Con ngáo ộp hôn nhân

Khủng hoảng tiền hôn nhân

“Tôi không ngủ được vì điềm báo sẽ có chuyện vô phương cứu chữa. Từ sáng sớm tôi bắt đầu đếm từng bước thời gian của chiếc đồng hồ ở nhà thờ lớn, cho đến khi nó điểm bảy tiếng chuông đáng sợ là lúc tôi phải có mặt ở nhà thờ. Tiếng chuông điện thoại bắt đầu vang lên từ lúc tám giờ sáng, kéo dài và lỳ lợm, khẩn thiết suốt cả tiếng đồng hồ. Không những không trả lời mà tôi còn không dám thở lớn. Mấy phút trước lúc mười giờ, bắt đầu có tiếng gọi cửa, lúc đầu là bằng nắm đấm, rồi sau đó bằng tiếng kêu của những giọng người quen và đáng ghét. Tôi sợ là cửa sẽ bị đổ sập vì một tai nạn nghiêm trọng nào đó bất chợt xảy ra, nhưng khoảng mười một giờ thì căn nhà trở lại bầu không khí im lặng rợn tóc gáy thường có xảy ra sau những tai họa lớn. Lúc ấy tôi mới khóc thương nàng và thương mình rồi thành tâm cầu nguyện đừng bao giờ gặp lại nàng trong suốt những ngày còn lại của đời mình. Có lẽ một vị thánh nào đó đã nghe nửa chừng lời nguyện cầu của tôi nên ngay trong đêm đó Ximena Ortiz đã bỏ đi nước ngoài và mãi hai mươi năm sau mới trở về nước, có chồng môn đăng hộ đối và bảy đứa con mà đáng ra phải là con của tôi.”

Đó là trích đoạn nổi tiếng trong cuốn “Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi” của Garcia Marquez – nhà văn đạt giải Nobel Văn học năm 1982. Không chỉ xuất sắc về nỗi cô đơn, Garcia Marquez còn tài tình trong việc mô tả tâm lý khủng hoảng ràng buộc giai đoạn tiền hôn nhân.

cuoc-song-sau-hon-nhan-1

Tôi thấy mình trong từng chữ của trích đoạn trên, nhưng rốt cuộc đứng trước hôn nhân, tôi đã không đủ dũng cảm lựa chọn sống cuộc đời độc thân, tự do và quyến rũ. Đám bạn thân hiểu được nỗi sợ này, đã kéo đến áp giải tôi từ sáng sớm, nhét vào xe, sau đó vô cùng tàn nhẫn và yêu thương, đưa tôi đến thẳng đám cưới tấp nập người, để rồi từ dạo ấy đến nay, tôi chỉ còn là gã đàn ông… vô hại.

Tôi ngộ ra rằng những bữa tiệc chia tay cuộc sống độc thân chính là ân huệ cuối cùng. Chẳng thế mà Hollywood làm cả series phim “Hangover” nổi tiếng về những anh chàng uống say túy lúy để quên đi ngày mai phải vào… rọ.

Tôi cũng hiểu ra rằng, phù dâu, phù rể xuất hiện trong đám cưới chỉ với một mục đích, đó là cần những cánh tay lực lưỡng ngăn không cho cô dâu, chú rể bỏ trốn. Và rồi hàng trăm khách mời, dàn thiên thần đưa rước, đường đi quanh co lắt léo, khói ảo mù mờ, âm thanh xập xình,… tất cả hình như đều được bố trí một cách hoàn hảo. Cô dâu và chú rể được áp tải lên sân khấu, giữ lại ở đó cho đến lúc được/bị lồng vào tay những chiếc nhẫn. Từ nay, hai cuộc đời tự do bị tước đoạt. Tất cả ở dưới hò reo. Niềm vui của đám đông đôi khi thật đáng sợ.

Phương Tây có câu nói vui về 3 giai đoạn của hôn nhân: “engagement ring, wedding ring and suffering”, tạm dịch lần lượt là “nhẫn cầu hôn, nhẫn cưới và nhẫn nhịn”. Y học hiện đại phát triển đến mấy cũng vẫn phải đương đầu trước phản ứng phòng vệ của cơ thể trong các ca cấy ghép nhân tạo. Tỉ lệ tử vong cao, bởi cơ thể ích kỷ hơn chúng ta tưởng. Giờ hãy tưởng tượng bạn “cấy ghép” thêm một người nữa vào cuộc sống của mình. Cuộc sống, tâm trí không phản ứng dữ dội, giãy đành đạch mới lạ.

Giống những chiếc xe phải xóc nẩy lên vài lần trước khi đến đoạn đường bằng phẳng, nếu đã cùng nhau vượt qua những ngày khủng hoảng tiền hôn nhân, phía trước bạn sẽ là bầu trời bình yên. Hoặc có vẻ bình yên.

Dũng khí để nắm tay những ngày hậu đám cưới

Hầu hết các câu chuyện cổ tích đều chọn kết thúc bằng đám cưới, kèm câu nói “Hai người sống với nhau hạnh phúc mãi mãi. Chấm hết!”. Điều này có gợi ý cho bạn điều gì không?

Nếu tiền hôn nhân là một cơn khủng hoảng, đám cưới giống như một cơn say, thì hậu hôn nhân thường chẳng có gì để nói nhiều. Thảng hoặc hỏi ai đó về cuộc hôn nhân của họ, thì câu chuyện vài năm hay vài chục năm thường bắt đầu bằng một tiếng thở dài. Cũng như ngày sinh nhật, con số tích lũy càng nhiều càng có hại cho sức khỏe. Sự quen thuộc và nhàm chán lũy tiến theo ngày tháng sẽ giết dần phần thanh tân trong bạn.

cuoc-song-sau-hon-nhan-4

Điều này nghe thật tàn nhẫn. Ngoài ra, một tin buồn khác bạn cũng nên biết, lí do sâu xa của các vụ ly hôn không phải là trầm cảm tiền hôn nhân, không phải nhàm chán hậu hôn nhân, cũng không phải do ngoại tình, mà chính là kết hôn. Hai người yêu nhau có lẽ cứ thế “hạnh phúc mãi mãi” nếu như không còng tay vào chiếc vòng hôn nhân chật chội. Cách duy nhất để không bị nhàm chán hay chết mòn trong hôn nhân là… đừng kết hôn.

Hôn nhân như con ngáo ộp, bắt bạn phải nhẫn nhịn, phải chấp nhận rủi ro, căng thẳng, xung đột, và cả mất mát… Nhưng xin thành thật nói rằng, nếu bạn muốn làm điều gì đó lớn lao trong đời, thì trước hết hãy kết hôn. Giống như vàng đã thử qua lửa, đến việc khó khăn trùng điệp như kết hôn bạn còn dám làm, thậm chí làm hơn một lần, thì chắc chắn chẳng điều gì có thể cản bước bạn.

Tiết trời đã vào mùa cưới, chúc bạn đủ chín chắn, đôn hậu và mạnh mẽ nắm tay người ấy dấn thân vào cuộc hôn nhân phía trước. Vì đôi khi chúng ta sẵn sàng đánh đổi mọi rủi ro, giông bão, mất mát chỉ để có một cái nắm tay lúc tuổi già.

Nhiều khi cái nắm tay ấy cũng đáng cho tất cả.


From the same category