Mấy tuần nay, cu Beo 5 tuổi nung nấu ý tưởng muốn đi ăn mày. Bắt đầu thì: “Con chán cái cảnh ăn cơm ở nhà lắm mẹ ạ! Con muốn đi ăn mày”.
Rồi sáng ra, mẹ vừa xuống nhà, cậu hét lên: “Mẹ ơi, cho con cái bật lửa”. “Làm gì con?”. “Con chuẩn bị được năm cành củi, một cái dao, chỉ thiếu cái bật lửa nữa là đi ăn mày được. Con có lửa để nấu cơm, không lo chết đói đâu”.
“Thế trời rét thế này, con tắm thế nào?”. Cu cậu ngẩn ra rồi tặc lưỡi: “Để con cõng theo bình nóng lạnh”. Nghĩ thêm một tí, “Thôi thì con mang thêm cái bàn chải đánh răng nữa vậy”.
Cuộc sống đầy đủ và có sẵn khiến trẻ không ý thức nhiều về giá trị cuộc sống. Đôi lúc, cha mẹ cần cho trẻ thấy và hiểu cuộc sống mình đang có quí giá thế nào. Đó hoàn toàn không phải là chuyện dễ. Không đơn giản là một bài giảng giáo điều khiến trẻ dễ dàng hiếu được những giá trị do bố mẹ đang cố gắng tạo dựng và vun đắp cho chúng.
Mặt khác, cha mẹ cũng không thể đem đến cho con những trải nghiệm kiểu như cho chúng thử làm việc, nhịn đói hay thử rơi vào những khó khăn để thấy thế nào là giá trị của sự sung túc, đầy đủ.
Vậy, làm cách nào để con cái không rơi vào tình trạng sung sướng, đầy đủ mà không biết mình sung sướng?
Những câu bày tỏ của cu Beo ở trên chứng tỏ bé muốn có một sự trải nghiệm mới, khác với cuộc sống thường ngày. Thậm chí, bé còn tự sắp xếp được kế hoạch cho cuộc sống tương lai nếu không có gia đình, bố mẹ. Điều đó thể hiện suy nghĩ độc lập.
Tuy nhiên, trong những trường hợp này, cha mẹ có thể đặt ra các tình huống, vấn đề trẻ gặp phải nếu thiếu vắng cha mẹ để trẻ tự phân tích và so sánh về các cuộc sống khác nhau trong xã hội. Tại sao các bạn nhỏ đi ăn xin lại bị đói, còn Beo có bố mẹ thì không bị đói? Tại sao Beo chán ăn cơm mà các bạn không có bố mẹ lại thích ăn cơm? Nếu đi ăn xin, Beo sẽ không có những quyền lợi gì?…
Tất cả những gợi mở sẽ khiến bé suy nghĩ lâu dài và so sánh. Bạn đừng vội vã đòi hỏi con phải có câu trả lời ngay, rằng đi ăn mày hay ở nhà với bố mẹ thì sướng hơn. Hãy để trẻ suy nghĩ. Chắc chắn chúng sẽ nghĩ nhiều về chuyện này trong thời gian sau đó.
Nếu thực sự kì công, bạn có thể bỏ ra một buổi cùng con đi lang thang. Đơn giản là không xe cộ, cả hai cùng phải đi bộ. Đến bữa không có gì ăn, khát không có nước uống vì cả hai bố con đều không có tiền để mua.
Cho trẻ nếm mùi một chút cảm giác khó khăn để tự suy nghĩ xem làm cách nào để có tiền, để mua thức ăn, nước uống… Hai bố con có thể có một buổi dã ngoại với những câu hỏi đáp để trẻ tự gợi mở cách tìm ra câu trả lời cho riêng mình.
Nhiều gia đình chọn phương án đưa con đến thăm những trại trẻ mồ côi hoặc nơi dành cho các em khuyết tật để làm từ thiện. Họ mong muốn con cái gặp gỡ, giao lưu với các bạn nhỏ như mình nhưng gặp nhiều bất hạnh, từ đó giúp con có tình yêu thương với mọi người.
Đồng thời, trẻ cũng có ý thức về cuộc sống đầy đủ của bản thân hơn. Dù với cách nào, điều quan trọng nhất vẫn phụ thuộc vào kĩ năng của cha mẹ trong việc đặt tình huống, gợi mở cho trẻ có những suy nghĩ, giải pháp cho chúng trong từng tình huống của cuộc sống.
Nếu một ngày nào đó, con bạn có nói: “Con chán ở nhà lắm rồi!”, bạn hãy bình tĩnh và giúp con thay đổi một chút cảm giác, một chút ý thức. Để rồi sau đó, trẻ sẽ thấy rằng, không đâu hạnh phúc bằng ngôi nhà của mình, trong vòng tay yêu thương của bố mẹ.