác động đến tính cách trẻ.
Đối với trẻ hướng nội, cha mẹ cần giúp trẻ hạn chế thời gian một mình, bằng cách tăng cường hoạt động vui chơi, tham gia các hoạt động cộng đồng, tiếp xúc với bên ngoài, kích thích nhu cầu trò chuyện ở trẻ. Hãy luôn kiên trì lắng nghe và đặt những câu hỏi “gợi” để trẻ tâm sự cởi mở hơn.
Trẻ hướng nội sẽ dễ dàng thu mình lại trước những lời chê bôi, hay những tác động tiêu cực từ môi trường sống bên ngoài. Do vậy, cha mẹ cũng cần trò chuyện, trang bị cho con những nhận thức đúng đắn về bản thân, cũng như kỹ năng giao tiếp và “kỹ năng đương đầu”. Cổ vũ, tăng cường động viên, khuyến khích những mặt mạnh của trẻ cũng sẽ giúp trẻ tự tin hơn và tích cực hơn trong các hoạt động xã hội.
Trẻ có tính cách hướng ngoại thường ồn ào hơn, cởi mở tự nhiên và dễ xây dựng các mối quan hệ xã hội. Hãy dạy cho con biết rằng, trong các mối quan hệ xã hội mọi người được tôn trọng và phải tôn trọng người khác.
Dạy con về ý thức trách nhiệm và cách duy trì các mối quan hệ xã hội. Tính kiên nhẫn, sự tập trung và khả năng kiên trì theo đuổi một mục đích nào đó là những điểm yếu ở trẻ hướng ngoại mà cha mẹ cần chú ý.
Hãy giúp con thực hành tính kiên nhẫn bằng cách lắng nghe và chờ đợi đến lượt mình được nói. Hạn chế hoạt động bên ngoài và hướng cho trẻ tập trung vào một việc gì đó bằng cách giao việc. Có thể ban đầu làm cùng con, nhưng hãy dần dần rút lui để cho bé tự thực hiện các nhiệm vụ đó.
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có một thiên hướng, một tính cách nhất định. Nhận ra được tuýp tính cách của con sẽ giúp cha mẹ hiểu được cách cư xử của con, từ đó có phương pháp giáo dục phù hợp, giúp trẻ khắc phục những điểm yếu và phát huy điểm mạnh để tính cách phát triển hoàn thiện.
Theo Bee